Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Huyện Sơn Động: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
03:24 PM 05/12/2022
(LĐXH) – Huyện Sơn Động (Bắc Giang) đang tích cực đào tạo nghề cho người nghèo, người lao động vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giúp họ có sinh kế bền vững để nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Sơn Động là huyện vùng cao có 15 xã và 2 thị trấn với 124 thôn, bản, khu phố (trong đó có 14 xã đặc biệt khó khăn, 108 thôn đặc biệt khó khăn của xã vùng II). Dân số của huyện là gần 7,4 vạn người với 12 dân tộc cùng chung sống (trong đó dân tộc thiểu số chiếm 47,2%).
Bà Vi Thị Tú, Trưởng phòng LĐTBXH huyện Sơn Động cho biết: Triển khai đào tạo nghề cho người nghèo, người lao động vùng khó khăn, vùng DTTS&MN theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, trên cơ sở hướng dẫn của Sở LĐTBXH, UBND huyện Sơn Động đã ban hành kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, đơn vị để triển khai thực hiện. Huyện đặt ra kế hoạch tổ chức đào tạo nghề cho 126 người lao động là người DTTS, người lao động là người dân tộc kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng DTTS&MN và 584 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động có thu nhập thấp.
Học viên thực hành nghề Quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại xã Thanh Luận
Để đạt mục tiêu đề ra, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành đoàn thể cùng tích cực vào cuộc. Trong đó, chỉ đạo Hội Nông dân huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động 300 hội viên tham gia các lớp đào tạo nghề; Hội Liên hiệp Phụ nữ tuyên truyền, vận động 300 hội viên và Hội Cựu chiến binh tuyên truyền, vận động 120 hội viên tham gia các lớp đào tạo nghề. Đối với UBND các xã, thị trấn, triển khai nội dung kế hoạch của UBND huyện đến cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân trên địa bàn; Phối hợp với các cơ sở GDNN tổ chức tư vấn, tuyển sinh và mở các lớp học nghề sao cho phù hợp với nhu cầu công việc của người dân cũng như điều kiện phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Các cơ sở GDNN xây dựng kế hoạch, chương trình chi tiết và tổ chức đào tạo theo chương trình được phê duyệt, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đào tạo được giao đảm bảo chất lượng, hiệu quả sau đào tạo.
Nhờ sự tích cực phối hợp triển khai của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, đến nay các cơ sở GDNN đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Sơn Động tuyển sinh và đang tiến hành đào tạo được 22 lớp trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng cho 731 lao động; Các nghề đào tạo: Sửa chữa Cơ khí, Sửa chữa máy nông nghiệp, Điện dân dụng, Quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và Chăn nuôi thú y.
Theo giới thiệu của Sở LĐTBXH, chúng tôi đến huyện miền núi Sơn Đông để tìm hiểu về tình hình triển khai các lớp đào tạo nghề cho người dân. Đến thăm các lớp học, chúng tôi nhận thấy sự vui mừng hiện rõ trên nét mặt các học viên; bà con nông dân ai nấy đều phấn khởi vì tham gia khóa học nghề được trang bị các kiến thức, kỹ năng và tìm hiểu về công nghệ kỹ thuật mới để áp dụng vào công việc, giúp tăng năng suất lao động và cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Lớp Sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi tại xã Vĩnh An
Chị Cam Thị Thuấn ở xã Thanh Luận, huyện Sơn Động thuộc diện hộ cận nghèo cho biết: Gia đình vốn làm nông nghiệp, quanh năm tất bật với mấy sào rau màu kết hợp với nuôi gia cầm (gà, vịt) và trồng thêm cây ăn quả (vải thiều, táo, ổi, cam, bưởi…) nhưng thu nhập cũng chẳng được là bao. Nếu năm nào thời tiết thuận lợi, rau màu được mùa thì còn có đồng ra đồng vào, năm nào thời tiết khắc nghiệt cộng thêm sâu bệnh thì coi như mất trắng. Vì vậy, khi biết thông tin huyện mở các lớp đào tạo nghề cho nông dân, chị đã đăng ký theo học lớp Quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để có thêm các kiến thức sử dụng thuốc đúng cách vừa giúp rau màu, cây ăn quả sinh trưởng và phát triển tốt vừa đảm bảo an toàn cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Anh Vi Văn Chi ở xã Lệ Viễn, huyện Sơn Động là học viên lớp dạy nghề Sửa chữa máy nông nghiệp cho biết: Cách đây vài năm, gia đình anh có mua một số máy móc, thiết bị để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình hoạt động máy cũng hay gặp sự cố, trục trặc về kỹ thuật. Mỗi lần như thế anh lại phải mang đi sửa ở tận xã bên, cách vài cây số và còn phải chờ đợi rất mất thời gian, gây gián đoạn công việc. Khi tham gia lớp dạy nghề Sửa chữa máy nông nghiệp, anh được thầy giáo hướng dẫn trực tiếp cách sử dụng và kỹ thuật vận hành, cách khắc phục sự cố thường gặp (như lỗi tụt hơi, hỏng bơm cao áp), đồng thời được trang bị kỹ năng làm việc an toàn và bảo vệ môi trường… “Thế là từ nay tôi đã có thể làm chủ được máy móc, không phải phụ thuộc vào thợ sửa chữa mỗi xảy ra sự cố, vừa tốn kém tiền bạc vừa lỡ thời cơ sản xuất”- Anh Chi vui mừng chia sẻ.
Học viên thực hành nghề Điện dân dụng tại thị trấn Tây Yên Tử
Ông Trần Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH cung ứng nhân lực Phương Lan cho biết: Đơn vị đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn đến từng hộ dân để tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác GDNN và lợi ích thiết thực của việc học nghề; điều tra, khảo sát, tham khảo nguyện vọng của người dân về ngành nghề muốn học để mở lớp dạy nghề cho phù hợp với điều kiện của bà con nông dân ở từng địa phương; vận động những người đủ điều kiện đăng ký tham gia học nghề; đưa các máy móc, thiết bị thực hành về để mở lớp học ngay tại thôn, xóm và bố trí thời gian linh hoạt, phù hợp với điều kiện của người dân để thuận tiện cho bà con tham gia các khóa học; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh tạo điều kiện cho người học đến thực hành, thực tế và tiếp nhận lao động sau khi đào tạo vào làm việc. Hiện đơn vị đang đào tạo 17 lớp ở huyện Sơn Động với các ngành, nghề: Sửa chữa Cơ khí, Sửa chữa máy nông nghiệp, Điện dân dụng, Quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và Chăn nuôi thú y.
Qua quá trình học, bà con nông dân đã nắm được các kiến thức cơ bản về cách sử dụng và sửa chữa các loại máy nông nghiệp như máy cày, máy gặt; Các khái niệm về thuốc bảo vệ thực vật, tác động của thuốc bảo vệ thực vật đến môi trường và con người, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, phòng ngừa, xử lý sự cố thuốc bảo vệ thực vật; Nhận biết được một số loại bệnh và cách sử dụng thuốc an toàn để phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm; Có thể sửa chữa được các thiết bị điện đơn giản trong gia đình như quạt, máy bơm, lắp bóng điện, đấu nối dây điện… Với những kiến thức, kỹ năng có được trong quá trình học, hy vọng rằng bà con nông dân sẽ vận dụng được vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo./.
Nguyễn Hiền
TAG:
Tin khác
Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
Huyện Ngọc Hiển: Tạo sinh kế bền vững cho lao động vùng nghèo, vùng khó khăn
Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ kỷ niệm 20 năm thành lập
Trường Đại học LĐ-XH CSII tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM: Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi thư chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Hành trình 3 thập kỷ: Trường Phổ thông Dân lập Hermann Gmeiner Hà Nội – Mái ấm yêu thương, chắp cánh ước mơ
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024: Vinh danh 60 thầy cô giáo tiêu biểu trên mọi miền Tổ quốc
TP.HCM: Hơn 430 học sinh, sinh viên tranh tài tại Hội diễn văn nghệ GDNN cấp Thành phố