Huyện Mèo Vạc: Đồng bộ các giải pháp giảm nghèo
(LĐXH) – Các cấp, các ngành, địa phương huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đang tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc, nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Mèo Vạc là huyện vùng cao núi đá phía Bắc tỉnh Hà Giang, một trong 62 huyện nghèo của cả nước, 18 xã, thị trấn với 199 thôn, tổ dân phố, 17 dân tộc cùng chung sống, hơn 17.200 hộ dân. Đồng bào các dân tộc trong huyện chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Cây trồng chính là cây ngô, đời sống và thu nhập của bà con còn thấp.
Để giúp người nghèo vượt qua khó khăn, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể của huyện Mèo Vạc luôn tích cực triển khai thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững. Huyện đã tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân tự nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện cũng triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo như hỗ trợ vay vốn, dạy nghề gắn với tạo việc làm, xuất khẩu lao động, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ; triển khai giúp đỡ hộ nghèo có khả năng thoát nghèo ngay từ đầu năm…
các chương trình mục tiêu quốc gia tại xã Sủng Trà
Để giúp người nghèo có vốn phát triển kinh tế, huyện Mèo Vạc tiếp tục hỗ trợ và hướng dẫn người dân triển khai thực hiện tốt các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, nhân rộng các mô hình; chú trọng thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 1/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện hiệu quả việc cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn... Cùng với việc đầu tư phát triển kinh tế, hỗ trợ nhà ở, chính sách hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ về y tế cũng được quan tâm. Thực hiện Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính Phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, toàn huyện đã hỗ trợ gạo, tiền ăn, ở cho hơn 20.000 lượt học sinh là con em hộ nghèo, hộ cận nghèo; miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ cho 39.194 lượt trẻ em, học sinh...
Để thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm và duy trì ổn định việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động người dân tộc thiểu số, huyện Mèo Vạc còn tập trung thực hiện các chính sách, giải pháp, chương trình về hỗ trợ giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề theo quy định; chú trọng hỗ trợ việc làm, sinh kế cho người lao động. Bên cạnh đó, huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, các phòng chức năng tiến hành rà soát, phân loại đối tượng hộ nghèo để có chính sách hỗ trợ hợp lý và tạo điều kiện thuận lợi giúp người nghèo có nhu cầu vay vốn tiếp cận được các nguồn vốn, phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mèo Vạc đã tạo điều kiện cho các lao động địa phương được tiếp cận 256 dự án theo Chương trình vốn vay giải quyết việc làm, với tổng số tiền cho vay hơn 21,3 tỷ đồng. Số lao động được giải quyết việc làm thông qua các dự án này là 256 người. Năm 2022, huyện đã giải quyết việc làm mới cho hơn 13.000 lao động, trong đó đi xuất khẩu lao động và làm việc tại các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh là gần 8.900 người.
Thực hiện theo Quyết định số 2223/QĐ-UBND, ngày 7/12/2022 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo của tỉnh Hà Giang thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tổng kinh phí phân bổ của huyện Mèo Vạc năm 2023 là hơn 26,5 tỷ đồng, trong đó xây mới là 550 hộ và sửa chữa 107 hộ. Sau một thời gian triển khai, đến nay toàn huyện Mèo Vạc đã hoàn thành 66 căn nhà mới (mỗi hộ được hỗ trợ 44 triệu, ngân sách Trung ương 40 triệu và ngân sách địa phương đối ứng 4 triệu) và 11 căn nhà sửa chữa (hỗ trợ 22 triệu/hộ). Trong quá trình triển khai, địa phương thực hiện việc hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối tượng đề án. Tiền vốn hỗ trợ từ các nguồn được phân bổ về UBND xã trực tiếp quản lý và giải ngân đến đối tượng.
Đặc biệt, Quỹ "Vì người nghèo” của huyện đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện. Từ năm 2021 đến tháng 8/2022, Quỹ "Vì người nghèo” của huyện đã vận động, tiếp nhận hơn 1,8 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này đã hỗ trợ làm mới, sửa chữa 37 ngôi nhà; hỗ trợ mua máy móc để phát triển sản xuất, chăn nuôi cho 9 hộ nghèo; chăm lo Tết cho người nghèo...
Với nhiều giải pháp giúp người dân giảm nghèo, năm 2022, toàn huyện có 940 hộ thoát nghèo trong năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm trong năm đạt 6,46%. Tổng số hộ dân trên địa bàn toàn huyện cuối năm 2022 là 17.496 hộ, dân số 93.222 khẩu; trong đó, hộ nghèo là 10.079 hộ với 55.724 khẩu, chiếm tỷ lệ 57,61%; hộ cận nghèo là 1.655 hộ với 9.682 khẩu, chiếm tỷ lệ 9,46%, giảm 2,14% so với cuối năm 2021.
Để phấn đấu thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 6,31% trong năm 2023 theo chuẩn giai đoạn 2021 - 2025, huyện Mèo Vạc sẽ tiếp tục thực hiện tốt, đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo về tín dụng ưu đãi, y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm; hỗ trợ sinh kế, trợ giúp pháp lý…, tạo điều kiện để các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động truyền thông, thông tin về giảm nghèo nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.../.
Hưng Cảnh
TAG: