An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Huyện Châu Thành A: Điểm sáng trong thực hiện công tác giảm nghèo tại Hậu Giang
10:17 PM 16/05/2024
(LĐXH) - Là huyện cửa ngõ của tỉnh Hậu Giang, giáp ranh với thành phố Cần Thơ, những năm qua, huyện Châu Thành A được ghi nhận là một trong những điểm sáng trong công tác giảm nghèo của tỉnh Hậu Giang.
Họp với các hộ dân về kết quả rà soát hộ nghèo trên địa bàn huyện
Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Hiện nay, huyện đang tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo trên địa bàn huyện có sự chỉ đạo trực tiếp của Trưởng Ban chỉ đạo huyện và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn trong việc tổ chức triển khai thực hiện nội dung các dự án, tiểu dự án và hoạt động của Chương trình, bảo đảm các dự án, tiểu dự án được triển khai thực hiện công khai, lấy ý kiến đề xuất từ cộng đồng dân cư.

Trên cơ sở các văn bản Trung ương, của tỉnh ban hành, Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành A chỉ đạo các cơ quan chủ dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình triển khai đến các cấp trên địa bàn huyện để thực hiện. Đồng thời thường xuyên cập nhật những khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị của các đơn vị để phối hợp giải quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn được bố trí.

Tổng kinh phí chuyển nguồn từ năm 2022 và bố trí thực hiện năm 2023 cho huyện Châu Thành A để thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 5,047 tỷ đồng (gồm ngân sách trung ương 4,46 tỷ đồng, ngân sách địa phương 587 triệu đồng). Trên cơ sở nguồn kinh phí được giao, các đơn vị, địa phương đã kịp thời phân bổ triển khai các dự án, tiểu dự án. Tính cuối năm 2023, huyện đã giải ngân được 4,386 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 86,9%. Kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo, qua rà soát năm 2023, toàn huyện có 337 hộ thoát nghèo (tỷ lệ giảm 1,26%). Số hộ nghèo còn lại cuối năm 2023 là 311 hộ, chiếm tỷ lệ 1,16%; có 47 hộ thoát cận nghèo (tỷ lệ giảm 0,17 %). Số hộ cận nghèo còn lại cuối năm 2023 là 781 hộ, chiếm tỷ lệ 2,92 %.

Từ nguồn kinh phí của Chương trình, huyện đã tổ chức các lớp dạy nghề cho hộ nghèo, cận nghèo

Thực hiện Dự án 2. Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, với tổng kinh phí là 2,688 tỷ đồng, địa phương đã triển khai được 08 dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có 07 dự án nuôi dê thương phẩm và 01 dự án nuôi bò thịt, hỗ trợ cho 73 hộ (30 hộ nghèo, 33 hộ cận nghèo, 10 hộ mới thoát nghèo). Đến cuối năm 2023, tỷ lệ giải ngân đạt 100%.

Đối với Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (thuộc Dự án 3), huyện Châu Thành A có tổng kinh phí được cấp là 1,283 tỷ đồng, đã phân bổ cho các địa phương thực hiện 01 dự án hỗ trợ trong lĩnh vực trồng trọt và 06 dự án hỗ trợ chăn nuôi, tổng số hộ tham gia dự án là 43 hộ (25 hộ nghèo, 13 hộ cận nghèo, 05 hộ mới thoát nghèo). Dự án đã giải ngân kinh phí đạt 100%.

Bên cạnh đó, thực hiện Tiểu dự án 1: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng khó khăn, trong năm 2023, huyện đã tổ chức mở được 21 lớp nghề, có 525 học viên tham gia, tỷ lệ giải ngân đạt 58,74%.

Về Tiểu dự án 3: Hỗ trợ việc làm bền vững, đã tổ chức khảo sát nhu cầu tìm việc ở nước ngoài, nhu cầu đi du học và nhu cầu học nghề của người lao động được 4.315 người, trong đó có 868 người có nhu cầu tìm việc làm. Tổ chức điều tra thu thập, cập nhật thông tin lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư  cho 81.381/81.381 người, đạt 100%. Kết quả giải ngân đạt 100%.

Song song với đó, huyện cũng tăng cường công tác thông tin và truyền thông về giảm nghèo; nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình. Huyện đã tổ chức 02 cuộc tập huấn cho hơn 448 đại biểu đại diện các ban, ngành, đoàn thể liên quan, trưởng ấp và cộng tác viên ấp, rà soát viên; thành lập đoàn kiểm tra, giám sát đánh giá Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại 10/10 đơn vị xã, thị trấn, tỷ lệ giải ngân đạt 100%.

Nhìn chung, theo đánh giá việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Châu Thành A đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ và nhân dân được tăng cường. Các Dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương và tỉnh được triển khai thực hiện kịp thời, giải quyết được các khó khăn, vướng mắc của người dân. Chương trình giảm nghèo đã được lồng ghép chặt chẽ với Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; công tác vận động xã hội hóa giúp đỡ hộ nghèo được quan tâm thực hiện nên đạt được những kết quả quan trọng; nhiều giải pháp, chính sách, dự án hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo một cách thiết thực, tạo điều kiện cho nhiều hộ thoát nghèo bền vững.

Trong năm 2024, huyện Châu Thành A tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành đầu mối các dự án, tiểu dự án và các xã, thị trấn triển khai thực hiện các nội dung thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo để nâng cao hiệu quả công tác triển khai thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện và đưa ra các kiến nghị đối với công tác giảm nghèo tại các xã, thị trấn góp phần khắc phục các mặt hạn chế, khó khăn trong thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương quan tâm, thường xuyên cập nhật, tuyên truyền phổ biên sâu rộng tới cán bộ và nhân dân về các văn bản quy định chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung trong đó trọng tâm là chính sách tín dụng giảm nghèo để các chính sách giảm nghèo đảm bảo độ bao phủ, không bỏ sót chính sách và đối tượng thụ hưởng. Thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG, tăng cường phân cấp gắn liền với quyền hạn, trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với từng đơn vị, địa phương trong công tác giảm nghèo. Nâng cao năng lực đội ngũ làm giảm nghèo các cấp, nhất là cấp cơ sở./.

Hồng Phượng

 

TAG:
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa