Hợp tác quốc tế thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao
(LĐXH) - Tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã được Đảng và Nhà nước cụ thể hóa bằng nhiều Nghị quyết và Quyết định nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, định hình mô hình phát triển theo hướng đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại và đến năm 2045 là nước phát triển…
Đẩy mạnh và đa dạng hóa trong hợp tác quốc tế là một trong nhiều chủ trương mà Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp hướng tới, hiện tại các cơ quan chuyên trách của Tổng cục đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia... Trong đó chú trọng mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước, tích cực tham gia các diễn đàn, hiệp hội khu vực, quốc tế về giáo dục nghề nghiệp cũng như các cuộc thi kỹ năng nghề. Chủ động quan hệ hợp tác với các nước phát triển trong khu vực và thế giới về các lĩnh vực đào tạo theo chuẩn quốc tế, xây dựng chuẩn năng lực cho nhà giáo… kết hợp đào tạo giáo viên tại nước ngoài, tranh thủ kinnh nghiệp và kỹ năng của chuyên gia nước ngoài khi đến Việt Nam, trau dồi và nâng cao kiến thức ngoại ngữ…
Theo thống kê, tính đến thời điểm này có khoảng 5.000 lượt nhà giáo, cán bộ quản lý được đào tạo; Khoảng 200 lượt giáo viên, cán bộ quản lý tham gia các khóa đào tạo nước ngoài (Malaysia, Australia, Đức, Pháp, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…); 655 nhà giáo được đào tạo theo chương trình chuyển giao từ Australia, Đức, các khóa đào tạo ngắn hạn tại Việt Nam.
Một trong những điểm nhấn về hợp tác đào tạo tronng lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thời gian gần đây là trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, đại diện hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp là Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ và Khu công nghiệp Thăng Long (TLIP) đã trao Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao… Nội dung chính của Bản ghi nhớ hợp tác là TLIP cùng với các nhà máy trong khu công nghiệp sẽ tổ chức thực hiện hợp tác cải thiện hệ thống đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của các nhà máy Nhật Bản tại Việt Nam; tiếp nhận các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đến các nhà máy trong TLIP để đào tạo, phát triển năng lực; sắp xếp chương trình thực tập cho sinh viên học nghề; tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp vào làm việc tại các nhà máy trực thuộc.
Được biết, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản đang có một số hoạt động chung nhằm cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam, được gọi là Sáng kiến chung Việt - Nhật. Đây là một trong những hoạt động do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội và Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp thực hiện với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực kỹ năng nghề cao với các nội dung hợp tác chính là:
- Tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nhà đầu tư Nhật Bản và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về nhu cầu nhân lực kỹ thuật chất lượng cao của các nhà đầu tư Nhật Bản;
- Hợp tác giữa các tổ chức trên để cải thiện sự cân bằng giữa cung và cầu nguồn nhân lực kỹ thuật;
- Hỗ trợ phát triển hệ thống chứng chỉ kỹ năng;
- Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực kỹ năng nghề cao, và hệ thống chứng chỉ kỹ năng.
Chia sẻ về vấn đề này, tại buổi tọa đàm: "Hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp: Cơ hội và tiềm năng", TS Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết: “Thời gian qua, chất lượng đào tạo của chúng ta đã được nâng lên, thể hiện qua việc nhiều học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp có thành tích cao trong kỳ thi tay nghề ASEAN hay của thế giới. Trên 80% học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp có việc làm, thu nhập tốt sau khi ra trường... Đặc biệt, nhiều chủ sử dụng lao động đánh giá cao chất lượng đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp... Tuy nhiên, trước áp lực cuộc cách mạng công nghiệp 4,0, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cần đẩy nhanh chuyển đổi số, đổi mới phương thức đào tạo. Theo đó, đưa hệ thống giáo dục nghề nghiệp tiếp cận với tri thức, kỹ năng, mô hình, quản lý giáo dục mới. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp chúng ta cũng cần tranh thủ nguồn lực bên ngoài để theo kịp xu hướng mới của nền giáo dục thế giới. Sự hỗ trợ, hợp tác với tổ chức giáo dục quốc tế, nâng cao năng lực của hệ thống giáo dục nghề nghiệp là đặc biệt quan trọng, từ đó góp phần tăng năng suất lao động cũng như tính cạnh tranh đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong nước và quốc tế…
Hình thành Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành...
Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược với định hướng xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở và linh hoạt. Đây là cơ sở quan trọng cho phát triển giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế...
Theo đó, giáo dục nghề nghiệp cần đa dạng hóa phương thức đào tạo, hình thành những ngành nghề đào tạo mới, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao, các nghề “xanh”, bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng sáng tạo - khởi nghiệp và ngoại ngữ… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Tính đến năm 2020, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên tập trung đầu tư cho 40 trường cao đẳng chất lượng cao và đến năm 2025, phấn đấu sẽ có thêm 70 trường được công nhận, trong đó 03 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4…
Tuy nhiên, trên thực tế số lượng đào tạo nghề chất lượng cao tại các cơ sở chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế cơ cấu “dân số vàng” với khoảng 55 triệu người trong độ tuổi lao động. Nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp mặc dù đã được ưu tiên bố trí nhưng còn hạn chế… Bên cạnh đó, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, nhất là những chế tài để các doanh nghiệp tham gia sâu vào việc phát triển chương trình, thực tập, thực hành trong quá trình đào tạo và tạo việc làm. Việc hoạch định chính sách vĩ mô, dự báo cung cầu lao động, xác định các tiêu chuẩn ngành còn cần phải kiện toàn và hoàn thiện hơn…
Tái cơ cấu lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hình thành mạng lưới các trường chất lượng cao, thành lập các trung tâm nghề xuất sắc, các viện nghiên cứu và thực hành giáo dục nghề nghiệp… được coi là một trong những thay đổi mang tính đột phá góp phần vào thành công của hệ thống giáo dục nghề nghiệp của các nước phát triển như: Đức, Nhật Bản, Singapore, Australia, Ixraen, Nam Phi... Dù dưới tên gọi hay hình thức nào, các đơn vị này đều thể hiện được giá trị và vai trò của mình trong việc góp phần phát triển nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động nội địa và quốc tế - là mô hình kiểu mẫu dẫn dắt các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đặc điểm nổi bật của các cơ sở này là sự đầu tư có trọng điểm từ chính phủ và có sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là khối doanh nghiệp, ngành nghề, tập trung vào các ngành công nghệ cao. Đây là nơi đào tạo, nâng cao năng lực cho các giảng viên, giáo viên cho toàn hệ thống, đồng thời, là cầu nối thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu, là nơi tổ chức các hội nghị về giáo dục nghề nghiệp liên quốc gia để chia sẻ các xu hướng giáo dục nghề nghiệp và về các phương pháp giảng dạy khoa học và tiên tiến nhất.
Tháng 12/2021 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, ở thời điểm hiện tại, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang triển khai xây dựng đầu tư Dự án Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao tại 03 miền (Bắc, Trung, Nam) với tiêu chí hàng đầu là thông minh, hiện đại, xanh... phối hợp cùng các trường cao đẳng chất lượng cao, đảm bảo đủ năng lực tổ chức đào tạo, thực hành nghề chất lượng cao, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Đây chính là mô hình mà các nước phát triển đang áp dụng với mục tiêu là đầu tàu dẫn dắt, lan tỏa và xác định vai trò và sứ mệnh mới cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đổi mới công nghệ và kỹ thuật số, thúc đẩy sáng tạo và đi đầu trong phương pháp thiết kế và chuyển giao các chương trình giảng dạy mới, cung cấp các kỹ năng chất lượng cao theo quan điểm học tập suốt đời, thúc đẩy nghiên cứu, sự đổi mới, bao trùm và có sự gắn kết...
Để thực hiện có hiệu quả chiến lược này gắn với hợp tác quốc tế, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch cũng như thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng công tác tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển và nâng cao chất lượng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp giữa các quốc gia; Thông tin về định hướng, tiềm năng, cơ hội hợp tác; Thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương và đa phương, đặc biệt là giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với các cơ quan, tổ chức quốc tế hướng tới sự phát triển bền vững.../.
Hữu Bắc