An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang): Triển khai các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững
08:03 PM 24/05/2024
(LĐXH) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian qua, huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) đã triển khai các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả.
Triển khai trao vốn nuôi bò thịt cho 20 hộ là người dân tộc Khmer thuộc hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn)
Năm 2023, dự án chăn nuôi bò thịt thoát nghèo bền vững trên địa bàn thị trấn Óc Eo (Dự án 3 - tiểu dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững) được triển khai thực hiện có hiệu quả. Dự án hỗ trợ 20 hộ dân là người dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer thuộc hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn thị trấn, với tổng kinh phí hỗ trợ 445 triệu đồng. Bên cạnh đó, các hộ dân được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo đàn bò phát triển tốt.
“Theo dự án, hộ nghèo được hỗ trợ vốn 25 triệu đồng, hộ cận nghèo được hỗ trợ 20 triệu đồng để nuôi bò thịt, sau 18 tháng thì hoàn vốn. Việc hỗ trợ vốn nuôi bò thịt cho đồng bào DTTS Khmer vùng đặc biệt khó khăn là một trong những giải pháp quan trọng giúp bà con cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo. Địa phương tiếp tục phối hợp các ngành, đoàn thể tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho các hộ dân để đảm bảo đàn bò phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao” - Phó Trưởng ban Nhân dân khóm Tân Đông Danh Thanh cho biết.
Gia đình ông Danh Lợi (ngụ khóm Tân Đông) bày tỏ niềm phấn khởi khi được nhận nguồn vốn hỗ trợ nuôi bò thịt. Gần 10 tháng chăn nuôi, 2 con bò thịt của gia đình phát triển rất tốt. “Tôi sẽ tận dụng tốt nguồn vốn này để phát triển đàn bò, nâng cao thu nhập, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Dự kiến khi xuất bán, gia đình sẽ thu về lợi nhuận từ 10 - 15 triệu đồng/cặp bò thịt” - ông Danh Lợi cho biết.
Tháng 3/2024, UBND huyện Thoại Sơn triển khai các mô hình giảm nghèo. Mục tiêu của huyện là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Cụ thể, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,5 - 1%/năm, trong đó 40 - 50% hộ giảm nghèo bền vững (không tái nghèo); giảm tỷ lệ hộ cận nghèo bình quân 0,5 - 1%/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS bình quân 0,5%/năm; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, đảm bảo 100% hộ nghèo có nhà ở ổn định...
Theo đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 được triển khai trên địa bàn huyện, gồm: Dự án 2 - Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Dự án 3 - Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Dự án 4 - Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Dự án 6 - Truyền thông và giảm nghèo về thông tin... với nguồn vốn thực hiện chương trình trên 9 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương.
Một trong những dự án trọng tâm, được kỳ vọng tạo sinh kế giúp người nghèo vươn lên là Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Để thực hiện có hiệu quả Dự án 4, các địa phương thực hiện tuyên truyền điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo, ngành nghề đào tạo cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp.
Mới đây, UBND huyện Thoại Sơn tổ chức Chương trình tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, việc làm, xuất khẩu lao động cho thanh, thiếu niên vùng đồng bào DTTS năm 2024. Hơn 700 học sinh trường THCS Nguyễn Công Trứ và THPT Vọng Thê (thị trấn Óc Eo) được chia sẻ về hướng nghiệp, khởi nghiệp và thông tin về giáo dục nghề nghiệp, thị trường lao động hiện nay thông qua các tiểu phẩm tuyên truyền sinh động để truyền cảm hứng tích cực cho các em viết tiếp câu chuyện khởi nghiệp của bản thân. Chương trình tạo cơ hội để đoàn viên, thanh niên nói chung, thanh niên là đồng bào DTTS nói riêng được tiếp xúc với các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục để lựa chọn ngành nghề, công việc phù hợp.
Năm 2023, huyện Thoại Sơn tư vấn, giới thiệu việc làm cho 4.203 lao động, vượt 110% so nghị quyết. Trong đó, xuất khẩu lao động 136 người, vượt 36% so nghị quyết; tổ chức đào tạo nghề được 64 lớp cho 1.548 lao động, vượt 55% so nghị quyết. Có 3 đơn vị thực hiện 4 dự án đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo năm 2023, gồm: Thị trấn Óc Eo (mô hình dệt thổ cẩm và nhạc ngũ âm); xã Bình Thành (mô hình nuôi ếch Thái); xã Tây Phú (mô hình nuôi lươn). Đến nay, các dự án triển khai thực hiện hiệu quả, được sự đồng thuận cao từ người dân.
Để việc triển khai các mô hình giảm nghèo năm 2024 đạt hiệu quả, thời gian tới, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND huyện thực hiện các dự án giảm nghèo. Cùng với đó, tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình dạy nghề; nâng cao năng lực và truyền thông giảm nghèo, cán bộ làm công tác giảm nghèo. Tiếp tục nhân rộng mô hình giảm nghèo, nâng cao nhận thức người nghèo, hỗ trợ người nghèo các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Bên cạnh đó, UBND các xã, thị trấn, chủ động xây dựng kế hoạch giảm nghèo hàng năm; lồng ghép có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án trên địa bàn vào mục tiêu giảm nghèo./.
Thu Hương
TAG:
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa