Hợp tác phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày Việt Nam
(LĐXH)- Ngày 5/12/2024, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo quốc tế “Hợp tác phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày Việt Nam” nhằm thảo luận các giải pháp thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày tại Việt Nam.
Ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với giá trị xuất khẩu chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia và tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động, trong đó 75% là nữ giới (VITAS, 2023).
Những đóng góp này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào an sinh xã hội, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, ngành này hiện đang đối mặt với thách thức lớn về việc chuyển đổi sang phát triển bền vững, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng cao.
Trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp dệt may và da giày Việt Nam cần đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn lao động, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giảm phát thải carbon từ các thị trường lớn như EU. Theo báo cáo của UNIDO (2023), chỉ có 20% doanh nghiệp trong ngành hiện đạt tiêu chuẩn bền vững quốc tế. Đây là thách thức lớn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài chính và công nghệ xanh.
Trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp dệt may và da giày Việt Nam cần đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn lao động, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giảm phát thải carbon từ các thị trường lớn như EU. Theo báo cáo của UNIDO (2023), chỉ có 20% doanh nghiệp trong ngành hiện đạt tiêu chuẩn bền vững quốc tế. Đây là thách thức lớn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài chính và công nghệ xanh.
Để thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày, Hội thảo quốc tế “Hợp tác phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày Việt Nam” được tổ chức vào sáng ngày 5/12 tại Hà Nội. Hội thảo được tổ chức dựa trên Bản ghi nhớ ký ngày 26/9/2024 giữa Bộ Công Thương, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da Giày - Túi Xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA), và tổ chức IDH, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy mô hình hợp tác công tư (PPP), tăng cường liên kết giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế.
Hội thảo tập trung vào các giải pháp thực tiễn nhằm phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày, bao gồm cải tiến chuỗi cung ứng xanh, xây dựng tiêu chuẩn phát triển bền vững và mở rộng chiến lược tiếp cận các thị trường xuất khẩu bền vững.
Các nội dung chính tại hội thảo bao gồm: Phát biểu định hướng từ lãnh đạo Bộ Công thương và tổ chức IDH, thảo luận chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2025-2030, chia sẻ cơ hội và thách thức của ngành, và đặc biệt là thảo luận về định hướng chiến lược trong khuôn khổ Bản ghi nhớ đã ký giữa các bên.
Mục tiêu của hội thảo là góp ý kiến xây dựng kế hoạch hoạt động ưu tiên phát triển bền vững cho ngành Dệt may và Da giày giai đoạn 2025-2027, giúp giải quyết các thách thức đồng thời đón nhận các cơ hội phát triển bền vững của ngành.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển Bền vững (Bộ Công thương) nhấn mạnh: “Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Công Thương và IDH, các Hiệp hội ngành hàng, cùng các bên liên quan tạo nền tảng hợp tác vững chắc thúc đẩy phát triển bền vững ngành dệt may và da giày Việt Nam. Hội thảo hôm nay sẽ thu thập ý kiến các bên về các sáng kiến và hành động ưu tiên trong việc áp dụng các mô hình bền vững, mở rộng thị trường và phát triển chuỗi cung ứng bền vững, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy tăng trưởng xanh, thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu.”
Chia sẻ về một số kết quả thực hiện các chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, bà Giang cho biết Bộ Công thương đã triển khai nhiều nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp dệt may và da giày áp dụng các giải pháp và mô hình sản xuất bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm. Bộ cũng sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ liên quan đến kinh tế tuần hoàn trong ngành công thương, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, chứng nhận sản phẩm dệt may, da giày và xúc tiến thương mại.
Ông Huỳnh Tiến Dũng, Giám đốc Quốc gia IDH Việt Nam, đánh giá cao vai trò của Bộ Công thương, các Hiệp hội ngành hàng và tổ chức trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, nhấn mạnh: “Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Công Thương, các Hiệp hội ngành hàng và IDH là nền tảng quan trọng thúc đẩy hợp tác công tư, giúp các doanh nghiệp dệt may và da giày phát triển bền vững, cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.”
Đại diện các Hiệp hội cũng khẳng định sự hợp tác này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào các sáng kiến phát triển bền vững, cải thiện chuỗi giá trị và nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống của người lao động.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ: “Việc ký kết và triển khai các hoạt động hợp tác giữa Bộ Công Thương, các Hiệp hội và tổ chức IDH là bước tiến quan trọng giúp các doanh nghiệp dệt may, da giày hội nhập và phát triển bền vững trong giai đoạn 2025-2030.”
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), chia sẻ: “Việc ký kết Bản ghi nhớ không chỉ là cam kết mà còn là tầm nhìn chiến lược cho tương lai xanh hơn và hiện đại hơn của ngành dệt may và da giày Việt Nam.”
Ông Nguyễn An Toàn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), nhấn mạnh: “Bản ghi nhớ là bước đi cần thiết thúc đẩy hợp tác công tư và phát triển bền vững ngành bông sợi, dệt may, da giày trong giai đoạn 2025-2030.”
Hợp tác này sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh ngày càng tăng của ngành Dệt may và Da giày Việt Nam.
Thảo Lan