Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Hội thảo về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ
04:04 PM 18/10/2016
(LĐXH) Ngày 18/10/2016, tại Hà Nội, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) phối hợp với Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HAWASME) tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và kiến nghị xây dựng luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”
Tham dự và Chủ trì Hội thảo có: Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các Vấn đề Xã hội của Quốc hội, Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Tham dự Hội thảo còn có Ông Layton Pike, Phó Đại sứ Úc; Ông Dominic Mellor, Chuyên gia kinh tế cao cấp ADB, phụ trách dự án MBI; đại diện các Bộ, ngành và hơn 50 doanh nhân nữ tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Với mong muốn lồng ghép bình đẳng giới vào Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nhằm thúc đẩy sự tham gia, đóng góp của phụ nữ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ được trình lên Quốc hội trong kỳ họp tháng 10 này.
Muốn nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội thì cần phải nâng cao vị thế,
vai trò của người phụ nữ trong kinh doanh.
(Ảnh minh họa).
Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mê Kông (MBI) được tài trợ bời Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và Chính Phủ Úc đã hỗ trợ Hiệp hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HAWASME) thực hiện báo cáo nghiên cứu “Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách” . Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phụ nữ điều hành một phần tư số DNNVV đang hoạt động tại Việt Nam. Họ cũng sử dụng nhiều lao động nữ hơn so với các doanh nghiệp do nam làm chủ (43.4% so với 36%).
Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thực sự phải đối mặt với những trở ngại đặc biệt, trong tiếp cận tài chính, thông tin thị trường, các cơ hội đào tạo nâng cao kỹ năng, kiến thức, các nguồn lực và cơ hội tham gia các mạng lưới. Thêm vào đó, những nữ doanh nhân tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc gia đình và công việc điều hành doanh nghiệp.
“Hội thảo này rất có ý nghĩa vì chúng ta thúc đẩy việc lồng ghép bình đẳng giới vào 1 luật điều chỉnh các đối tượng doanh nghiệp VVN trong đó phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng”, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ.
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho rằng “Với vai trò là cơ quan chủ trì, VCCI đánh giá cao sáng kiến của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam và Hội nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội trong việc đưa vấn đề bình đẳng giới vào Luật Hỗ trợ DNNVV. Lâu nay, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ còn chưa có được sự hỗ trợ cần thiết, hiệu quả để vượt qua các rào cản do qui mô cũng như đặc thù giới tính. Việc đưa các nội dung về doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ cũng như cần có chương trình đặc thù dành cho khu vực kinh tế này là cần thiết, để huy động sự tham gia và đóng góp tích cực của các doanh nhân nữ Việt Nam cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Chủ tịch VWEC khẳng định “Hơn lúc nào hết, vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân nói chung và doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng được cả hệ thống chính trị quan tâm. Việc đưa các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ vào luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là cần thiết. Thứ nhất là vì những đóng góp thực tế và tiềm năng phát triển của khu vực kinh tế này – Khu vực kinh tế mới nổi; thứ hai là các rào cản do đặc thù giới tính trên thực tế vẫn còn tồn tại. “Đầu tư cho phụ nữ, tháo gỡ các rào cản” là chiếc chìa khoá cho sự thịnh vượng của mỗi quốc gia  ”
Bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch HAWASME chia sẻ: “Muốn nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội thì cần phải nâng cao vị thế, vai trò của người phụ nữ trong kinh doanh. Đây là hai phạm trù không thể tách rời nhau. Nhiều quốc gia có luật pháp, quy định và những chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, như Luật Hỗ trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ tại Hàn Quốc. Chúng tôi tin rằng những nỗ lực  của Việt Nam trong việc hỗ trợ nữ chủ doanh nghiệp sẽ đạt được hiệu quả cao nhất nếu Luật hỗ trợ DNNVV đưa ra một khái niệm rõ ràng về doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và có những điều luật cụ thể đề cập đến nhu cầu đặc biệt của họ”.
Bà Ngô Hồng Điệp, chuyên gia về giới của Sáng kiến Hỗ trợ Phát triển Khu vực Tư nhân Vùng Mekong (MBI) nhận xét: “Sự thành công của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam chính là chìa khóa mở ra những tiềm năng đất nước. Những kinh nghiệm quốc tế và thông tin từ tham vấn với các hiệp hội nữ doanh nhân có thể giúp điều chỉnh chính sách một cách phù hợp nhất với lợi ích quốc gia, các nữ chủ doanh nghiệp và cả nền kinh tế’’.
 
Thảo Lan
 
TAG:
Tin khác
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương
Dùng thuốc mua trên mạng, tiền mất mà tật còn nguyên
Người hâm mộ đổ ra đường, hô vang “Việt Nam vô địch!”
CSGT Diễn Châu kịp thời giúp bé 4 tuổi thoát cơn nguy kịch
Dữ liệu giám sát hành trình ôtô sẽ do Cục CSGT quản lý
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng gặp mặt cán bộ hưu trí phía Nam mừng Xuân Ất Tỵ