Phát huy đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” và hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh đối với đất nước, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Trực Ninh luôn thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, thường xuyên chăm lo về vật chất và tinh thần cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Huyện thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công, nhất là những quy định mới ban hành; chỉ đạo thực hiện đúng, đủ, chu đáo, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công; tập trung giải quyết những tồn đọng về xác nhận, công nhận người tham gia hoạt động kháng chiến.
Tại xã Trực Hùng, mặc dù chiến tranh đã đi qua 48 năm, nhưng các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân công lao các anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng, các ban ngành, lực lượng đoàn thể ở Trực Hùng xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, có 49 người con thân yêu của quê hương Trực Hùng đã anh dũng hy sinh, đến nay mới có 21 di cốt của các liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang quê nhà, 28 liệt sĩ còn đang yên nghỉ trong lòng đất mẹ ở các địa phương nơi các anh đã anh dũng hy sinh trong các cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Công tác người có công được sự quan tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện của Đảng uỷ - HĐND - UBND, sự phối hợp hoạt động của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, các chi bộ, ban công tác mật trận cơ sở, các đồng chí trưởng xóm và các hội quần chúng, đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ của nhân dân toàn xã. Hiện, toàn xã có 06 thân nhân của các liệt sĩ hiện đang hưởng trợ cấp hàng tháng; Có 36 người được họ tộc uỷ quyền đảm nhiệm việc thường xuyên hương khói, thờ cúng các liệt sĩ; có 33 đồng chí thương binh trong đó có 32 đồng chí là thương binh loại A (tỉ lệ thương tật từ 21% - 80%) và 01 đồng chí là thương binh loại B.
Mặc dù đời sống dân sinh còn nhiều khó khăn song được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ngành, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" trên địa bàn huyện Trực Ninh được ghi nhận có nhiều điểm sáng. Trong quá trình triển khai các chính sách về người có công, cùng với việc thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người có công và các gia đình thương binh, liệt sĩ, huyện Trực Ninh đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phát động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tạo thêm nguồn lực chăm lo cho các đối tượng chính sách. Các xã, thị trấn đã thực hiện ưu tiên về ruộng đất, hỗ trợ về ngày công lao động; chính sách tín dụng, cho vay vốn với lãi suất thấp, giới thiệu việc làm..., giúp các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Vào các dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) hàng năm, ngoài quà tặng của Chủ tịch nước và của tỉnh, huyện trích ngân sách tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các đối tượng chính sách./.
Khánh Linh