Huyện Lạc Dương: Kết quả đáng ghi nhận trong công tác bình đẳng giới
(LĐXH)-Trong những năm qua, nhân dân các dân tộc trong huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và có nền văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc Nam Tây Nguyên. Những giá trị nhân văn mới, tiêu biểu là bình đẳng giới và quyền trẻ em, vai trò của người phụ nữ trong gia đình ngày càng được đề cao. Huyện đã đạt được một số thành tựu trong việc thúc đẩy quyền phụ nữ, không phân biệt đối xử theo quy định của Luật Bình đẳng giới, lồng ghép bình đẳng giới trong việc thực thi pháp luật, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; tích cực thực hiện việc thúc đẩy việc bảo vệ quyền của phụ nữ và chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ được huyện tổ chức triển khai ở những xã khó khăn có nguy cơ bất bình đẳng cao. Điều này đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực trong gia đình, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc, nhiệm vụ.
Theo thống kê, tỷ lệ cán bộ nữ ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng; coi cán bộ nữ là một bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ, tăng cường phát huy tiềm năng, vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ nữ. Giai đoạn 2011 - 2015: Nữ Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã: 24/109 tỷ lệ: 22%; Nữ Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện: 8/28, đạt tỷ lệ: 28,6%. Giai đoạn 2016-2020: Nữ Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã: 36/133 tỷ lệ: 27%; Nữ Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện: 8/28, đạt tỷ lệ: 28,6%.
Việc thực hiện giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động được thực hiện tốt. Hằng năm, trong tổng số người được tạo việc làm mới, huyện bảo đảm ít nhất 40% cho mỗi giới (nam và nữ). Giai đoạn 2011-2015: 1187 lao động nữ/2827 tổng số lao động, tỷ lệ lao động nữ đạt 42%. Năm 2019: 361 lao động nữ /850 chỉ tiêu được giao, tỷ lệ: 42,5%. Ước năm 2020: 340/800 chỉ tiêu được giao, tỷ lệ 42,5%. Ước thực hiện cả giai đoạn 2016-2020: 1.722 lao động nữ/4.100 tổng số lao động; tỷ lệ: 42,0% nữ, đạt chỉ tiêu đến năm 2020. Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp năm 2019: 40%. Vượt chỉ tiêu đến năm 2020. Đặc biệt, các chương trình đào tạo nghề của huyện tập trung vào các xã, thị trấn vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, trong đó có một số ngành nghề thu hút đa số là lao động nữ như nghề đan, móc len, dệt thổ cẩm. Giai đoạn 2011 - 2015: lao động nữ 3336/7414 tổng số lao động được đào tạo, tỷ lệ: 45% nữ. Năm 2019: 417 lao động nữ /803 tổng số lao động được đào tạo, tỷ lệ: 51%. Ước năm 2020: 408 lao động nữ/800 lao động được đào tạo, tỷ lệ: 51%. Ước thực hiện cả giai đoạn 2016-2020: 2.135 lao động nữ /4.174 tổng số lao động được đào tạo, tỷ lệ: 51%. Đến năm 2020 vượt chỉ tiêu. Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền, tổ chức thực hiện hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nữ, phụ nữ người dân tộc thiểu số.
Cũng từ năm 2011 đến nay, huyện không có nạn nhân bạo lực gia đình được phát hiện; không có người gây bạo lực gia đình được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại địa phương.
Tuy nhiên, việc thực hiện bình đẳng giới tại địa phương còn gặp nhiều thách thức như: tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các vị trí lãnh đạo các cấp còn ít, tỷ lệ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Vấn đề việc làm, dạy nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số để tiếp cận với lao động chất lượng cao cần có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn của các cấp chính quyền và bản thân chị em phụ nữ cần phải tự mình vươn lên, học hỏi, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Tỉ số giới tính lúc sinh ở địa phương hiện nay khoảng 105 trẻ em trai/100 trẻ em gái, có sự mất cân bằng giới tính và vẫn còn định kiến nội trợ là việc của phụ nữ, không phải việc của nam giới, nam giới được coi là trụ cột và là người kiếm tiền chính trong gia đình.
Trong thời gian tới, huyện Lạc Dương sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, từ đó thống nhất hành động để thực hiện có hiệu quả mục tiêu bình đẳng giới. Đồng thời tăng cường cán bộ địa phương chuyên trách làm công tác bình đẳng giới; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và kỹ năng lồng ghép giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật ở địa phương để thực hiện công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ đạt kết quả cao hơn./.
Mỹ Hạnh
TAG: