Hội thảo "Đề xuất mô hình đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên"
(LĐXH) – Ngày 24/2, tại Hà Nội, Trường Đại học Trường Đại học Lao động – Xã hội tổ chức Hội thảo khoa học “Đề xuất mô hình đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”. Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đại diện tại các địa phương trao đổi những kinh nghiệm đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp. Qua đó, rút ra được những thông tin, cơ sở hữu ích trong công tác đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp để áp dụng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Đến dự và chỉ đạo hội TS. Lục Mạnh Hiển, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Lao động – Xã hội; TS. Nguyễn Xuân Cử - Trưởng khoa Giáo dục Đại Cương; TS. Vũ Hồng Phong – Trưởng Bộ môn Quản trị nhân sự, Khoa Quản lý nguồn nhân lực. Cùng tham dự hội thảo gồm có các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, giảng viên, học viên trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, sáng kiến, giải pháp đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp nói chung và trên địa bàn tỉnh Hưng Yên nói riêng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lục Mạnh Hiển - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Lao động - Xã hội cho biết: “Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đang ngày càng phát triển đòi hỏi cần nhiều diện tích đất nông nghiệp, từ đó khu vực canh tác bị thu hẹp khiến số lao động bình quân/một diện tích cach tác tăng lên. Từ đó, dẫn đến trường hợp dư thừa lực lao động nông nghiệp, lực lượng dư thừa này sẽ phải chuyển đổi sang nghề khác hoặc chuyển đổi sang lĩnh vực công nghiệp. Trong khi đó, tỷ lệ chuyển đổi lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp còn rất thấp nên .Tình trạng này thường gặp ở các địa phương có tốc độ phát triển đô thị hóa cao trong đó có tỉnh Hưng Yên. Từ thực trạng nêu trên, hội thảo sẽ đưa ra những giải pháp, nhiệm vụ trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, hướng tới phát triển bền vững”.
Theo số liệu báo cáo năm 2021, tỉnh Hưng Yên đã đạt được một số thành tựu trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, nhiều lĩnh vực vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, trong lĩnh vực lao động, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh là một trong những bài toán cần phải giải quyết ngay để hướng tới phát triển bền vững. Năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của Hưng Yên là 2,67% cao nhất trong giai đoạn từ 2010-2020. Số liệu trên cho thấy, công tác giải quyết việc làm cho người lao động thất nghiệp cần phải có những giải pháp mang tính đặc thù phù hợp với văn hóa, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Minh Quân
TAG:
mô hình đào tạo nghề