Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Tiến tới tuyên bố về Xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN
10:00 PM 20/12/2021
(LĐXH) - Trong 2 ngày 20-21/12/2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Phát triển Xã hội và Gia đình Singapore, Ban Thư ký ASEAN, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) tổ chức Hội thảo khu vực về Xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong môi trường mạng và tại trường học với hình thức trực tuyến...
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà kết nối với Hội thảo thông qua hình thức trực tuyến 
Tham dự, có Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, ông Ekkaphab Phanthavong, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC), đại diện Ủy ban Thúc đẩy quyền của phụ nữ và Trẻ em trong ASEAN (ACWC) của các nước thành viên ASEAN, đại diện của cơ quan chuyên ngành ASEAN trong các lĩnh vực phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế, thông tin và truyền thông, Ban Thư ký ASEAN. Các cơ quan chuyên ngành liên quan của ASEAN, các tổ chức quốc tế và các đối tác khác của ASEAN. Đại diện của các Bộ, ngành, hội, hiệp hội và các tổ chức quốc tế có liên quan.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án do Việt Nam đồng chủ trì với Singapore và Bru-nây Đa-rút-xa-lam trong Kế hoạch công tác của The ASEAN Commission on the Promotion and Protection of the Rights of Women (ACWC) giai đoạn 2021-2025. Hội thảo nhằm mục tiêu đưa ra tổng quan về tình hình và tác động của bắt nạt trẻ em trong ASEAN; chia sẻ điển hình tốt của các nước thành viên ASEAN về các biện pháp phòng chống và ứng phó với bắt nạt trẻ em trên môi trường mạng và tại trường học. Đồng thời, Hội thảo cũng nhằm giới thiệu Tuyên bố về Xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 vào tháng 10/2021 và thảo luận về khuyến nghị về xây dựng Lộ trình thực hiện Tuyên bố này.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: “Là thành viên của Công ước về Quyền Trẻ em, tất cả các nước ASEAN đều rất quan tâm đến sự phát triển toàn diện của trẻ và bảo vệ trẻ. Trong những năm vừa qua, ASEAN đã nỗ lực đẩy mạnh các cam kết thực hiện Tuyên bố về Xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực đối với trẻ em cũng như các kế hoạch hành động liên quan. Với sự gia tăng sử dụng internet của trẻ em trong bối cảnh phát triển của kỷ nguyên số, công nghệ 4.0, Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo ASEAN về bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến năm 2019 cũng đã nhấn mạnh thêm nữa cam kết của khu vực đối với Công ước về Quyền Trẻ em và Chương trình nghị sự của Liên Hợp quốc về Phát triển bền vững đến 2030. Nhận biết được nguy cơ ngày càng tăng của việc trẻ em bị bắt nạt tại trường và trên mạng, các quốc gia ASEAN đã tiến hành những nỗ lực đáng kể nhằm cải thiện tình hình. Tôi được biết rằng, đến năm 2020, sáu quốc gia trong khu vực đã xây dựng các kế hoạch bảo vệ trẻ em trực tuyến; hai quốc gia đã triển khai các chương trình an toàn mạng tại trường học; ba quốc gia đang lồng ghép chủ đề này vào chương trình học tại trường và hầu hết các quốc gia đã áp dụng ít nhất một vài khung khổ và quy trình góp phần phòng ngừa bạo lực và bắt nạt trực tuyến đối với trẻ”.
Ngoài ra, Thứ Trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đánh giá cao những nỗ lực của các nước thành viên ASEAN trong việc bảo vệ và đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ em, đặc biệt các thành viên Ủy ban Bảo vệ và Thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN đã cùng với các nước đồng chủ trì Tuyên bố bao gồm Singapore, Việt Nam và Bru-nây Đa-rút-xa-lam xây dựng và hoàn thiện Tuyên bố và hy vọng ACWC sẽ tiếp tục không mệt mỏi thúc đẩy những hành động của mình để hiện thực hoá được cam kết đã được Cấp cao ASEAN thông qua. Thứ trưởng cũng đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của UNICEF, UNESCO, các đối tác phát triển, các nhà tài trợ cũng như các cơ quan chuyên ngành của ASEAN, các tổ chức phi Chính phủ và dân sự đã dành sự hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật và tài chính cho các hoạt động về thúc đẩy quyền của trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt tại trường và trên môi trường mạng nói riêng.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được cập nhật tổng quan về tình hình và tác động của bắt nạt trực tuyến và trực tiếp đối với trẻ em trong ASEAN, đặc biệt là các nhóm trẻ em dễ bị tổn thương nhất. Đồng thời, Hội thảo cũng đã chia sẻ và trao đổi về các nguyên tắc và xu hướng mới trong việc phòng chống và ứng phó với bắt nạt trẻ em trong khu vực ASEAN nói riêng và trên thế giới nói chung, trong trường học và trên môi trường mạng, cụ thể là các điển hình tốt về giải quyết bắt nạt trẻ em trong khu vực ASEAN nói riêng và trên thế giới nói chung.
Tiếp theo Chương trình, vào ngày 21/12/2021, các đại biểu tham dự sẽ thảo luận đồng thời xây dựng lộ trình thực hiện Tuyên bố về Xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN. Tuyên bố là sáng kiến do Việt Nam đồng chủ trì với Singapore và Bru-nây Đa-rút-xa-lam trong khuôn khổ Kế hoạch công tác của ACVC giai đoạn 2021-2025, tập trung vào các biện pháp thích hợp để thúc đẩy và bảo vệ trẻ em ASEAN khỏi tất cả các hình thức bắt nạt, đảm bảo rằng những lợi ích và quyền của trẻ em được duy trì và thực hiện Tuyên bố đã được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 vào tháng 10 năm 2021./.
Lê Minh
TAG:
Tin khác
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công
Thái Nguyên: Phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa
Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần, phân biệt đối xử với trẻ em và trẻ em khuyết tật