Doanh nghiệp
Trang chủ / Kinh tế / Doanh nghiệp
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại tháng 3/2023: Thảo luận biện pháp tối ưu hoá hoạt động thương mại với thị trường toàn cầu
11:09 PM 31/03/2023
(LĐXH)- Ngày 31/3/2023, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2023 dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và fanpage Facebook Cục Xúc tiến thương mại.
Hội nghị thu hút trên 400 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Hội nghị tập trung thảo luận các nội dung tổng kết tình hình xuất khẩu, xúc tiến thương mại của Việt Nam trong quý I/2023 và bàn thảo các biện pháp tối ưu hoá hoạt động thương mại với thị trường toàn cầu trong thời gian sắp tới.
Chương trình Hội nghị bao gồm 2 phiên chính: Phiên 1 cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; một số quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu dành cho các đại diện: Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan; Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga kiêm nhiệm Kazakhstan, Armenia, Azerbaijan, Gruzia và Liên minh kinh tế Á-Âu; Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ; Thương vụ Việt Nam tại Mexico (kiêm nhiệm Guatemala, Honduras, El Salvador, Belize); Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc); Đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu (Trung Quốc); Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ; Thương vụ Việt Nam tại Australia (kiêm nhiệm Vanuatu, Quần đảo Marshall, Micronesia, Quần đảo Solomon); Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi. Phiên 2 thảo luận về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa với thị trường Trung Quốc của các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp dành cho đại diện các Hiệp hội (Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam).
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị
Ngoài việc cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp những giải pháp, nhất là các điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản.. ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thị trường truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. 
Theo Bộ Công thương, 3 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, kinh tế Mỹ và EU dự báo tăng trưởng dưới 1% và không loại trừ khả năng suy thoái. Các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển phục hồi khó khăn hơn, tăng trưởng giảm. Lạm phát vẫn còn ở mức cao tại nhiều quốc gia khiến xu hướng thắt chặt tiền tệ - lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục trong nửa đầu năm 2023. Giá năng lượng vẫn có thể biến động do xung đột tại Ukraina và sự phục hồi khá mạnh của nền kinh tế Trung Quốc. 
Ở trong nước, do tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn và sự gia tăng bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu dẫn tới sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Cán cân thương mại được dự báo tiếp tục cải thiện, tuy nhiên xuất khẩu sẽ đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác. Nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát xu hướng tăng ảnh hưởng đến hồi phục và phát triển kinh tế.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước và giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 28,92 tỷ USD, tăng 24,4% so với tháng trước và giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 23,6 tỷ USD.
Quang cảnh Hội nghị
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 3/2023 ước tính xuất siêu 0,65 tỷ USD. Tính chung quý I năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,9 tỷ USD).
Dự báo tình hình quốc tế thời gian tới vẫn còn diễn biến phức tạp. Các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu; Một số quốc gia dự định áp đặt thêm các quy định cho hàng hóa nhập khẩu như thu phí cacbon, yêu cầu về hàm lượng tái chế đối với hàng nhập khẩu…; Các chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ trong thời gian tới…
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát tình hình quốc tế và trong nước, dự báo được tình hình từ cuối năm 2022 và đã thực hiện nhiều giải pháp như: Tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; Kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua các kênh xúc tiến thương mại, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; Hỗ trợ thông tin ở từng thị trường xuất khẩu, duy trì thị trường truyền thống; Tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới; Triển khai nhiều hoạt động và các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, kết nối tiêu thụ sản phẩm…
TheoTrong số các hoạt động để hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đã tổ chức định kỳ Hội nghị giao ban với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài kể từ tháng 7/2022.
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2023, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ:
Thứ nhất, đánh giá tình hình, nguyên nhân nhất là nguyên nhân chủ quan để tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng xuất khẩu khó khăn như hiện nay, lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu ít nhất bằng năm 2022.
Thứ hai, Thương vụ tập trung dự báo tình hình tinh tế nước sở tại, từ đó đưa ra phản ứng chính sách cần có để tham mưu cho Bộ, Chính phủ đảm bảo lợi ích của quốc gia, doanh nghiệp.
Thứ ba, đề xuất chủ trương chính sách giải pháp từ phía Chính phủ, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và người sản xuất để tận dụng tốt nhất các hiệp định thương mại tự do, nhất là hiệp định thế hệ mới góp phần thúc đẩy xuất khẩu và sản xuất trong nước./.
Thảo Lan

 

TAG: giao ban xúc tiến thương mại hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2023
Tin khác
‘Chuyên cơ mặt đất’ Toyota Alphard tăng giá 140 triệu đồng
Microsoft chi 80 tỉ USD để phát triển AI
Một số đường bay từ Hà Nội, TP HCM đi miền Trung dịp Tết đã kín chỗ
'Bão' giảm giá mừng Việt Nam vô địch ASEAN Cup 2024
2024: Thu nhập bình quân đầu người đạt 114 triệu đồng
Loạt doanh nghiệp thưởng lớn đội tuyển Việt Nam vô địch ASEAN Cup
Chốt ngày 6/1 giao dịch lô trái phiếu 3.000 tỉ của Vietjet
2024: Hà Nội đạt 2,16 tỉ USD vốn FDI, kinh tế tăng trưởng ổn định
Ô tô hybrid ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam