Huyện Nam Đông: Những tấm gương thương binh tàn nhưng không phế
(LĐXH) - Với quyết tâm “Tàn nhưng không phế”, những thương, bệnh binh trên địa bàn huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương anh hùng. Họ còn là tấm gương điển hình trong công tác xã hội, giúp bà con, cộng đồng cùng phát triển kinh tê,́ từng bước thoát nghèo bền vững.
Từ lâu, người dân thôn Lập (xã Thượng Nhật) đã quen thuộc với hình ảnh “Ông Mặt trận” Hồ Văn Lung đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động mọi người hưởng ứng các phong trào do địa phương phát động.
Anh Hồ Văn Tươi, người dân thôn Lập chia sẻ, các gia đình khó khăn đều được ông Lung đến trực tiếp động viên, hướng dẫn cách làm ăn và tiếp cận các khoản vay vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Ở cái tuổi xấp xỉ 70, khi nhiều người chọn nghỉ ngơi an hưởng tuổi già thì ông Hồ Văn Lung vẫn gắn bó với vị trí Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn. Theo ông Lung, tinh thần người lính Cụ Hồ không cho phép bản thân được dừng lại mà cứ thôi thúc ông tiếp tục cống hiến cho xã hội.
Với xã miền núi còn nhiều khó khăn, một bộ phận bà con nhận thức lại chưa cao nên ông Lung luôn đặt mục tiêu tuyên truyền, vận động mọi người tham gia các phong trào và chủ trưởng, chính sách của Đảng và Nhà nước. Từ vận động bà con trên địa bàn giúp các hộ nghèo, gia đình chính sách không có điều kiện làm kinh tế về cây, con giống đến tham gia tích cực phong trào xây dựng nông thôn mới… “mặt trận” nào ông Lung tham gia góp sức với vai trò tiên phong, gương mẫu.
Cựu chiến binh Hồ Văn Lung
Không chỉ là người gắn kết cộng đồng dân cư, ông Lung còn là một trong những bệnh binh tiêu biểu của địa phương vượt khó vươn lên phát triển kinh tế. Năm 14 tuổi, giác ngộ lý tưởng cách mạng, ông Lung đã tham gia du kích tại địa phương. Năm 1971, khi vừa tròn 18 tuổi ông Lung tình nguyện nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường Huế - Đà Nẵng.
Năm 1977, ông phục viên với tỷ lệ thương tật 61% và bước đầu lập nghiệp với nhiều khó khăn, thách thức. “Trở về mảnh đất quê hương với hành trang duy nhất là khát vọng vươn lên, đã có lúc tôi trăn trở, nghi ngờ bản thân khi đối mặt với hàng loạt khó khăn thách thức. Nhờ sự yêu thương, đùm bọc của đồng chí, đồng đội, người dân và chính quyền địa phương, gia đình cũng mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển cây trồng, vật nuôi. Hiện, cuộc sống cả nhà cũng dần ổn định hơn nhờ gắn bó với kinh tế vườn và chăn nuôi”, ông Lung chia sẻ.
Không riêng ông Lung, nhiều thương, bệnh binh, người lính Cụ Hồ trên địa bàn huyện Nam Đông đã và đang có sức lan tỏa, ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương. Những tấm gương người thương, bệnh binh với ý chí vươn và tinh thần sẻ chia vì cộng đồng là điểm tựa rất lớn, tác động tích cực cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Như trường hợp của mẹ Đoàn Thị Ruynh ở thôn 4 (xã Thượng Long). Mười bảy tuổi, mẹ đã tham gia cách mạng, bản thân mang trên mình nhiều vết thương đau nhói lúc trái gió, trở trời với tỷ lệ thương tật lên đến 78%. Từ khi trở về địa phương, mẹ luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu trong các phong trào, tuyên truyền, vận động bà con trong thôn, bản cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.
Dần dần, mẹ Ruynh trở thành “điểm tựa” cho người dân xung quanh, là người có uy tín trong cộng đồng. Mặc dù đã ngoài 80 tuổi, nhưng mẹ vẫn nhớ như in những câu chuyện về tinh thần cách mạng của bà con đồng bào dân tộc thiểu số năm xưa. Giờ đây, mẹ là người “truyền lửa” khi kể lại cho lớp lớp thế hệ trẻ những chiến tích hào hùng năm xưa mỗi khi có dịp tụ họp. “Cả chồng, con và 4 người thân trong gia đình tôi đều tham gia cách mạng. Quan trọng nhất là giữ gìn được truyền thống đó cho đến những thế hệ sau này, điều này đòi hỏi vai trò dẫn dắt, làm gương của những người đi trước”, mẹ Ruynh trải lòng.
Ông Võ Phước Hóa, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Nam Đông cho biết, hiện trên địa bàn có trên 900 đối tượng chính sách, gồm thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng và hàng trăm huân, huy chương. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hầu hết các hộ gia đình chính sách phần lớn có mức sống tương đối ổn định và tích cực tham gia vào các phong trào, cuộc vận động tại địa phương.
Trong dịp 27/7 năm nay, ngoài quà của Chủ tịch nước, tỉnh đã tặng 9 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng và huyện tặng 50 suất, mỗi suất 500 ngàn đồng cho các gia đình thương, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ trên địa bàn huyện.
Tiến Dũng
TAG: