Huyện Giao Thuỷ: Triển khai đào tạo nghề cho người nghèo, người lao động có thu nhập thấp
(LĐXH) – UBND huyện Giao Thuỷ (Nam Định) đã ban hành kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động có thu nhập thấp năm 2022.
Triển khai thực hiện nội dung phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn thuộc Chương trình mục quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, ngay sau khi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) có văn bản hướng dẫn, UBND huyện Giao Thuỷ đã ban hành Kế hoạch giao nhiệm vụ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động có thu nhập thấp năm 2022. Với tục tiêu đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp nhằm giúp người lao động có cơ hội tìm việc làm, tạo việc làm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào vào sản xuất nhằm tăng năng xuất lao động góp phần cải thiện từng bước điều kiện sống vươn lên thoát nghèo.
Làng nghề may áo cưới giúp tạo nhiều việc làm cho lao động huyện Giao Thuỷ
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng, kể từ thời điểm hộ được cấp có thẩm quyền công nhận thoát nghèo), người lao động có thu nhập thấp
Điều kiện được hỗ trợ. Người học phải đảm bảo các điều kiện sau: Trong độ tuổi lao động (nữ từ đủ 15 - 55 tuổi; nam từ đủ 15 - 60 tuổi), có nhu cầu học nghề, có trình độ học vấn; trường hợp học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động thì phải đủ 14 tuổi; những người không biết đọc, viết có thể tham gia học những nghề phù hợp thông qua hình thức kèm cặp, truyền nghề và phải đủ sức khoẻ phù hợp với ngành nghề cần học; Có phương án tự tạo việc làm sau học nghề đảm bảo tính khả thi theo xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc được đơn vị sử dụng lao động cam kết tuyển dụng hoặc có đơn vị cam kết bao tiêu sản phẩm sau học nghề.
Về ngành, nghề đào tạo và mức hỗ trợ chi phí đào tạo. Tỉnh thực hiện theo quy định tại Quyết định số 14/2020/ QĐ-UBND ngày 04/5/2020 của UBND tỉnh Nam Định quy định mức chi phí đào tạo và mức hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng chính phủ.
Mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại: Học viên tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng sẽ được hỗ trợ tiền ăn 30.000/ngày thực học. Đối với học viên ở xa địa điểm đào tạo từ 15 km trở lên sẽ được hỗ trợ thêm tiền đi lại là 200.000 đồng/khóa học. Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ sẽ được hỗ trợ tiền đi lại là 300.000 đồng/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 05 km trở lên.
Phương thức hỗ trợ chi phí học nghề: Thông qua hình thức giao nhiệm vụ cho Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên phối hợp và tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động có thu nhập thấp năm 2022 trên địa bàn huyện.
Làng nghề nước mắm Sa Châu (xã Giao Châu) nổi tiếng cả nước với sản phẩm nước mắm thơm ngon
Để triển khai đào tạo nghề đạt hiệu quả cao, UBND huyện giao Phòng LĐTBXH thông báo công khai kế hoạch về chỉ tiêu và kinh phí được duyệt với các xã, thị trấn và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên để tổ chức chiêu sinh, đăng ký số lượng học viên; Phối hợp với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tổ chức tuyển sinh, xét duyệt danh sách học viên tham gia học trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng; Kiểm tra, giám sát đơn vị tổ chức đào tạo.
UBND các xã, thị trấn tuyên truyền vận động các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp đăng ký tham gia đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho người lao động trên địa bàn. Triển khai kiểm tra giám sát quá trình tổ chức đào tạo; Tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên để đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn; Rà soát nhu cầu học nghề của người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp trên địa bàn làm cơ sở xây dựng kế hoạch cho những năm tiếp theo; Vận động các doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tạo điều kiện tiếp nhận lao động sau khi đào tạo vào làm việc.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với UBND các xã, thị trấn; tổ chức đoàn thể; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức tuyển sinh người học đúng đối tượng, nghề đào tạo, địa bàn tuyển sinh và quy chế tuyển sinh theo quy định; Lập danh sách học viên đề nghị phòng LĐTBXH (đối với nhóm nghề phi nông nghiệp) hoặc phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn/phòng Kinh tế (đối với nhóm nghề nông nghiệp) để thẩm định; Tổ chức đào tạo cho người học theo đúng kế hoạch đào tạo, tiến độ đào tạo và thời khóa biểu; Phối hợp với UBND cấp xã theo dõi, thống kê tình trạng việc làm, thu nhập của người lao động sau khi đào tạo…/.
Hưng Cảnh