Trên cơ sở chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành phố Đà Nẵng đã từng bước thể chế hóa các quyền của trẻ em trong hệ thống văn bản pháp luật, lồng ghép trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và ngành, địa phương nhằm giải quyết các vấn đề về trẻ em và đáp ứng nhu cầu của trẻ em trong tình hình mới. Ngoài các chính sách quy định của Trung ương đối với công tác trẻ em, đến nay thành phố đã ban hành các chính sách đặc thù cho trẻ em như: Nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cao hơn so với Trung ương (mức 400.000 đồng) và mở rộng đối tượng xã hội được hưởng chính sách; trợ cấp hàng tháng với mức 300.000 đồng/em/tháng đối với trẻ em đang hưởng các chính sách bảo trợ xã hội hiện hành, mức 500.000 đồng/em/tháng đối với trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi bị ốm đau thường xuyên chưa đủ điều kiện hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng thuộc hộ nghèo; chính sách hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố; hỗ trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh; chính sách hỗ trợ thực hiện công tác trao giấy khai sinh, thẻ BHYT, hộ khẩu tại gia đình trẻ em. Hàng năm, thành phố phê duyệt nguồn kinh phí khoảng 1.330 tỷ đồng giao cho các sở, ngành, hội đoàn thể và địa phương thực hiện các chương trình, kế hoạch về công tác trẻ em; đồng thời bố trí ngân sách cho đầu tư phát triển (xây dựng các cơ sở vui chơi cho trẻ em, nhà văn hóa thiếu nhi, sân chơi, trường học, nâng cấp, sửa chữa các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em,…); chi thường xuyên trong lĩnh vực y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội. Hằng năm, ngoài ngân sách nhà nước, thành phố tích cực huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước khoảng 40 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động về trẻ em, ưu tiên hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Đến nay, tất cả các xã, phường, quận, huyện trên địa bàn thành phố đã thành lập tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em, trong đó có Nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã, phường. Thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác trẻ em, chỉ đạo, phân công và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, hội, đoàn thể và các địa phương về thực hiện công tác trẻ em; chỉ đạo phối hợp thực hiện liên ngành chặt chẽ, đồng bộ trong công tác bảo vệ trẻ em; cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi, giải trí, thể thao, thông tin và thực hiện quyền tham gia của trẻ em; phòng ngừa, xử lý, hỗ trợ can thiệp đối với các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em. Toàn thành phố có 20/56 phường, xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao có đầy đủ các thành phần chính (Nhà Văn hóa, Khu Thể thao); 29/56 phường, xã có một số hạng mục của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và 07/56 phường, xã chưa có Trung tâm Văn hóa - Thể thao (12,5%). Tổng thể có 31 nhà văn hóa, 32 khu thể thao, 12 khu vui chơi, giải trí và 15 công viên vườn dạo do nhà nước đầu tư xây dựng (tất cả đều có quy định dành 30% thời lượng và không gian dành cho hoạt động của trẻ em). Ngoài các thiết chế văn hóa, thể thao do nhà nước quản lý, hiện còn có nhiều khu vui chơi dành cho trẻ em do tư nhân đầu tư và hội đoàn thể vận động xây dựng.
Đặc biệt, việc khuyến khích trẻ em nêu ý kiến, kiến nghị và tổng hợp, giải quyết kiến nghị của trẻ em được thành phố Đà Nẵng quan tâm thực hiện, triển khai bằng nhiều mô hình hay, sáng tạo nhằm tạo cơ hội để trẻ em thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề về trẻ em, như: Câu lạc bộ “Phóng viên nhỏ”, Câu lạc bộ quyền trẻ em trong các Liên đội và tại địa bàn dân cư, Đội tuyên truyền măng non tại các Liên đội; tổ chức các cuộc thi, hội thảo, giao lưu, đặc biệt là tổ chức các diễn đàn, đối thoại giữa thiếu nhi với lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương với chủ đề “Điều em muốn nói” qua đó tạo điều kiện cho các em thiếu nhi được bày tỏ ý kiến của mình. Năm 2016, thành phố đã thí điểm thành lập Hội đồng trẻ em cấp quận; đến năm 2019, thành lập mô hình Hội đồng trẻ em cấp thành phố; năm 2021 tiếp tục thành lập Hội đồng trẻ em tại 06 quận, huyện và thí điểm tại 02 xã Hoà Phú và Hoà Bắc, huyện Hoà Vang; xây dựng 01 ứng dụng công nghệ dành cho trẻ em và thanh thiếu niên nhằm thúc đẩy, phát huy hơn nữa quyền tham gia của trẻ em thành phố về các vấn đề liên quan đến trẻ em trên nền tảng công nghệ số.
Trong 3 năm gần đây, trước những tác động của đại dịch COVID-19, Đà Nẵng đã triển khai các biện pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em phù hợp, chủ yếu là tăng cường tuyên truyền để phát huy vai trò xã hội và cộng đồng dân cư trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch; thực hiện đầy đủ các chính sách trợ giúp xã hội đối với nhóm trẻ em bị ảnh hưởng COVID-19; vận động nguồn lực hỗ trợ cho trẻ em mồ côi do COVID-19 và trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19; thực hiện việc điều trị và chăm sóc cho trẻ bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thông qua các nguồn lực, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đã tổ chức trao tặng quà, học bổng, dụng cụ học tập cho gần 825.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em mắc COVID-19, trẻ em con của lực lượng tuyến đầu chống dịch có hoàn cảnh khó khăn, với trên 88 tỷ đồng. Thành phố cũng đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới cho 110 nhà bị thiệt hại do bão, số tiền 1,55 tỷ đồng.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới” và các chương trình, kế hoạch của thành phố về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; nâng cao năng lực quản lý nhà nước, kiện toàn bộ máy làm công tác trẻ em các cấp; đưa mục tiêu chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của thành phố, các ngành, địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhất là phòng ngừa xâm hại, bạo lực trẻ em; phát hiện, tố giác, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quyền trẻ em; Duy trì, phát triển và nâng cao hiệu quả các loại hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em nhằm tăng cường nguồn lực kết nối, giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em. Thành phố cũng sẽ tập trung triển khai có hiệu quả Quy chế phối hợp thực hiện công tác trẻ em theo Quyết định số 2431/QĐ-UBND ngày 10/7/2020 của UBND thành phố; tổ liên ngành ở các địa phương và Nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em; phát hiện, tố giác và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quyền trẻ em. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách liên quan đến công tác trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tạo môi trường cho trẻ em được thực hiện tốt các quyền của trẻ em. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các chương trình, kế hoạch về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Trần Huyền