An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hơn 4 tỷ người trên thế giới chưa được tiếp cận an sinh xã hội trong đại dịch
09:31 AM 02/09/2021
(LĐXH)- Dù diện bao phủ an sinh xã hội trên toàn giới đã được mở rộng ở mức chưa từng có trong thời kỳ khủng hoảng COVID-19, nhưng vẫn còn hơn 4 tỷ người trên thế giới hoàn toàn chưa được bảo vệ.
(ảnh minh họa)
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), việc ứng phó với đại dịch không đồng đều và không đầy đủ, dẫn tới làm gia tăng khoảng cách giữa các nước có thu nhập cao và các nước có thu nhập thấp và không đủ khả năng đảm bảo an sinh xã hội cần thiết mà tất cả mọi người xứng đáng được hưởng.
An sinh xã hội bao gồm tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và an ninh thu nhập, đặc biệt là liên quan đến người cao tuổi, thất nghiệp, ốm đau, khuyết tật, thương tật khi lao động, thai sản hay trường hợp mất đi người kiếm thu nhập chính, cũng như đối với gia đình có trẻ em.
Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO, cho biết: “Các quốc gia hiện đang đứng trước ngã ba đường. Đây là thời điểm then chốt để tận dụng những chính sách ứng phó đại dịch nhằm xây dựng các hệ thống an sinh xã hội thế hệ mới dựa trên quyền. Những hệ thống này có thể giúp giảm nhẹ tác động của các cuộc khủng hoảng trong tương lai và đem lại sự đảm bảo cho người lao động và các doanh nghiệp, để họ có thể ứng phó với những sự chuyển đổi trước mắt với sự tự tin và niềm hy vọng. Chúng ta phải công nhận rằng an sinh xã hội hiệu quả và toàn diện không chỉ cần thiết cho công bằng xã hội và việc làm thỏa đáng, mà còn để tạo lập một tương lai bền vững và có sức chống chịu.”
Báo cáo “An sinh Xã hội Thế giới 2020 – 2022: Hệ thống an sinh xã hội trước ngã ba đường – vì một tương lai tốt đẹp hơn” đem lại một cái nhìn tổng thể toàn cầu về sự phát triển của những hệ thống an sinh xã hội, bao gồm cả sàn an sinh xã hội và đề cập đến tác động của đại dịch COVID-19.
Báo cáo chỉ ra những khoảng trống về an sinh xã hội và đưa ra những khuyến nghị chính sách then chốt, trong đó bao gồm cả những khuyến nghị liên quan đến các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 vì Phát triển Bền vững.
Hiện nay, chỉ có 47% dân số toàn cầu được bảo vệ hiệu quả bởi ít nhất một loại hình trợ cấp an sinh xã hội, trong khi còn 4,1 tỷ người (53%) hoàn toàn không được đảm bảo an ninh thu nhập từ hệ thống an sinh xã hội quốc gia.
Giữa các khu vực hiện tồn tại sự bất bình đẳng đáng kể về an sinh xã hội. Châu Âu và Trung Á là nơi có tỷ lệ bao phủ cao nhất, với 84% dân số được hưởng ít nhất một loại hình trợ cấp an sinh xã hội. Châu Mỹ cũng có tỷ lệ cao hơn mức trung bình toàn cầu, đạt 64,3%. Tỷ lệ này ở châu Á và Thái Bình Dương là 44%, ở các quốc gia Ả-rập là 40%, ở châu Phi là 17,4%, cho thấy khoảng cách rõ rệt về phạm vi bao phủ.
Phần lớn trẻ em trên toàn thế giới vẫn chưa được hưởng các dịch vụ an sinh xã hội hiệu quả. Chỉ một phần tư trẻ em (26,4%) được hưởng một loại hình trợ cấp an sinh xã hội. Chỉ 45% phụ nữ mới sinh trên toàn thế giới được hưởng trợ cấp thai sản bằng tiền mặt. Chỉ một phần ba số người mang khuyết tật nặng trên thế giới (33,5%) được hưởng trợ cấp khuyết tật.
Diện bao phủ của trợ cấp thất nghiệp thậm chí còn thấp hơn: chỉ 18,6% lao động thất nghiệp trên toàn thế giới được bảo vệ hiệu quả. Và mặc dù 77,5% người trên tuổi nghỉ hưu nhận được nhận trợ cấp hưu trí dưới dạng này hoặc dạng khác, nhưng vẫn còn sự chênh lệch lớn giữa các khu vực, giữa nông thôn và thành thị và giữa phụ nữ và nam giới.
Chi tiêu chính phủ cho an sinh xã hội cũng khác biệt đáng kể. Tính trung bình, các nước chi 12,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho an sinh xã hội (không bao gồm y tế). Tuy nhiên, trong khi các nước có thu nhập cao chi 16,4% thì các nước có thu nhập thấp chỉ chi 1,1% GDP cho an sinh xã hội.
Báo cáo cho biết khoảng cách trong đảm bảo tài chính (các khoản chi bổ sung để đảm bảo an sinh xã hội tối thiểu cho tất cả mọi người) đã tăng khoảng 30% kể từ khi khủng hoảng COVID-19 bùng phát.
Để ít nhất đảm bảo được an sinh xã hội cơ bản, mỗi năm các nước thu nhập thấp sẽ phải đầu tư thêm 77,9 tỷ đô la Mỹ (USD), các nước có thu nhập trung bình thấp hơn sẽ phải đầu tư thêm 362,9 tỷ USD và các nước có thu nhập trung bình cao hơn phải đầu tư thêm 750,8 tỷ USD. Những con số này tương ứng với 15,9%, 5,1% và 3,1% GDP của họ.
“Các quốc gia hiện đứng trước sức ép lớn phải củng cố tài khóa sau khi đã chi những khoản khổng lồ cho các biện pháp ứng phó khủng hoảng. Nhưng nếu các quốc gia cắt giảm an sinh xã hội, hành động đó sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng. Đây mới chính là lĩnh vực cần thiết phải được đầu tư ngay lúc này,” bà Shahra Razavi, Vụ trưởng Vụ An sinh Xã hội của ILO, cho biết.
Những biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phổ cập an sinh xã hội đã được nhấn mạnh trong Lời kêu gọi hành động toàn cầu vì một công cuộc phục hồi từ đại dịch COVID-19 lấy con người làm trung tâm. Lời kêu gọi hành động với một chương trình nghị sự toàn diện cho công cuộc phục hồi đã được các Quốc gia thành viên của ILO, đại diện các chính phủ, các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động nhất trí thông qua vào tháng 6 năm 2021./.
Hồng Minh
TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Hiệu quả trong ngăn chặn nạn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Bắc Giang đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống mua bán người
Đồng Tháp: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
24 liệt sĩ an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Long Khánh được đính chỉnh, điều chỉnh thông tin
Phòng, chống thiên tai: Phải lấy người dân làm trung tâm
Tuyên Quang: Chủ động thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Cô gái H’Mông: Trái tim tử tế mang khát vọng kết nối giá trị nhân văn trong hệ sinh thái “Nuôi em”
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
Nam Định: Đổi mới công tác bảo hiểm xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động