Huyện Tri Tôn phát huy truyền thống anh hùng
(LĐXH) - Tri Tôn là huyện vùng núi mang đâm các yếu tố dân tộc, tôn giáo, biên giới, có vị trí và vai trò quan trọng trong sự nghiệp mở đất và giữ đất của người dân An Giang. Trong suốt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Tri Tôn là vùng căn cứ địa cách mạng và là địa bàn đầu cầu của đường hành lang chiến lược về miền tây nam bộ nên bị kẻ thù đánh phá vô cùng ác liệt. Đảng bộ và quân dân Tri Tôn đã phải đương đầu với nhiều đội quân hùng mạnh của đế quốc và tay sai, chịu đựng biết bao loại vũ khí hủy diệt tối tân nhất lúc bây giờ để tồn tại, vượt lên và chiến thắng.
Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng, Tri Tôn còn được biết đến là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi đây từng là vùng kháng chiến trong thời kỳ chống Mỹ và cũng là nơi diễn ra Chiến tranh biên giới Tây Nam Kỳ. Trên địa bàn huyện có 11 di tích lịch sử cách mạng, văn hóa được xếp hạng. Một trong những địa danh, di tích, danh thắng nổi tiếng là Đồi Tức Dụp (nay là Khu du lịch, di tích lịch sử Đồi Tức Dụp) thuộc dãy núi Cô Tô, nơi du khách có thể tìm hiểu về truyền thống cách mạng, những trận đánh oai hùng 128 ngày đêm của quân và dân An Giang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau ngày 30/4/1975, Nhân dân Tri Tôn cùng quân dân tuyến biên giới Tây Nam phải tiếp tục với cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chống lại âm mưu lấn chiếm biên giới của bọn diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Sary. Tháng 4/1978 bọn chúng đã gây ra cuộc thảm sát 3.157 người dân vô tội ở Ba Chúc - một sự thật thảm khóc, đau buồn, không thể nào quên.
Sau 43 năm tái lập huyện (23/8/1979 - 23/8/2022), được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ tích cực các sở, ban ngành cấp tỉnh, Đảng bộ và Nhân dân huyện Tri Tôn đã nỗ lực Tri Tôn khắt phục hậu quả chiến tranh, phấn đấu xây dựng lại quê hương và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng: Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển nhanh, tổng diện tích sản xuất tăng 6,44 lần so với năm 1979 (18.000 ha lên 116.000 ha), sản lượng lương thực tăng 44,61 lần (16.000 tấn lên 713.800 tấn). Thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp, nâng giá trị sản xuất đạt 143,014 triệu đồng/ha; thành lập 25 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo luật HTX và 1 liên hiệp HTX Tri Tôn, nhiều mô hình sản xuất lớn, như trồng chuối xuất khẩu, trang trại chăn nuôi heo, bò,… hình thành; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 01 xã đạt nông thôn mới nâng cao và thị trấn Tri Tôn mở rộng (gồm thị trấn Tri Tôn, xã Núi Tô và Châu Lăng) đạt chuẩn đô thị loại IV.
Đi qua nỗi đau chiến tranh, vượt lên khó khăn chồng chất, Đảng bộ huyện Tri Tôn đã đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hành động, trước mắt là tập trung chăm lo lương thực, chỗ ở cho nhân dân. Toàn huyện có 5 xã anh hùng Ba Chúc, xã Lương Phi, Ô Lâm, An Tức, Cô Tô; có 10 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 89 bà mẹ việt nam anh hùng, Toàn huyện có 4.027 gia đình có công với cách mạng cùng 984 liệt sĩ, hơn 700 thương binh, bệnh binh. Thời gian qua, huyện Tri Tôn tập trung thực hiện tốt công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công, thực hiện chi trợ cấp khoảng 20 tỷ đồng/năm.
Nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023), huyện Tri Tôn đã trao tặng 1.251 suất quà của Chủ tịch nước, 1.775 trường hợp được nhận quà của Chủ tịch UBND của tỉnh An Giang với tổng kinh phí gần 1,32 tỷ đồng; tổ chức đoàn đến thăm hỏi, tặng quà, họp mặt các gia đình chính sách tiêu biểu; bàn giao 4 nhà Tình nghĩa cho thân nhân liệt sĩ… Nhân dịp này, huyện Tri Tôn đã trao tặng cho 110 cán bộ lão thành cách mạng, thương bệnh binh, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu mỗi người phần quà trị giá 1 triệu đồng.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Tri Tôn xác định tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy tinh thần đoàn kết để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, đồng thời huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, hướng tới mục tiêu xây dựng quê hương ngày một phát triển.
Hà Giang