Hội thảo khoa học quốc tế: "Định hướng phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam: vai trò của pháp luật – đào tạo - thực tiễn"
(LĐXH)- Ngày 23/3/2018, tại thành phố Huế, nằm trong chương trình Kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam (25/3), Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) chủ trì, phối hợp với Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động – TBXH) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Định hướng phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam: vai trò của pháp luật – đào tạo - thực tiễn".
Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà giáo dục, nhà thực hành công tác xã hội trong nước, quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi các giải pháp và sáng kiến nhằm xây dựng một "tam giác" vững chắc để thúc đẩy Nghề Công tác xã hội phù hợp với bối cảnh Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế.
Quanh cảnh hội thảoTham dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và CTXH Việt Nam; PGS. TS. Hoàng Văn Hiển, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế); TS. Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội; TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội; TS. Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và CTXH Việt Nam; GS. Allen Miller, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp South Carolina (Hoa Kỳ); GS. Pual Duongtran (Asia Health Research New York); GS. Tan Ngoh Tiong (Trường Đại học Khoa học xã hội Singapore); lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Lao động – TBXH; các chuyên gia, các nhà giáo dục, các nhà hoạt động thực tiễn trong và ngoài nước; đại diện Tổ chức UNICEF tại Việt Nam; lãnh đạo một số Sở, ban, ngành tỉnh Thừa Thiên - Huế; lãnh đạo Sở Lao động – TBXH thành phố Đà Nẵng và Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) cùng nhiều chuyên gia, nhà giáo dục trong nước và quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và CTXH Việt Nam phát biểu tại Hội thảo Với mục đích tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận những đóng góp của người làm công tác xã hội, góp phần đảm bảo thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân, ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25/3 hằng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam. Đây cũng là dịp để nhìn nhận, đánh giá và cùng chung sức phát triển công tác xã hội ngày càng tốt hơn.
Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội Tô Đức phát biểu tại hội thảoHội thảo với 3 tiểu ban: hành lang pháp lý phát triển nghề công tác xã hội; đào tạo và tiêu chuẩn công tác xã hội; mô hình dịch vụ bảo trợ xã hội đã thu hút đông đảo các nhà khoa học, quản lý với 40 báo cáo về kết quả nghiên cứu xoay quanh 3 chủ đề trên. Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà giáo dục, các nhà hoạt động thực tiễn trong và ngoài nước (như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore) quan tâm đến lĩnh vực công tác xã hội sẽ trình bày và thảo luận các kết quả lý thuyết cũng như thực tiễn của mình với các đồng nghiệp; cùng chia sẻ những quan điểm, kinh nghiệm về những vấn đề liên quan tới cơ sở pháp lý cho sự ra đời Luật Công tác xã hội; trao đổi, thống nhất chương trình đối với các cấp đào tạo cũng như các mô hình hoạt động công tác xã hội có hiệu quả. Qua đó, góp phần giải đáp những câu hỏi lớn mà ngành công tác xã hội học vẫn đang đối diện, cũng như để thúc đẩy sự phát triển của nghề công tác xã hội phù hợp với đặc điểm chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội của Việt Nam cho hiện tại và tương lai.
