Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động – xã hội đem lại nhiều kết quả quan trọng
(LĐXH)- Ngày 28/12, tại Hà Nội, Bộ LĐTB&XH tổ chức “Tọa đàm về các ưu tiên hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động – xã hội giai đoạn 2022 - 2030”. Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ông Lưu Quang Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐTB&XH chủ trì tọa đàm.
Phát biểu tại đây, ông Lưu Quang Tuấn cho biết, sau đổi mới, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế đã có những thay đổi ấn tượng. Không chỉ được biết đến với các thành tựu phát triển quan trọng về kinh tế - xã hội, mà Việt Nam còn thể hiện là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Kết quả đó đạt được do nhiều yếu tố, trong đó hợp tác quốc tế đóng một vai trò quan trọng, giúp huy động sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế để thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời cũng là kênh để Việt Nam thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế và thể hiện tình hữu nghị với các quốc gia.
Trong lĩnh vực hợp tác về lao động, hàng trăm nghìn lượt người lao động Việt Nam đã đi làm việc theo hợp đồng tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo ra nguồn thu nhập thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của cả Việt Nam và nước tiếp nhận lao động.Ông Lưu Quang Tuấn phát biểu tại tọa đàm
Các dự án hợp tác quốc tế đã mang lại nhiều hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về lao động và xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo tốt các quyền an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội. Việt Nam cũng có nhiều đóng góp sáng kiến, kinh nghiệm chia sẻ với quốc tế về quá trình phát triển trong lĩnh vực lao động và xã hội.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cũng nhấn mạnh, tuy vậy, trong vài năm gần đây, một số vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, dịch bệnh, xung đột vũ trang... đã ảnh hưởng lớn đến các chính sách đối ngoại và hợp tác quốc tế của nhiều quốc gia, nhất là khi Việt Nam đã bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh này, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động và xã hội cũng cần có sự đổi mới, cả về nội dung và hình thức. Đây cũng là thời điểm mà nhiều dự án, chương trình hợp tác quốc tế về lao động, xã hội đã kết thúc, cần có các chương trình mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội phục vụ phát triển bền vững của quốc gia trong thời gian tới; đảm bảo đáp ứng các ưu tiên, phân bổ nguồn lực hợp lý, tránh chồng chéo để nâng cao hiệu quả thực hiện.
“Buổi tọa đảm với các đối tác quốc tế về ưu tiên hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động và xã hội đến năm 2030 với mục tiêu nhằm xây dựng định hướng về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động và xã hội, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại Việt Nam, từ đó xây dựng kế hoạch hợp tác khả thi, hiệu quả, bền vững để đóng góp vào mối quan hệ, hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác, cũng như thúc đẩy thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030” – ông Lưu Quang Tuấn nói.
Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của các đơn vị quản lý nhà nước thuộc Bộ LĐTB&XH, Sở LĐTB&XH các tỉnh thành phố, đại diện các đối tác phát triển song phương và đa phương có quan hệ hợp tác với Bộ LĐTB&XH, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực lao động và xã hội, các viện nghiên cứu, các đối tác phát triển nguồn nhân lực.Bà Hà Thị Minh Đức báo cáo một số kết quả về hợp tác quốc tế trong thời gian qua
Tại buổi tọa đàm, bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế cho biết: Về lao động việc làm, trong thời gian qua thị trường lao động được cải thiện, vượt qua đại dịch COVID-19, tỷ lệ thất nghiệp được duy trì ở mức dưới 4% (từ năm 2016), thu nhập bình quân tăng (năm 2022: tăng 1,6 triệu đồng); tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 26,3%.
Về hệ thống BHXH, độ bao phủ BHXH và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đã được mở rộng. Tỷ lệ tham gia đạt 37,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó có 30,55% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có nhiều giải pháp đột phá về nâng cao chất lượng công tác đào tạo, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững, an sinh xã hội. Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực tham gia thị trường lao động được cả thiện, với gần 67% lao động đã qua đào tạo.
Đối với lĩnh vực giảm nghèo, tỷ lệ nghèo đa chiều đã giảm dần qua các năm, tỷ lệ nghèo đa chiều trên phạm vi toàn quốc là 9,35%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là 5,2%, cận nghèo là 4,15%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.
Về lĩnh vực bình đẳng giới, chỉ số giới của Việt Nam hiện đang thuộc nhóm cao nhất trên thế giới. Trong đó, lao động nữ chiếm 46,6% trong cơ quan chính phủ, 46,78% lực lượng lao động, 46,8% số người có việc làm, 62,8% lao động nông nghiệp. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái giảm đáng kể, kể cả trong tác động của đại dịch COVID-19./.
Hồng Hà
TAG: