An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Huyện Đức Trọng (Lâm Đồng): Nhiều mô hình giảm nghèo bền vững
02:39 PM 19/11/2020
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian qua, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) đã tích cực triển khai nhiều biện pháp, chính sách giảm nghèo.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian qua, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) đã tích cực triển khai nhiều biện pháp, chính sách giảm nghèo.
Tổng kinh phí huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2011- 2020 trên địa bàn huyện Đức Trọng là 1.053.946 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước 351.751 triệu đồng, vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội 641.362 triệu đồng, vốn huy động khác 60.833 triệu đồng. Huyện đã triển khai chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo. Theo đó, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất.

Tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở về công tác giảm nghèo

Từ năm 2011 – 2019, với số tiền 17.649 triệu đồng (trong đó ngân sách nhà nước 16.619 triệu đồng, nhân dân đóng góp 203 triệu đồng), huyện đã thực hiện các mô hình như: Trồng gừng trong bao xi măng, trồng khoai môn trên đất lúa 01 vụ, nhà kính, tưới phun mưa tự động, vườn chồi giống TR4, trồng đậu cô ve, củ cải, chăn nuôi gà lai J. Dabaco an toàn sinh học, chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học, hệ thống tưới phun mưa tự động, nuôi tằm con tập trung, trồng quýt đường, nhà lưới trồng rau, trồng cà chua ghép… Ngoài hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất nông nghiệp còn tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ để người dân nắm bắt kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi và tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng thu nhập.
Cùng với đó, huyện đã tổ chức 82 lớp dạy nghề cho 2.336 lao động nông thôn (trong đó có 131 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo) với số tiền 3.349 triệu đồng. Từ năm 2011 – 2019, thông qua các hình thức như vay vốn, xuất khẩu lao động, làm việc tại các khu công nghiệp, chế biến trong và ngoài tỉnh, tại các trang trại gia đình đã giải quyết việc làm cho 39.353 lao động, trong đó có 554 người tham gia xuất khẩu lao động tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,... Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2019 đạt 59%.
Nhằm tạo điều kiện cho người nghèo có vốn mua sắm vật tư, thiết bị, giống cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất, kinh doanh, toàn huyện đã thực hiện cho 32.774 hộ vay vốn lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội với số tiền 641.362 triệu đồng. Trong đó, dư nợ đến 31/12/2019 là 327.357 triệu đồng/12.792 lượt hộ vay, bao gồm: cho vay hộ nghèo 25.061 triệu đồng/723 hộ; hộ cận nghèo 49.105 triệu đồng/1.432 hộ; hộ mới thoát nghèo 45.855 triệu đồng/1.062 hộ; cho vay hộ nghèo làm nhà ở 2.706 triệu đồng/223 hộ; xuất khẩu lao động 779 triệu đồng/28 người. Thực hiện có hiệu quả chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học bổng, trợ cấp xã hội và hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh nghèo ở các cấp học với số tiền 107.434 triệu đồng.

Nuôi ong sữa là một trong những mô hình đã và đang giúp người dân Đức Trọng
thoát nghèo bền vững

Cùng với đó, huyện Đức Trọng tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo để cải thiện nhà ở, ưu tiên hộ nghèo ở người cao tuổi, người khuyết tật đã góp phần giúp hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, phát triển kinh tế gia đình để vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ các nguồn vốn huy động, từ năm 2011 – 2019 đã xây dựng và sửa chữa 452 căn nhà với kinh phí 14.181 triệu đồng. Tổ chức 14 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức trợ giúp pháp lý với 2.731 lượt người tham dự; 20 buổi sinh hoạt trợ giúp pháp lý với 2.310 người tham dự; 31 lượt tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý lưu động cho 3.645 lượt người là đối tượng người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã trên địa bàn huyện.
Thực hiện Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, duy tu, bảo dưỡng các công trình nông thôn cho thôn, xã đặc biệt khó khăn, huyện đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng 23 công trình tại xã, thôn đặc biệt khó khăn; Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Từ kinh phí thực hiện là 2.692 triệu đồng, huyện giao UBND các xã làm chủ đầu tư dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho 279 hộ nghèo, cận nghèo tại thôn, xã đặc biệt khó khăn. Đối với các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135, đã hỗ trợ phát triển sản xuất cho 102 hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó riêng năm 2019, Trung tâm Nông nghiệp huyện làm chủ đầu tư, triển khai thực hiện nhân rộng mô hình nuôi bò lai Zêbu tại xã Tà Hine cho 10 hộ nghèo, 07 hộ cận nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất với hạng mục phân bón tại xã Tà Năng cho 05 hộ nghèo, 08 hộ cận nghèo. Thực hiện 04 đợt phổ biến các chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 cho hơn 822 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.
Theo đánh giá, công tác giảm nghèo nói chung và công tác triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nói riêng luôn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp quan tâm lãnh đạo, phối hợp triển khai thực hiện, có sự gắn kết chặt chẽ giữa chương trình quốc gia xây dựng Nông thôn mới và chương trình mục tiêu giảm nghèo. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, nâng cấp đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống người dân. Các chế độ chính sách giảm nghèo cơ bản kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định. Ngoài việc hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm cho hộ nghèo đã thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án khác mang lại hiệu quả cao như: Chương trình 135, giao khoán bảo vệ rừng, vay vốn với lãi suất ưu đãi, trợ giống cây trồng,… Chương trình hỗ trợ giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về đời sống kinh tế của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là hộ nghèo dân tộc thiểu số. Đa số hộ nghèo có ý thức vươn lên trong cuộc sống, chủ động trong việc bảo quản, sử dụng hiệu quả các nguồn lực được hỗ trợ, qua đó kinh tế hộ gia đình dần phát triển, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Đến cuối năm 2019, toàn huyện Đức Trọng còn 404 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,81%, trong đó hộ nghèo DTTS là 258 hộ, chiếm tỷ lệ 1,84%; 922 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,86%, trong đó hộ cận nghèo DTTS là 566 hộ, chiếm tỷ lệ 4,03%. So với đầu giai đoạn (năm 2016) số hộ nghèo giảm 1.583 hộ/1.686 hộ nghèo, mức giảm đạt 94%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,6%.
Tỷ lệ hộ nghèo tại xã đặc biệt khó khăn so với đầu giai đoạn: Đến cuối năm 2019, xã Đa Quyn còn 72 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,78%, trong đó hộ nghèo DTTS là 65 hộ, chiếm tỷ lệ 5,77%. So với đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo tại xã Đa Quyn giảm 26,24% tương đương 364 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo tại thôn đặc biệt khó khăn so với đầu giai đoạn: Tỷ lệ hộ nghèo tại thôn Klong Bong xã Tà Năng giảm từ 20% xuống còn 4,14%; Thôn Cha Rang Hao xã Tà Năng giảm từ 6,16% xuống còn 1,17%.
Từ hiệu quả của các chương trình đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, các chương trình trợ giúp của các mạnh thường quân và cùng với sự nỗ lực tự vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo, mức thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng so với đầu giai đoạn. Đầu năm 2016 có 1.011 hộ nghèo về tiêu chí thu nhập, đến cuối năm 2019 giảm còn 339 hộ nghèo về thu nhập; Có 711 hộ nghèo đã thoát nghèo trở thành hộ cận nghèo; có 872 hộ nghèo thoát nghèo trở thành hộ có thu nhập từ trung bình trở lên, đạt 55,1% so với hộ thoát nghèo. Riêng xã Đa Quyn, đến cuối năm 2019 có 101 hộ nghèo đã thoát nghèo trở thành hộ cận nghèo; có 263 hộ nghèo thoát nghèo trở thành hộ có thu nhập từ trung bình trở lên, đạt 72,3% so với hộ thoát nghèo.
Thực hiện mục tiêu đưa các địa bàn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đến nay, huyện Đức Trọng không còn thôn đặc biệt khó khăn. Xã Đa Quyn được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020 theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Thôn Klong Bong và Cha Rang Hao, xã Tà Năng được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020 theo Quyết định của Ủy ban Dân tộc. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 dự kiến còn dưới 0,6%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn dưới 1,5%. Hiện nay trên địa bàn huyện có 14/14 (chiếm tỷ lệ 100%) xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 7%, đạt chỉ tiêu số 11 về hộ nghèo của bộ tiêu chí NTM. Không còn hộ chính sách người có công là hộ nghèo. Hoàn thành chương trình hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo theo Đề án 654/UBND-XD ngày 05/12/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo của xã, thị trấn được tập huấn kiến thức về công tác giảm nghèo, các nội dung cơ bản của Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020./.

Nguyễn Thu Hương
TAG:
Tin khác
Lâm Đồng: Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức trong phòng, chống mại dâm
Sự thật về thuốc giảm cân
Bắc Giang: Hiệu quả trong ngăn chặn nạn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Bắc Giang đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống mua bán người
Đồng Tháp: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
24 liệt sĩ an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Long Khánh được đính chỉnh, điều chỉnh thông tin
Phòng, chống thiên tai: Phải lấy người dân làm trung tâm
Tuyên Quang: Chủ động thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Cô gái H’Mông: Trái tim tử tế mang khát vọng kết nối giá trị nhân văn trong hệ sinh thái “Nuôi em”