Trao quà lưu niệm cho các chuyên gia đến từ nước ngoàiTheo thống kê, ở nước ta hiện nay, số người cần tiếp cận, sử dụng các dịch vụ CTXH chiếm khoảng 25% dân số, trong đó có khoảng trên 10 triệu người cao tuổi, 7,6 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hàng triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, 8,23% hộ nghèo, 5,41% hộ cận nghèo, khoảng 2,783 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, khoảng 254 nghìn người nhiễm HIV được phát hiện, hơn 210 nghìn người nghiện ma tuý, khoảng 30.000 nạn nhân bị bạo lực, bạo hành trong gia đình; ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố. Đồng thời thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa dẫn đến khoảng 1,8 lượt triệu hộ thiếu đói.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệmTheo Cục Bảo trợ Xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta”, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật chăm lo đời sống các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Trên thế giới, CTXH đã có quá trình phát triển hơn 100 năm. Công tác xã hội chuyên nghiệp đã tồn tại ở nhiều quốc gia. Tính đến nay, có khoảng 140 quốc gia là thành viên của Hiệp hội Cán bộ xã hội Quốc tế; khoảng 100 quốc gia tham gia Hiệp hội đào tạo công tác xã hội thế giới. CTXH hướng đến trợ giúp cho các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng yếu thế như người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người già, nạn nhân của bạo hành và tệ nạn xã hội... phát triển khả năng và sử dụng các nguồn lực riêng của họ và của cộng đồng, xã hội để giải quyết vấn đề khó khăn của mình. Ở Việt Nam, tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp. Trong đó, nhiều hoạt động là “manh nha” làm cơ sở cho phát triển CTXH, nhiều hoạt động về bản chất là CTXH như trợ giúp, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi, khuyết tật, những người gặp hoàn cảnh khó khăn…
Giáo sư Allen Miller (Hoa Kỳ) phát biểu tại hội thảoĐối với miền Trung Việt Nam, trong đó có tỉnh Thừa Thiên – Huế là địa bàn có nhiều cộng đồng dân tộc anh em sinh sống, là một khu vực chậm phát triển so với các vùng miền khác của đất nước. Ở đây, đất đai không phì nhiêu, khí hậu khá khắc nghiệt, thiên tai như bão lũ, hạn hán thường xuyên đe dọa và lại là địa phương chịu hậu quả nặng nề của các cuộc chiến tranh khốc liệt nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân gặp nhiều khó khăn; trình độ nhận thức và năng lực làm chủ cuộc sống của nhiều bộ phận dân cư chưa cao. Để có thể giảm thiểu tới mức cao nhất những rủi ro, mất mát và thiệt thòi và để tăng cường nhận thức, hiểu biết, các cộng đồng dân cư ở miền Trung nói chung rất cần có một đội ngũ công tác xã hội có năng lực chuyên môn, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp để tư vấn cho người dân trong việc kiểm tra, giám sát các chính sách xã hội; định hướng đúng các hành vi xã hội cũng như tư vấn cho cộng đồng vượt lên chính mình để xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống trong phát triển bền vững.
TS. Nguyễn Hải Hữu tham luận tại hội thảoNgay trong buổi sáng cùng ngày, nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế đã có những tham luận, chia sẻ kinh nghiệm về: Chiến lược thúc đẩy sự phát triển công tác xã hội chuyên nghiệp ở Singapore và Châu Á; kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Luật Công tác xã hội và khuyến nghị cho Việt Nam; kiến thức, thực hành và tiêu chuẩn trong đào tạo công tác xã hội; xây dựng chương trình đào tạo công tác xã hội trong lĩnh vực sức khỏe và trường học ở Việt Nam…
Riêng đối với tỉnh Thừa Thiên – Huế, có chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị về phương pháp tiếp cận công tác xã hội, quan điểm coi công tác xã hội là hoạt động nhân đạo trên cơ sở tình thương, tinh thần thiện nguyện và phụ thuộc quá nhiều vào các chính sách bảo trợ xã hội cần phải được thay đổi; phải thật sự công nhận công tác xã hội là một ngành khoa học và một nghề chuyên nghiệp nhằm bảo đảm thực hiện quyền của những nhười yếu thế thông qua việc cung cấp hiệu quả những dịch vụ công tác xã hội. Sự công nhận của luật pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp về lĩnh vực công tác xã hội và hơn thế nữa nên đẩy nhanh tiên độ việc xây dựng Luật Công tác xã hội, ban hành sớm để thúc đẩy quá trình phát triển nghề công tác xã hội toàn diện và có hiệu quả hơn...
Hà Giang