Hội Cựu chiến binh huyện Phù Yên năng động phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả
(LĐXH)-Những năm qua, hội viên Hội Cựu chiến binh huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu, tự lực tự cường, tích cực lao động, sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho gia đình và xây dựng quê hương giàu mạnh.
Hội CCB huyện Phù Yên hiện có hơn 5.400 hội viên, sinh hoạt ở 202 chi hội. Xác định tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN, bảo vệ nhân dân và khối đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, vì vậy, Ban Chấp hành Hội CCB huyện Phù Yên thường xuyên quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, khóa XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Với tinh thần trách nhiệm cao, Hội tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các đoàn thể chính trị-xã hội tham gia giải quyết các điểm nóng về trật tự an toàn xã hội, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Dù ở cương vị công tác nào, cán bộ, hội viên CCB Phù Yên cũng nhiệt tình trách nhiệm, đoàn kết, gương mẫu, chủ động trong triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở địa phương, được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao, nhân dân tin tưởng. Hằng năm, Hội đã vận động cán bộ, hội viên ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, tham gia xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn huyện, tiếp tục triển khai tốt phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”; tổ chức cho cán bộ hội viên đi tham quan học hỏi kinh nghiệm các mô hình kinh tế ở các địa phương khác, như mô hình nuôi cá lồng, nuôi thỏ; trồng cây ăn quả; trồng và chăm sóc bảo vệ rừng...
Hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tạo điều kiện cho các hội viên được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, Hội chỉ đạo các cơ sở hội thường xuyên bám sát cơ sở, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của hội viên chi hội để có hướng đi mới trong việc xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế, Hội CCB đã nhận ủy thác với Phòng Ngân hàng CSXH huyện cho hơn 3.000 hộ vay vốn với tổng dư nợ hơn 118,1 tỷ đồng để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ, chuyển đổi ngành nghề.
Cùng với đó, hội viên các cấp Hội đã tự nguyện đóng góp xây dựng quỹ được hơn 3 tỷ đồng, cho hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để phát triển kinh tế gia đình.
Đến nay, Hội CCB huyện duy trì 181 mô hình kinh tế do CCB làm chủ, như mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn và gia cầm; mô hình nuôi cá lồng; trồng cây ăn quả có múi. Chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng 5,7 ha rau màu tại chi hội bản Lềm, xã Huy Tân; chăm sóc bảo vệ rừng 500 ha tại xã Huy Hạ, Mường Do; 2 mô hình hợp xã trồng cam Mường Thải và Mường Tấc, Huy Hạ....
Từ các mô hình kinh tế này, các hội viên CCB đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, xuất hiện nhiều mô hình có thu nhập cao hàng trăm triệu đồng/năm. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên ngày càng được nâng lên.
Trồng cỏ voi VA06 để chăn nuôi đại gia súc được những CCB huyện Phù Yên lựa chọn là hướng đi thiết thực
Ông Trịnh Công Thức ở bản Tường Ban, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên là một cựu chiến binh tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại địa phương. Thông qua những chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, ông nhận thấy mô hình nuôi hươu sao lấy nhung đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, ông quyết định tìm tòi, học hỏi và đầu tư mua hươu giống về nuôi.
Gia đình ông bắt đầu mua 3 con hươu giống về nuôi từ năm 2006, hiện nay đàn hươu phát triển được 20 con. Hươu ăn ít, mỗi con ăn khoảng 7 kg cỏ/ngày, dễ chăm sóc, ít bị bệnh. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho hươu, gia đình ông trồng vài nghìn mét vuông cỏ. Hiện nay, nhung hươu không đủ bán ra thị trường nên nuôi hươu mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Ông Trịnh Công Thức cũng đầu tư hơn 100 triệu đồng để xây dựng chuồng nuôi nhốt và quây rào khu vực chăn nuôi rộng trên 1.000 m2. Cùng với đó, gia đình ông phát triển, duy trì nuôi 30 con lợn, mỗi năm xuất bản 2 lứa. Từ việc nuôi hươu, nuôi lợn, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng trên 250 triệu đồng/năm, đời sống của gia đình ông ngày càng được nâng cao. Không chỉ làm kinh tế giỏi, là hội viên Hội Cựu chiến binh, ông Thức còn luôn nhiệt tình trong mọi hoạt động của Hội, sẵn sàng giúp đỡ về kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm, chăn nuôi cho những hội viên và người có nhu cầu.
Bên cạnh đó, hoạt động tình nghĩa cũng là một trong những kết quả nổi bật của Hội CCB huyện Phù Yên. Hội đã phát động phong trào "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" cho hội viên CCB nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống. Từ năm 2019 đến nay, Hội đã huy động các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng với nguồn đóng góp của các hội viên được gần 470 triệu đồng xóa 13 nhà tạm, nhà dột nát cho hội viên.
Có thể thấy, khi trở về với cuộc sống đời thường, những CCB trên địa bàn huyện Phù Yên luôn giữ vững phẩm chất tốt đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ, tiếp tục gương mẫu trên “trận tuyến mới”, trở thành những tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, góp phần làm giàu cho gia đình, quê hương./.
Nhật Minh