Huyện Kim Bôi (Hòa Bình) nỗ lực giảm nghèo bền vững
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2016 - 2020, huyện Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) có 1 thị trấn khu vực I, 11 xã khu vực II, 16 xã khu vực III. Trong tổng số 28 xã, thị trấn với 158 xóm, khu toàn huyện có 20 xã, 8 xóm thuộc diện đầu tư Chương trình 135. Đây cũng chính là các địa bàn phải chịu áp lực lớn trong công tác giảm nghèo, đồng thời nhận được sự quan tâm đầu tư của nhiều chương trình, chính sách, dự án dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi ĐBKK.
Tú Sơn là một trong các xã ĐBKK có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Kim Bôi. Tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn 37,3%, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của huyện là 20,14%. Theo Chủ tịch UBND xã Bạch Công Dương, lộ trình giảm nghèo bền vững của Tú Sơn phải đối mặt với nhiều thách thức như địa bàn rộng, dân cư sống rải rác, hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh còn ngổn ngang, nhiều tuyến đường liên xã chưa được bê tông hóa, kênh mương thủy lợi chưa hoàn thiện, các lĩnh vực sản xuất gặp nhiều khó khăn nên hiệu quả hạn chế. Điển hình như sản xuất nông, lâm nghiệp - vốn chiếm 70% cơ cấu kinh tế nhưng giá trị sản xuất (theo giá trị hiện hành) trong cả năm 2018 mới đạt khoảng 96 tỷ đồng, tổng giá trị sản xuất của xã năm 2018 đạt khoảng 136 tỷ đồng. Đây là một con số rất khiêm tốn nếu so sánh với gần 1.720 hộ dân đang sinh sống trên địa bàn xã, tương đương với mức thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 18,3 triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi bò vỗ béo tại xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) góp phần ổn định sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân
Trên phạm vi toàn huyện, với tổng số 27.232 hộ dân, trong đó trên 90% là hộ đồng bào DTTS (hộ DTTS hiện cũng chiếm 98,59% tổng số hộ nghèo trên địa bàn), huyện Kim Bôi đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác giảm nghèo bền vững. Nằm trong số các huyện nghèo trên cả nước nhận được sự hỗ trợ của Chương trình 30a (Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/ NQ-CP của Chính phủ), những năm qua, "huyện 30a” Kim Bôi đã tích cực triển khai nhiều chương trình, chính sách, dự án đặc thù dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi ĐBKK. Từ đó, tạo động lực cần thiết để vươn lên thoát nghèo, hướng tới phát triển toàn diện về KT-XH. Cụ thể, trong 5 năm (2014 - 2019), Chương trình 135 đã đầu tư xây dựng 231 công trình hạ tầng cơ sở trên địa bàn 20 xã và 8 xóm ĐBKK với tổng giá trị trên 100 tỷ đồng; trên 15,5 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ DTTS được hưởng lợi từ Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; trên 33,1 nghìn lượt hộ được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo; gần 5.000 hộ được hưởng lợi từ chính sách đặc thù về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán; gần 40,2 nghìn lượt hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất từ các chính sách dân tộc khác…
Nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương đã có chuyển biến đáng ghi nhận. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 53,79% (năm 2011) còn 21,15% (năm 2014); giai đoạn 2016 - 2020, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm từ 35,04% (năm 2015) còn 20,14% (năm 2018). Với đà giảm nghèo đang có, huyện đặt mục tiêu trong giai đoạn 2019 - 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân khoảng 4%/năm; phấn đấu đến năm 2024, thu nhập bình quân đầu người ở các xã ĐBKK đạt trên 24 triệu đồng/năm, giảm số xã khu vực III còn dưới 30% tổng số xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Huyện ủy Kim Bôi khẳng định: Để đạt mục tiêu đề ra đối với công tác giảm nghèo những năm tiếp theo, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân huyện Kim Bôi phát huy tinh thần đoàn kết, triển khai đồng bộ các giải pháp đã hoạch định. Cùng với ý chí vượt khó vươn lên, huyện xác định cần huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư để tiếp thêm sức mạnh cho công tác giảm nghèo, nâng cao mức sống cho đồng bào DTTS. Trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển KT-XH các xã khu vực III, xã khu vực II có thôn ĐBKK và thôn, xóm có đông đồng bào DTTS. Bằng cách xác định rõ các trọng tâm để ưu tiên nguồn lực, huyện quyết tâm hướng tới các giá trị bền vững trong công cuộc giảm nghèo, phấn đấu vươn lên từ xuất phát điểm là "huyện nghèo” trở thành huyện có sự phát triển toàn diện về KT-XH, sớm đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước.
Thu Trang
TAG: