Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Hơn 90% học sinh học một số nghề có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp
09:54 AM 08/02/2018
(LĐXH)- Hơn 90% học sinh học ở một số nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay khi ra trường với mức thu nhập bình quân từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Lê Quân cho biết tại buổi gặp mặt phóng viên báo chí do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức chiều 7/2.
Quang cảnh buổi gặp mặt
Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Trong năm 2017, công tác tuyển sinh đã được các cở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tích cực triển khai, ước đạt 2,2 triệu người, trong đó tuyển sinh trình độ cao đẳng và trung cấp là 540 nghìn người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng khoảng 1.660 nghìn người. Công tác đào tạo được các cơ sở GDNN triển khai theo hướng đổi mới chương trình và phương thức đào tạo theo mô đun, tín chỉ hoặc kết hợp giữa mô đun và tín chỉ. Nội dung, chương trình đào tạo được xây dựng với sự tham gia của các doanh nghiệp, quá trình đào tạo được gắn kết với các doanh nghiệp đảm bảo cho học sinh, sinh viên có những kiến thức, kỹ năng bám sát theo yêu cầu của người sử dụng lao động, của khoa học, công nghệ.
Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề nghiệp, tin học, ngoại ngữ của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý tiếp tục được cải thiện và từng bước được chuẩn hóa. Hiện đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đào tạo đạt chất lượng hiệu quả cao, cam kết trả lại học phí nếu đào tạo không có việc làm và thu nhập không thỏa đáng. Tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44 năm 2017 với kết quả đoàn Việt Nam đạt 1 huy chương đồng và 5 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc, điểm bình quân của các thí sinh Việt Nam đứng thứ 16 trong tổng số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Kỳ thi...
Thứ trưởng Lê Quân cho biết ở một số nghề đã có hơn 90% học sinh học nghề tìm được việc làm
Trong năm 2018, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề ra 8 giải pháp trọng tâm để phấn đấu tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho 2,21 triệu người, khoảng 25% là trình độ trung cấp và cao đẳng; phấn đấu 75 - 80% người tốt nghiệp có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Trong đó có giải pháp tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về GDNN, cụ thể hóa Luật GDNN và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời, đẩy mạnh tổ chức thực hiện pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN. Tăng cường và đổi mới công tác truyền thông, tuyên truyền, hướng nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của người dân, xã hội về GDNN; làm tốt công tác tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp theo phương châm lấy chất lượng và hiệu quả đào tạo là mục tiêu hàng đầu; không chạy theo số lượng chỉ tiêu tuyển sinh; tổ chức đào tạo gắn với nhu cầu việc làm của người học và nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.  Xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hoá, hiện đại hoá, có phân tầng chất lượng. Triển khai thực chất, rõ nét một số hoạt động trong 3 nhiệm vụ, giải pháp đột phá của Đề án  đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng phát biểu tại buổi gặp gỡ
Phát biểu tại buổi gặp gỡ báo chí, Thứ trưởng Lê Quân khẳng định: Nhìn lại năm 2017, chất lượng GDNN bước đầu đã có chuyển biến tích cực, từng bước được cải thiện, một số lĩnh vực đã tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới. Chất lượng, kỹ năng của nguồn nhân lực qua GDNN đã dần từng bước bắt kịp với thị trường lao động và tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp. Tỷ lệ học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 70%, ở một số nghề đạt trên 90%, với mức thu nhập bình quân từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng...  Đây chính là kết quả đáng khích lệ, tạo đà cho sự nghiệp đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN trong những năm tiếp theo.
Phóng viên một số cơ quan báo chí trao đổi thông tin tại buổi gặp gỡ
Điều quan trọng là nội dung, chương trình đào tạo được xây dựng với sự tham gia của các doanh nghiệp; quá trình đào tạo được gắn kết với doanh nghiệp đảm bảo cho học sinh, sinh viên có những kiến thức, kỹ năng bám sát theo yêu cầu của người sử dụng lao động, của khoa học, công nghệ. Đặc biệt, đã có 12 nghề được tiến hành đào tạo thí điểm theo 12 bộ chương trình chuyển giao từ Úc. Không những thế, ngày càng nhiều mô hình đào tạo đạt chất lượng hiệu quả cao xuất hiện, có những trường cam kết trả lại học phí  nếu đào tạo không có việc làm và thu nhập không thoả đáng. Trong năm 2018, các cơ sở GDNN tiếp tục đào tạo đáp ứng nhu cầu của người học, thị trường lao động và doanh nghiệp, nhất là ở những ngành, địa phương có nhu cầu lớn về nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp. Bên cạnh đó, ưu tiên đào tạo lại nhân lực đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 – Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh. 

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Nghề Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính Trường Cao đẳng nghề TP.HCM đã đạt chuẩn kiểm định
Khởi động Chương trình INTENSE:  Cơ hội học tập việc làm cho sinh viên Việt Nam
Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
Huyện Ngọc Hiển: Tạo sinh kế bền vững cho lao động vùng nghèo, vùng khó khăn
Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ kỷ niệm 20 năm thành lập
Trường Đại học LĐ-XH CSII tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM: Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi thư chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Hành trình 3 thập kỷ: Trường Phổ thông Dân lập Hermann Gmeiner Hà Nội – Mái ấm yêu thương, chắp cánh ước mơ