An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Huyện Hiệp Hòa: Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững
12:16 PM 14/07/2024
(LĐXH) - Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn và các tầng lớp nhân dân huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) hưởng ứng tích cực với nhiều hình thức thiết thực, phù hợp, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo hướng nhanh và bền vững.
Hộ nghèo troHỗ trợ mô hình dự án đa dạng hóa sinh kế giúp hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực phối hợp, tham gia tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về giảm nghèo; đồng thời phát động nhiều phong trào về giảm nghèo, đa dạng về hình thức, nội dung thực hiện như nhận hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo về nguồn lực, khoa học kỹ thuật và tinh thần để phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát huy được tính sáng tạo, tự nguyện, tự giác của địa phương, của cộng đồng dân cư và của hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan, ngành, đơn vị chủ quản dự án, tiểu dự án của Chương trình thường xuyên theo dõi, tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình; hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát và báo cáo định kỳ hoặc đột xuất để đánh giá kết quả thực hiện Chương trình. Hằng năm thành lập 04 đoàn kiểm tra, giám sát để đánh giá 25/25 xã, thị trấn.
Từ năm 2021 đến năm 2024, huyện Hiệp Hoà được phân bổ kinh phí 17,766 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Từ nguồn vốn này, huyện đã phân bổ cho các cơ quan, đơn vị thực hiện theo từng dự án, tiểu dự án, đảm bảo đúng quy định. Ngoài ra, còn trích ngân sách địa phương hỗ trợ 5,14 tỷ đồng; Quỹ vì người nghèo huyện hỗ trợ trên 10  tỷ đồng.
Thực hiện Dự án 2. Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, kinh phí ngân sách trung ương là 6,956 tỷ đồng và vốn đối ứng của người dân tham gia dự án 2,945 tỷ đồng. Đến tháng 6/2024, huyện đã hỗ trợ 12 dự án phát triển sản xuất, với tổng số 287 hộ tham gia hưởng lợi (99 hộ nghèo, 97 hộ cận nghèo, 52 hộ mới thoát nghèo, 08 người khuyết tật không có sinh kế ổn định; 31 người có kinh nghiệm, năng lực và sản xuất giỏi tham gia).
Nhờ thực hiện đồng bộ các dự án, chính sách giảm nghèo, huyện HIệp Hòa dự kiến đến cuối năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 1%
Đối với Dự án 3. Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, trong đó có Tiểu dự án 1. Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện được phân bổ kinh phí từ ngân sách trung ương 3,18 tỷ đồng và vốn đối ứng của người dân tham gia dự án là 1,762 tỷ đồng. Kết quả, đến tháng 6/2024 đã có 5 dự án phát triển sản xuất được hỗ trợ, với tổng số 152 hộ được hưởng lợi (43 hộ nghèo, 68 hộ cận nghèo, 27 hộ mới thoát nghèo và 14 người có kinh nghiệm, năng lực và sản xuất giỏi tham gia các dự án).
Cùng với đó, thực hiện Dự án 4. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, huyện Hiệp Hòa đã mở được 27 lớp đào tạo nghề cho 893 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, tổ chức 02 phiên giao dịch việc làm để hỗ trợ tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động cho người lao động trên địa bàn huyện. Triển khai kế hoạch rà soát, cập nhật dữ liệu người lao động gắn với cơ sở dữ liệu về dân cư trong năm 2024.
Ngoài ra, còn tổ chức tập huấn trên 23 lớp nâng cao năng lực giảm nghèo cho cán bộ xã, thôn làm công tác giảm nghèo. Tổ chức 08 đoàn kiểm tra, giám sát cấp huyện; thực hiện  hướng dẫn điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; cập nhật dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện.
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo, huyện Hiệp Hòa đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,22%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia giai đoạn 2021-2025; Không còn hộ nghèo là gia đình người có công với cách mạng. Kết quả đầu kỳ tháng 12/2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện là 5,36% (3.113 hộ). UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thực   hiện chính sách giảm nghèo vượt chỉ tiêu đề ra. Đến tháng 12/2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện là 1,6%, giảm 3,76% (giảm 2.166 hộ nghèo), bình quân giảm 1,26%/năm. Dự kiến đến tháng 12/2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn khoảng 1%. Toàn huyện không có hộ nghèo là gia đình người có công với cách mạng. Nhìn chung, các dự án của Chương trình giảm nghèo đang được huyện tập trung chỉ đạo thực hiện và giải ngân theo kế hoạch. Mục tiêu giảm nghèo của huyện và các xã, thị trấn đến năm 2024 đều đạt và vượt.
Kết quả các chỉ tiêu chủ yếu khác của Chương trình, đã hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 30 dự án giảm nghèo hỗ trợ phát   triển sản xuất, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; Hỗ trợ trên 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, cận nghèo được nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập; Hỗ trợ trên 80% hộ nghèo, hộ cận nghèo có sức lao động và nhu cầu việc làm có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; Trên 95% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% các hộ gia đình được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản ấn phẩm, sản phẩm truyền thông.
Thông qua đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Phong trào “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu giảm nghèo bền  vững của huyện. Các chương trình, dự án được triển khai, với sự nỗ lực, cố gắng và vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và sự hưởng ứng tham gia của các tầng lớp nhân dân đã làm thay đổi diện mạo nông thôn. Chương trình đã tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Thông qua các dự án đầu tư của Chương trình, đã giúp người dân có việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh, trật tự trên địa bàn./.
Hồng Phượng
 
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24