An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hưng Yên: Kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội
03:09 PM 13/07/2018
(LĐXH)-Theo tin từ Sở Lao động - TBXH tỉnh Hưng Yên, để đánh giá tình hình thực hiện chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn, đồng thời thực hiện kế hoạch công tác năm 2018, Sở đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác bảo trợ xã hội tại 05 huyện, thành phố (Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Ân Thi và thành phố Hưng Yên) và 01 cơ sở bảo trợ xã hội là Trung tâm Điều dưỡng tâm thần kinh tỉnh. Đây là những địa phương có số lượng đối tượng bảo trợ xã hội đông nhất trong tỉnh.
Thời gian qua, để thực hiện tốt chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, tỉnh Hưng Yên đã thường xuyên chỉ đạo các huyện, thành phố phối hợp với các xã, phường, thị trấn rà soát các đối tượng yếu thế; nắm bắt tình hình đời sống của các đối tượng, kịp thời lập hồ sơ bổ sung danh sách đối tượng bảo trợ mới phát sinh hoặc ngừng trợ cấp theo quy định. Theo thống kê, tính đến tháng 5/2018, tỉnh Hưng Yên có trên 50.800 đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, với tổng kinh phí chi trả hơn 18 tỷ đồng.
Các huyện, thành phố trong tỉnh đã thực hiện kịp thời, đầy đủ
chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội
Qua kiểm tra cho thấy, công tác trợ giúp xã hội đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo; các ngành chức năng, đoàn thể triển khai thực hiện tốt chính sách bảo trợ xã hội và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm sóc, hỗ trợ các đối tượng khó khăn. Thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn thi hành, các địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, tuyên truyền, thực hiện pháp luật về chính sách trợ giúp xã hội, giúp người dân hiểu rõ các chính sách, quy trình, thủ tục xác định và công nhận đối tượng bảo trợ xã hội. Các chế độ chính sách được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng theo quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Sở Lao động- TBXH.
Đối với công tác tiếp nhận, thẩm định, xét duyệt hồ sơ bảo trợ xã hội, tại 3 huyện Văn Lâm, Văn Giang, TP Hưng Yên đều triển khai tiếp nhận và trả kết quả qua bộ phận một cửa. Sau đó hồ sơ được gửi lên bộ phận chuyên môn xem xét, nếu đủ điều kiện trình lãnh đạo UBND huyện, thành phố ký Quyết định, hồ sơ không đủ điều kiện trả về và thông báo rõ lý do không được xét duyệt. Còn tại huyện Khoái Châu, việc tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện theo 2 hình thức: tiếp nhận qua bộ phận một cửa và tiếp nhận trực tiếp tại Phòng Lao động- TBXH. Tại huyện Yên Mỹ, được thực hiện theo hình thức tiếp nhận trực tiếp tại Phòng Lao động- TBXH.
Bên cạnh đó, các địa phương đã thành lập, kiện toàn hoạt động của Hội đồng xét duyệt trợ giúp xã hội và Hội động xác định mức độ khuyết tật, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng trong việc giải quyết chính sách. Từ  ngày 01/8/2016, tỉnh Hưng Yên đã triển khai việc chi trả chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội qua hệ thống Bưu điện, góp phần cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch trong thực hiện chế độ chính sách của Nhà nước về lĩnh vực bảo trợ xã hội.

Trung tâm Điều dưỡng tâm thần kinh tỉnh hiện đang chăm sóc 209 đối tượng
Theo thống kê, tại 5 huyện được kiểm tra, tổng số đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng là 27.426 người, trong đó trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng 132 ngườt; Người từ 16 đến 22 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học 27 người; Người bị nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo 25 người; Người đơn thân nghèo đang nuôi con 845 người; Người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa 135 người; Người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng 15.648 người; Người khuyết tật nặng 1.558 người; Người khuyết tật đặc biệt nặng 7.185 người. Bên cạnh đó, Trung tâm Điều dưỡng tâm thần kinh tỉnh đang chăm sóc 209 đối tượng, quy trình tiếp nhận và chăm sóc được thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội. Mức trợ cấp là 1.000.000 đồng/người/tháng cho tất cả các đối tượng đang được nuôi dưỡng. Bên cạnh việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng, Trung tâm đã lập sổ theo dõi khám bệnh định kỳ, sổ cấp thuốc, trang bị cáng, giường bệnh, tủ thuốc cơ bản cho công tác sơ cứu ban đầu; bố trí cho đối tượng tham gia các công việc tăng gia sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi, dọn dẹp vệ sinh...
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra tại các địa phương, đơn vị cũng cho thấy, công tác tiếp nhận, thẩm định, xét duyệt hồ sơ còn một số tồn tại, hạn chế như xác định thời điểm hưởng chưa đúng, có hồ sơ thời điểm hưởng trước khi Chủ tịch UBND huyện ra Quyết định từ 01 đến 02 tháng (huyện Yên Mỹ có trên 80 hồ sơ  ngày ký Quyết định là 31/03/2017 nhưng thời điểm cho hưởng là 01/02/2017). Một số trường hợp đã đủ 80 tuổi trở lên nhưng chưa được tính hưởng từ thời điểm đủ 80 tuổi. Điển hình như hồ sơ người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên của bà Trần Thị Cong (sinh ngày 01/01/1936) thường trú tại thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên. Thời điểm bà đủ 80 tuổi là 01/01/2016, tuy nhiên Quyết định của UBND thành phố Hưng Yên cho hưởng là 01/01/2017, như vậy là chậm 01 năm.
Mặt khác, một số hộ gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng chưa được hưởng chế độ người phục vụ: Tại xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, có 2 gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng vẫn chưa được hỗ trợ kinh phí chăm sóc cho người khuyết tật đặc biệt nặng. Còn tại xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, có 03 cháu là trẻ mồ côi dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng, người nuôi dưỡng chưa được hưởng kinh phí nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.
Thêm vào đó là việc xác định hệ số hưởng trợ cấp chưa đúng, công tác rà soát, đánh giá điều chỉnh hệ số trợ cấp còn bất cập. Vẫn còn tình trạng một số đối tượng thuộc diện được điều chỉnh hệ số trợ cấp nhưng chưa được điều chỉnh. Điển hình như trường hợp Người khuyết tật nặng khi đủ 60 tuổi trở lên phải được điều chỉnh hệ số từ 1,5 lên 2,0, tuy nhiên đối tượng vẫn đang chỉ được hưởng hệ số 1,5. Tại huyện Yên Mỹ, danh sách chi trả tháng 3/2018 có 322 trường hợp chưa được điều chỉnh kịp thời, trong đó cá biệt có trường hợp ông Lê Văn Đỗng sinh năm 1926, xã Đồng Than, là NKT nặng đã 92 tuổi nhưng vẫn đang được hưởng hệ số 1,5. Hồ sơ Phạm Văn Mạnh, sinh năm 1956, phường Lam Sơn, TP Hưng Yên là người khuyết tật nặng từ đủ 60 tuổi trở lên, hưởng đúng hệ số 2,0, nhưng trên danh sách chi trả tháng 3/2018 vẫn được hưởng hệ số 1,5. Hồ sơ ông Lưu Trí Củ, sinh năm 1954, tại huyện Khoái Châu, thuộc đối tượng khuyết tật nặng là người cao tuổi nhưng vẫn đang hưởng hệ số 1,5 (hệ số đúng là 2,0).
Việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho người khuyết tật được các địa phương quan tâm, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước
Về trình tự, thủ tục thiết lập hồ sơ chưa đảm bảo, việc xác định mức độ khuyết tật còn chưa chính xác. Chưa phân biệt rõ giữa bệnh tật và khuyết tật, còn có biểu hiện nể nang trong việc xác định mức độ khuyết tật. Việc rà soát, quản lý đối tượng cũng còn nhiều bất cập. Mặc dù các huyện, thành phố đều đã ứng dụng phần mềm quản lý đối tượng bảo trợ xã hội, song trên danh sách in ra để chi trả còn chưa dễ tìm, nhầm lẫn, không phân theo loại đối tượng cụ thể nên khó khăn trong việc tra cứu. Công tác báo tăng, giảm về cơ bản được thực hiện kịp thời, tuy nhiên còn có một số trường hợp do sự phối hợp giữa cán bộ bưu cục xã, phường, thị trấn và cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã, phường, thị trấn nên còn có tình trạng báo giảm chậm. Việc chi trả trợ cấp cho các đối tượng được thực hiện thông qua hệ thống bưu điện, song tại một số xã, phường, thị trấn vẫn chưa bố trí điểm chi trả theo phương án mà vẫn chi trả tại điểm văn hóa xã. Trong danh sách chi trả, còn nhiều trường hợp ký thay, ký hộ mà không có ghi chú hoặc giấy ủy quyền.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra công tác bảo trợ xã hội tại các địa phương, Sở Lao động - TBXH tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh các tồn tại, vi phạm trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội. Hướng dẫn các xã kiện toàn Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội, đảm bảo có đầy đủ các thành phần theo quy định; rà soát, hướng dẫn đối tượng lập hồ sơ và tổ chức xét duyệt hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo đúng quy định của pháp luật. Thường xuyên đối chiếu và thực hiện điều chỉnh tăng, giảm cho các đối tượng kịp thời khi đối tượng hết tuổi được thụ hưởng, chết, chuyển nơi cư trú, các đối tượng được điều chỉnh hệ số hưởng trợ cấp xã hội. Hướng dẫn UBND các xã lập dự toán, trình cấp có thẩm quyền bố trí nguồn kinh phí phục vụ công tác quản lý đối tượng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC.
Đối với ngành Bưu điện, thực hiện theo đúng phương án chi trả, chi trả theo điểm tại thôn, chi trả trực tiếp cho người khuyết tật đặc biệt nặng và người cao tuổi không có khả năng đến điểm chi trả. Phối hợp báo giảm kịp thời, không để xảy ra tình trạng báo giảm chậm, muộn, tránh tình trạng phải ra thông báo thu hồi. Không ký thay, ký hộ đối tượng khi chưa có giấy ủy quyền. Về Trung tâm Điều dưỡng tâm thần kinh, cần xây dựng Đề án chăm sóc sức khỏe tâm thần tự nguyện để trình UBND tỉnh. Tăng cường hơn nữa về chất lượng bữa ăn cũng như trang thiết bị phục hồi chức năng, giải trí cho đối tượng để cải thiện đời sống vật chất cũng như tinh thần cho đối tượng.

          Hồng Phượng
TAG:
Tin khác
Hưng Yên: Thực hiện kịp thời trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 64.000 đối tượng
Năm 2030 sẽ triển khai tàu khách tốc độ 120 km/h
Nhộn nhịp chợ hoa Quảng An, Hà Nội ngày cận Tết Ất Tỵ 2025
Hội chợ Tết 3 miền Xuân Ất Tỵ: “Đậm tình nguồn cội, Trọn nghĩa yêu thương”
‘Biển người’ đổ về hồ Tây xem 2.025 drone trình diễn ánh sáng
TP Lào Cai tặng quà Tết cho gia đình người có công bị ảnh hưởng cơn bão số 3
Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, xã hội nhân dịp Tết Ất Tỵ
Nhân rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên vùng đất Thép Thái Nguyên
Du khách mang thuốc lá điện tử vào Việt Nam có thể bị xử tù