Huyện Gia Lâm: Sử dụng hiệu quả vốn tín dụng chính sách, góp phần giảm nghèo bền vững
Trong 15 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Gia Lâm (thành phố Hà Nội) đã chủ động tham mưu tốt cho chính quyền các cấp triển khai vốn tín dụng chính sách đến với người dân được thông thoáng, có hiệu quả, đúng đối tượng, góp phần giảm hộ nghèo và giải quyết việc làm trên địa bàn.
Qua đó, phát huy được vai trò thực hiện tín dụng chính sách, số hội viên tin tưởng tham gia vào tổ chức hội ngày càng nhiều. Tạo niềm tin của người dân với Đảng, với chính quyền và tổ chức xã hội.
Trong 15 năm qua, nguồn vốn của NHCS huyện Gia Lâm không ngừng tăng trưởng, mức tăng bình quân 15%, cao nhất là năm 2006, tăng 45%.
Tính đến 30/6/2017, tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng là 252,376 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương 192,221 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác của ngân sách địa phương 60,155 tỷ đồng; khai thác nguồn vốn từ việc tiếp nhận tiền gửi của các thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn, nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân tại điểm giao dịch xã và gửi tiết kiệm từ dân cư tại trụ sở hơn 16 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương tăng dần qua từng năm. Khi thành lập có 1 nguồn ủy thác từ ngân sách thành phố, năm 2006 được bổ sung vốn từ ngân sách huyện theo đề án xây dựng Quỹ giải quyết việc làm địa phương. Đặc biệt, Gia Lâm là một trong những đơn vị đầu tiên của Thành phố nhận vốn ủy thác của MTTQ để cho vay hộ nghèo.
Qua 15 năm triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện, từ 2 chương trình cho vay hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm với số vốn hơn 20,4 tỷ đồng ban đầu, đến nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đang thực hiện 7 chương trình tín dụng, tổng dư nợ tính đến hết tháng 6/2017 là 252,1 tỷ đồng, tăng 231,7 tỷ đồng, tăng 12,3 lần so với thời điểm nhận bàn giao. Doanh số cho vay 15 năm là 783,5 tỷ đồng, cho 49.953 lượt hộ vay vốn. Doanh số thu nợ 507,13 tỷ đồng. Nợ đến hạn được thu nộp đầy đủ, chất lượng tín dụng tốt, không có nợ quá hạn.
Chương trình cho vay giải quyết việc làm có dư nợ đến ngày 30/6 là 72,8 tỷ đồng, tăng hơn 60,5 tỷ đồng so với thời điểm mới thành lập. Doanh số cho vay trong 15 năm là 260,8 tỷ đồng, cho 13.776 lượt hộ vay, doanh số thu nợ 186,6 tỷ đồng. Hàng năm, thu hút hơn 1.000 lao động có việc làm, cùng các chương trình khác của huyện hàng năm giải quyết cho gần 8.000 lao động có việc làm ổn định, tăng thu nhập. Nợ quá hạn nhiều năm không phát sinh.
Từ Chương trình cho vay hộ cận nghèo triển khai từ năm 2013, sau 4 năm thực hiện đã cho 3.680 hộ cận nghèo vay vốn với tổng số tiền 107 tỷ đồng tạo điều kiện cho các hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững. Đến hết tháng 6/2017, dư nợ hơn 3 tỷ đồng với 97 hộ đang vay vốn, mức vay bình quân 31,5 triệu đồng/hộ. Trong khi đó, triển khai từ tháng 9/2015, sau gần 2 năm triển khai, chương trình cho vay hộ cận nghèo đã cho 2.000 hộ mới thoát nghèo vay vốn với tổng số tiền 73 tỷ đồng, bình quân 36,5 triệu đồng/hộ vay.
Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH còn cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, sau 12 năm triển khai, đã có 12.683 lượt hộ vay vốn, số tiền hơn 106,6 tỷ đồng, xây dựng, sửa chữa 12.683 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường quy mô hộ gia đình, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sinh hoạt, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Người dân giao dịch tại Điểm giao dịch Ngân hàng CSXH xã Yên Viên, huyện Gia Lâm
Ngoài ra, từ nguồn vốn của chương trình, đã giúp cho 461 lượt hộ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn với tổng dư nợ 5 tỷ đồng. Đảm bảo trên địa bàn không có sinh viên nào phải nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn; cho 103 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở vay 824 triệu đồng xóa 100% nhà dột nát trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách huyện Gia Lâm còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, trong triển khai thực hiện ở một số địa phương còn chưa thực sự quan tâm đến hoạt động tín dụng cơ sở, sự phối hợp chỉ đạo, thực hiện các nội dung nhận ủy thác của các hội đoàn thể còn chậm, chưa chủ động việc kết hợp các chương trình tập huấn của các cấp hội với tập huấn hướng dẫn của Ngân hàng CSXH.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách huyện Gia Lâm còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, trong triển khai thực hiện ở một số địa phương còn chưa thực sự quan tâm đến hoạt động tín dụng cơ sở, sự phối hợp chỉ đạo, thực hiện các nội dung nhận ủy thác của các hội đoàn thể còn chậm, chưa chủ động việc kết hợp các chương trình tập huấn của các cấp hội với tập huấn hướng dẫn của Ngân hàng CSXH.
Ngoài ra, tuy điểm giao dịch tại xã, thị trấn đã được UBND xã, thị trấn quan tâm tạo điều kiện. Tuy nhiên, tại một số đơn vị, điểm giao dịch bố trí chưa phù hợp, diện tích hạn chế, không thuận lợi khi tác nghiệp thu nợ, giải ngân...
Ngân hàng NHCSXH quận phấn đấu đến năm 2020, nâng cao hiệu lực hoạt động của ngân hàng để thực sự là công cụ thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo và bền vững. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác tín dụng thông qua Hội đoàn thể với sự tham gia chỉ đạo, giám sát của cấp ủy, chính quyền địa phương nhất là vai trò của UBND xã, thị trấn.
Ngân hàng cũng phấn đấu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng cung cấp; dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng từ 8-10%; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,01%/tổng dư nợ; tỷ lệ thu lãi hàng năm đạt từ 98-100% lãi phải thu.
PV
TAG: