Họp Góp ý Đề cương chi tiết Luật Nghề công tác xã hội
(LĐXH) Chiều ngày 24/1/2018, tại Hà Nội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động- TBXH) đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các bộ, ngành đơn vị góp ý cho Đề cương chi tiết Luật Nghề Công tác xã hội.
Tham dự, có bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; TS.Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội; ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cùng đại diện các Bộ Nội vụ, Tư pháp, Tài chính và các đơn vị thuộc Bộ Lao động – TBXH; thành viên Tổ nghiên cứu xây dựng Luật Nghề Công tác xã hội.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Công tác xã hội là lĩnh vực rất quan trọng, là một trong ba mảng công tác của Bộ. Hiện nay, đối tượng chính sách xã hội của nước ta rất lớn, với khoảng 10 triệu người cao tuổi, 7,8 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và ngoài ra còn nhiều đối tượng đặc thù khác. Tuy nhiên, hệ thống văn bản mang tính chất quy phạm trong lĩnh vực CTXH còn thiếu, do vậy nhu cầu hoàn thiện, xây dựng văn bản pháp luật trong lĩnh vực này là rất cần thiết.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng cũng đề nghị, đại diện các bộ, ngành, đơn vị tham gia cần thảo luật kỹ các vấn đề như: Phạm vi điều chỉnh của Luật Nghề CTXH; tên gọi của Luật Nghề CTXH như thế nào cho phù hợp và tương quan đối với hệ thống các văn bản pháp luật khác; đồng thời phải xem xét hiện nay có bao nhiêu luật quy định liên quan đến nghề của những ngành nghề đặc biệt. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đơn vị, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – TBXH nghiên cứu hoàn thiện trình luật liên quan đến lĩnh vực này.
Theo ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động – TBXH), hiện nay nhận thức và nhu cầu xã hội về phát triển nghề CTXH của Việt Nam là rất lớn. Mạng lưới viên chức, cộng tác viên và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực CTXH ngày càng được mở rộng. Luật Nghề CTXH khi được xây dựng cần thiết phải có các chính sách cơ bản như: Xây dựng đội ngũ người làm CTXH chuyên nghiệp; Xác định các lĩnh vực, hình thức, nội dung hoạt động CTXH; Thiết lập, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ CTXH; Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động CTXH. Cụ thể, trong Đề cương chi tiết của Luật Nghề CTXH cần làm rõ vị trí, vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của người làm CTXH. Xây dựng, phát triển, hình thành đội ngũ người làm CTXH chuyên nghiệp, bảo đảm về số lượng, chất lượng đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu của xã hội. Đồng thời, Luật cũng cần đáp ứng được nhu cầu của xã hội về CTXH trong tất cả các lĩnh vực và làm rõ lĩnh vực hoạt động, đối tượng phục vụ…
Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu
Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội Nguyễn Văn Hồi ghi nhận các ý kiến đóng góp cho dự thảo, đồng thời cho biết, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010- 2020 (Đề án 32), đã giúp cho nghề CTXH có những bước phát triển tốt. Tuy nhiên, đến nay nhận thấy khuôn khổ pháp lý phát triển nghề CTXH chưa được hoàn chỉnh, đặc biệt là việc xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH chưa được xác định cụ thể trong một số Bộ luật, luật liên quan; các nội dung về CTXH chưa được luật hóa. Do đó, từ thực tiễn kết quả hoạt động của các mô hình, cũng như xu thế hội nhập quốc tế, rất cần một khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực CTXH.
Cũng tại cuộc họp, các đại biểu đã được nghe ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội trình bày Dự thảo Đề cương chi tiết Luật Nghề CTXH. Theo đó, Luật này quy định về điều kiện, phạm vi, hình thức hành nghề CTXH; điều kiện, tiêu chuẩn, quyền và nghĩa vụ của người hành nghề CTXH; việc cấp, cấp lại và thu hồi chứng chỉ hành nghề công tác xã hội; việc tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH; quy trình và tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ công tác xã hội; hiệp hội lĩnh vực CTXH; quản lý nhà nước lĩnh vực thực hành CTXH. Đối tượng áp dụng của Luật là những cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia có làm CTXH trong các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục, tư pháp, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và các lĩnh vực liên quan khác.
Đại diện các Bộ, ngành, đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham gia góp ý tại cuộc họp
Dự thảo Đề cương chi tiết Luật cũng quy định một số điều như: Nguyên tắc hành nghề CTXH; Ngày Công tác xã hội Việt Nam là ngày 25 tháng 3 hằng năm; Các hành vi bị nghiêm cấm của người hành nghề CTXH và cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của CTXH. Ngoài ra, Dự thảo Đề cương cũng dành Chương 2 quy định về người hành nghề CTXH như: Điều kiện tiêu chuẩn của người hành nghề CTXH (tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp công tác xã hội; Đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề công tác xã hội); thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại và thu hồi chứng chỉ hành nghề CTXH; quyền và nghĩa vụ của người hành nghề CTXH... Chương 3 quy định về cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH...
Hồng Phượng
TAG: