Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Hội thảo “Tương lai giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam – Hướng tới một hệ thống bình đẳng”
07:54 AM 05/11/2022
(LĐXH) Ngày 4/11/2022, tại thành phố Ninh Bình diễn ra Hội thảo “Tương lai giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam – Hướng tới một hệ thống bình đẳng” nhằm chia sẻ một số kết quả nghiên cứu chính trong năm 2022 của nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHKHXHNV)- Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), đồng thời thảo luận, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm tiếp tục triển khai các nội dung nghiên cứu tiếp theo trong thời gian tới.
Tham dự Hội thảo có GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, Hiệu Trưởng Trường ĐHKHXH&NV- ĐHQGHN; Ông Axel Blaschke, Trưởng đại diện Tổ chức Friedrich-Ebert-Stiftung tại Việt Nam, các đại biểu đến từ Đại học Justus-Liebig Universität Gießen (Đức); Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ); Ủy ban Dân tộc của Quốc hội; Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội); Học viện Quản lý Giáo dục Quốc gia (Bộ Giáo dục và Đào tạo)…
GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, Hiệu Trưởng Trường ĐHKHXH&NV- ĐHQGHN phát biểu khai mạc Hội thảo
Trình bày về một số kết quả nghiên cứu chính với chủ đề:“Tương lai giáo dục nghề nghiệp  ở Việt Nam – Hướng tới một hệ thống bình đẳng” với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Friedrich-Ebert-Stiftung tại Việt Nam, TS. Detlef Briesen, Đại học Justus-Liebig Universität Gießen cho biết:
-Qua hoạt động nghiên cứu thời gian qua, nhóm nghiên cứu nhận thấy những đề xuất về giáo dục và đào tạo nghề nghiệp ở Việt Nam cho đến nay phần lớp tập trung vào những ý tưởng về giáo dục và đào tạo nghề nghiệp hoặc thậm chí theo đuổi các chương trình nghị sự liên quan đến lĩnh vực này, chẳng hạn như lợi ích của các doanh nghiệp hoạt động trong nước hoặc tuyển dụng lao động có trình độ cho thị trường lao động trong nước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu việc quản lý giáo dục và đào tạo nghề ở Việt Nam có thực sự hiệu quả và giúp ích cho một quốc gia vốn có đặc điểm  phần lớn là thị trường lao động phi chính thức hay không (?).
Ông Axel Blaschke, Trưởng đại diện Tổ chức Friedrich-Ebert-Stiftung tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
-Mặt khác, các phương pháp tiếp cận từ dưới lên hầu như chưa được tính đến cho đến nay. Do đó, một vấn đề quan trọng là nhu cầu đào tạo nghề của người dân đang ở mức độ nào và nhằm mục đích gì thì chưa được làm rõ.
-Các tham luận về hệ thống giáo dục ở Việt Nam cho đến nay phần lớn được định hình bởi các chuyên gia quốc tế, những người hầu hết đề xuất cách tiếp cận về giáo dục nghề nghiệp từ trên xuống hướng tới các đối tượng ở Việt Nam và tiếp cận từ tư duy thể chế. Trong khi đó, hầu như chưa có nghiên cứu nào chỉ ra các nhóm đối tượng sau đây suy nghĩ như thế nào về đào tạo nghề: Học sinh, sinh viên, thanh niên, người lao động cũng như những người sử dụng lao động thuộc nhiều thành phần kinh tế.
- Một vấn đề khác là toàn bộ các cuộc thảo luận và các nghiên cứu cho đến nay đều dựa trên một số dữ liệu chính, bởi gần như chưa có bất kỳ nghiên cứu thực nghiệm quốc tế nào, trên hết là không có nghiên cứu khoa học xã hội nào về đào tạo nghề trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng phát triển ở Việt Nam, nơi giáo dục chính quy chiếm ưu thế và được đa số đối tượng học nghề lựa chọn, hay cụ thể là hầu như chưa có nghiên cứu thực nghiệm nào về giáo dục phi chính quy ở Việt Nam.
TS. Detlef Briesen, Đại học Justus-Liebig Universität Gießen trình bày các kết quả chính của nghiên cứu
-Về sự bất cân xứng theo vùng và giới trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, cũng chỉ có một số kết quả nghiên cứu được xác nhận.
-Thực trạng tại nhiều cơ sở đào tạo nghề chính quy ở Việt Nam phần lớn vẫn chưa rõ ràng, đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không ở các thành phố lớn, nơi thường không được các chuyên gia quốc tế đến thăm.
Hơn nữa, cho đến nay vẫn chưa xác định được quan điểm, ý tưởng, và mong muốn của những người tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, hoặc có nhu cầu được đào tạo nghề, cả chính thức và không chính thức. Tiếng nói của những đối tượng liên quan cho đến nay vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Năm 2023, kế hoạch nghiên cứu tiếp theo của nhóm sẽ tập trung vào các nội dung sau:
-Chính sách về cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chương trình, tiêu chuẩn chất lượng, vấn đề tư nhân hóa, bình đẳng tiếp cận và đào tạo đã thay đổi như thế nào theo thời gian? Các biện pháp hiện có đã mang lại những tác động như thế nào?
-Những chương trình giáo dục nghề nghiệp nào có sẵn hoặc được cung cấp và chấp nhận cho những nhóm đối tượng và khu vực nào tham gia?
-Các nhóm xã hội khác nhau tiếp nhận cơ hội giáo dục nghề nghiệp ở mức độ nào? Tại sao một số nhóm dân cư nhất định bắt đầu tham gia các chương trình đào tạo nghề trong khi một số nhóm khác lại không?
-Làm thế nào để nghề nghiệp của người học phát triển hơn sau khi kết thúc chương trình giáo dục nghề nghiệp? Nền tảng xuất thân của người học có mối liên hệ như thế nào đến vị trí làm việc hay thành công của họ sau khi đã hoàn thành chương trình đào tạo nghề?
Toàn cảnh Hội thảo
-Làm thế nào để đào tạo nghề góp phần vào “sự bình đẳng về không gian”, từ đó dẫn đến sự phát triển cân bằng hơn giữa các tỉnh, thành, địa phương khác nhau của Việt Nam?
-Hệ thống giáo dục và đào tạo nghề ở Việt Nam có sự linh hoạt như thế nào và khu vực phi chính thức thực sự đóng vai trò gì trong đó?
-Các chương trình đào tạo chính quy vốn được đánh giá cao ở Việt Nam có hiệu quả và tác động thực sự như thế nào? Đào tạo không chính thức có vai trò và chức năng gì trong hệ thống đào tạo nghề trên thực tế ở nước ta?
- Ở Việt Nam, một số lượng lớn lao động tham gia vào khu vực kinh tế phi chính thức trong nhiều lĩnh vực và những người được đào tạo chính quy vẫn tham gia vào khu vực này khi cần thiết. Vậy, ưu điểm và nhược điểm của hệ thống này là gì theo quan điểm của các bên liên quan và những người có nhu cầu giáo dục nghề nghiệp?
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ và thảo luận nhiều ý kiến xung quanh các nội dung: Sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam; sự tham gia của các bên liên quan trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; Tương lai giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam.
Đại diện cho nhóm nghiên cứu, TS. Detlef Briesen, Đại học Justus-Liebig Universität Gießen cho biết: Các thông tin, ý kiến mà các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo là rất hữu ích để nhóm nghiên cứu có thể tham khảo , lên ý tưởng và triển khai  các hoạt động nghiên cứu một cách sâu sắc và hiệu quả trong thời gian tới ./.
Thảo Lan

 

 

TAG: Tổ chức Friedrich-Ebert-Stiftung
Tin khác
Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành mở khóa đào tạo về xu hướng làm đẹp dành cho các học viên đến từ Campuchia
Trường Cao đẳng Quảng Nam: Tổ chức Lễ trao bằng đợt 2 năm 2024 cho 216 học sinh sinh viên
Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam, Trường Đại học City St George’s - Đại học London và CEFALT ký kết hợp tác chiến lược
Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tại TP.HCM vào học nghề bình quân mới đạt hơn 26%.
Hơn 400 tân sinh viên một trường nghề dự sự kiện “Kết nối doanh nghiệp - Kết nối tương lai”
Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ tiếp đón và làm việc với đoàn công tác bang Bavarian, Cộng hòa Liên bang Đức
Huyện Kế Sách: Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động
Hiện thực hóa việc học Đại học bằng chương trình học bổng 100% tại Đại học Công nghệ Đông Á
Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2: Tuyển sinh đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp