Thời gian vừa qua, do tác động khó khăn từ tình hình trong nước cũng như thế giới, ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất của một bộ phận người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Yên. Trong khi đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Phú Yên là địa bàn cư trú của 33 dân tộc anh em, trình độ nhận thức, tập quán sản xuất của người nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi còn hạn chế; điều kiện sản xuất, trồng trọt chăn nuôi nhỏ lẻ, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thời tiết, biến đổi khí hậu; hộ nghèo, cận nghèo thường rơi vào các hộ không có đất sản xuất; không có vốn sản xuất kinh doanh; không có người lao động hoặc có người ốm đau, bệnh nặng… Tuy nhiên, với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ, triển khai nhiều giải pháp giúp hộ nghèo thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Nổi bật, phong trào xóa nhà tạm cho hộ nghèo đang lan tỏa trong toàn tỉnh qua nhiều kênh khác khau. Đây là một trong những giải pháp tạo động lực để hộ nghèo có cơ hội an cư, lạc nghiệp, chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Theo đó, thực hiện phong trào “Hỗ trợ xây dựng 1.000 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, gia đình chính sách” đã và đang được triển khai tích cực và hiệu quả trên toàn địa bàn. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Phú Yên đã bàn giao 450 căn nhà, qua đó giúp cho nhiều trường hợp có chỗ ở ổn định, tạo điều kiện phát triển kinh tế. Trong số đó, nhiều nhất là huyện Đồng Xuân và huyện Sơn Hòa, mỗi địa phương 120 căn nhà; tiếp đến là huyện Sông Hinh với 100 căn, huyện Phú Hòa 50 căn, thị xã Sông Cầu 20 căn, huyện Tây Hòa 20 căn, huyện Tuy An 10 căn, thành phố Tuy Hòa 6 căn và thị xã Đông Hòa 4 căn. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Yên đã giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các địa phương trực tiếp đến từng hộ nghèo thẩm định hiện trạng nhà ở và điều kiện tinh tế để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, đúng đối tượng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai nhiều chương trình để giảm tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo như: Hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững cho người dân ở vùng nghèo, vùng khó khăn; hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo để tạo việc làm, sinh kế bền vững…
Ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên cho biết, tỉnh đang tập trung hỗ trợ công tác giảm nghèo thông qua việc tiếp tục tập trung tuyên truyền về công tác giảm nghèo, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững. Từ đó góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo.
Để tiếp tục triển khai công tác giảm nghèo hiệu quả, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể, các địa phương tổ chức tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, trong đó, hướng dẫn một số nội dung đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025…
Theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, toàn tỉnh Phú Yên phấn đấu đến năm 2025, không còn hộ nghèo và giảm 1/3 hộ cận nghèo so với đầu kỳ (giai đoạn 2022-2025); hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 100 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp; phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất; phấn đấu 50% hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững./.
Đăng Doanh