Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Hội Cựu chiến binh Bộ Tư pháp về miền Trung thăm chiến trường xưa, dâng hương các anh hùng liệt sỹ
11:24 AM 27/11/2023
(LĐXH) - Từ ngày 24-26/11, Đoàn công tác Hội Cựu chiến binh cơ quan Bộ Tư pháp đã thực hiện chương trình về lại chiến trường xưa và thăm viếng các di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sỹ tại miền Trung.

Đoàn do Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ Bộ Tư pháp Nguyễn Kim Tinh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cơ quan Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Bốn dẫn đầu cùng các thành viên.

Đầu giờ chiều 24/11, Đoàn công tác Hội Cựu chiến binh cơ quan Bộ Tư pháp đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh).

Đoàn công tác Hội Cựu chiến binh cơ quan Bộ Tư pháp viếng các anh hùng liệt sỹ tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc

Tại Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ TNXP toàn quốc Ngã ba Đồng Lộc, Đoàn đã thành kính dâng hương, hoa tưởng nhớ đến công ơn của 4.000 TNXP toàn quốc được ghi danh tại đây. Các anh hùng liệt sỹ là hiện thân của lực lượng “vai trăm cân, chân vạn dặm”, không tiếc tuổi xuân và máu xương vì độc lập tự do của dân tộc.

Sau hoạt động tưởng niệm tại Nhà bia, Đoàn đã di chuyển về Khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sỹ TNXP Ngã ba Đồng Lộc – những cô gái bất tử với Tổ quốc, non sông. Họ bất tử bởi là một phần của nơi này, một phần của những trang sử chói lọi của dân tộc Việt. Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Kim Tinh dâng hương tại khu mộ 10 cô gái TNXP tại Ngã Ba Đồng Lộc

Những năm chống Mỹ cứu nước, đây là “yết hầu” quan trọng nhất trên con đường Trường Sơn huyền thoại, mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Cách đây 54 năm, 10 nữ Tiểu đội Võ Thị Tần thuộc C552, Tổng đội TNXP 55 đã anh dũng hy sinh trong lúc đào lấp hố bom thông đường.

Trước những ngôi mộ thiêng, Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Kim Tinh đã dâng lên các chị những đóa cúc trắng tinh khôi, những nén hương thơm ngát. Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc đã cùng với những chàng trai, cô gái dựng lên tượng đài chiến thắng bất tử, vĩ đại không chỉ cho vùng đất Hà Tĩnh mà cho cả dân tộc Việt Nam.

Mỗi lần đến Ngã ba Đồng Lộc là một lần cảm xúc thiêng liêng của các thành viên trong Đoàn công tác lại dậy lên nguyên vẹn như lần đầu. Cảm xúc ngưỡng vọng với những đồng đội, đồng chí…

Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong mỗi thành viên Hội Cựu chiến binh Bộ Tư pháp tin rằng, hình ảnh về sự hy sinh anh dũng của 10 nữ liệt sĩ cùng lực lượng TNXP và quân đội, công an, cán bộ giao thông... ở ngã ba Đồng Lộc vẫn mãi trường tồn, bất tử, trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng Việt Nam.

Đoàn dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

Chiều 24/11, tiếp tục hành trình Thăm lại chiến trường xưa tại miền Trung, vượt thời tiết mưa lạnh của dải đất “khúc ruột” thương mến, Đoàn công tác của Hội Cựu chiến binh cơ quan Bộ Tư pháp đã đến dâng hương, dâng hoa tại Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ở Vũng Chùa – Đảo Yến, huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình).

Rời Ngã ba Đồng Lộc điểm đến tiếp theo trong hành trình của Đoàn là Vũng Chùa. Thay cho tiết trời mưa lạnh ở những nơi Đoàn công tác đã đi qua, cuối giờ chiều, nắng vàng nhẹ bỗng nhuộm óng cả một vùng trời khiến khung cảnh nơi đất thiêng Vũng Chùa – Đảo Yến càng đẹp đến kỳ diệu. 

Trời rộng quang mây, biển Vũng Chùa bao đời nay vẫn thế… Nước từ đại dương xanh ngắt hắt từng con sóng nhỏ yên bình nhè nhẹ nối nhau vào bờ, nắng nhẹ vàng tỏa ấm lên Khu mộ Vị tướng huyền thoại - Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đoàn dâng hương tưởng niệm tại khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông Nguyễn Kim Tinh dẫn đầu Đoàn công tác bước từng bậc dốc lên nơi anh linh Đại tướng yên nghỉ để dâng lẵng hoa quả trang trọng, những nén hương thành kính nghiêng mình. Buổi dâng hương, dâng hoa của Đoàn đã diễn ra ấm áp như thế, như chính tấm lòng ngưỡng vọng của tập thể Hội Cựu chiến binh cơ quan Bộ Tư pháp trước anh linh người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.

Thông tin từ các nhân viên chăm sóc khu vực mộ cho biết, thời gian này đón bình quân 1.500 lượt khách đến dâng hương, thăm viếng mỗi ngày. Riêng dịp lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, có hơn 10.000 lượt khách đến viếng mộ người.

Trong cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trường kỳ thần thánh của dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn. Đặc biệt, tên tuổi người gắn liền với chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và Hồ Chí Minh (1975) - những bước ngoặt chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc Việt.

Sau khi trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Thủ đô Hà Nội vào đầu tháng 10/2013, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở về với đất mẹ Quảng Bình thương yêu - nơi chôn nhau cắt rốn - một cuộc trở về, cuối cùng và mãi mãi...

Tiếp đó, ngày 25/11, Đoàn công tác của Hội Cựu chiến binh cơ quan Bộ Tư pháp tiếp tục về thăm viếng các nghĩa trang liệt sỹ và di tích lịch sử tại mảnh “đất lửa” Quảng Trị anh hùng.

Điểm đến đầu tiên tại Quảng Trị là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Tháng 7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Sông Bến Hải nằm dọc theo vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến tạm thời giữa hai miền Nam – Bắc, để chờ đến tháng 7/1956 tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Quân ta thực hiện đúng theo Hiệp định, đâu đó khắc dấu bên cầu Hiền Lương là những phút bịn rịn chia tay ngày tập kết. Ai ngờ đâu, lời ước hẹn hai năm đoàn tụ bỗng phải đằng đẵng... Để dòng Bến Hải dùng dằng bên nhớ, bên thương oằn mình chịu bom đạn quân thù.
Đoàn công tác của Hội Cựu chiến binh cơ quan Bộ Tư pháp dâng hoa tại Thành cổ Quảng Trị
Những biến cố do sự phá hoại của các thế lực thù địch đã khiến chúng ta phải mất 21 năm sau (1975), đánh đổi bao xương máu của chiến sĩ, đồng bào đã đổ xuống mới giành lại thống nhất đất nước.
Cầu Hiền Lương gánh trên vai suốt cả một chặng sử dài oanh liệt. Khúc sông vỏn vẹn hơn 100m. Cầu bắc qua giới tuyến dài 178m với 894 tấm ván và chỉ mất vài phút bộ hành mà cả dân tộc ta ròng rã mấy ngàn ngày đấu tranh mới nối được đôi bờ.
Chia tay cột cờ giới tuyến Hiền Lương lịch sử, Đoàn công tác đã ngược vào thị xã Quảng Trị để thăm viếng Thành cổ - nằm dung dị bên dòng sông Thạch Hãn êm đềm. Thành cổ ban đầu được đắp bằng đất. Đến năm 1827, vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cơ quan Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Bốn dâng hoa trên Đài tưởng niệm Thành cổ.
Nhưng nhắc nhớ Thành cổ Quảng Trị một cách dội vang hơn cả là trận chiến 81 ngày đêm giữa lực lượng của quân dân ta với quân Mỹ - ngụy Việt Nam Cộng hòa. Sau 81 ngày đêm mùa hè rực lửa 1972, Mỹ ngụy đã trút xuống mảnh đất thị xã Quảng Trị nhỏ bé này 328.000 tấn bom, đạn (bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản 1945). Để giữ từng tấc đất thiêng Thành cổ, hàng ngàn chiến sĩ của ta đã ngã xuống, hầu hết đang trong độ tuổi đôi mươi - đẹp nhất đời.
Một nhà báo thời chiến lúc ấy đã viết rằng: “Mỗi m2 đất mà các chiến sĩ ta giành được ở Thành cổ là 1m2 máu”. Thành cổ cháy, mùa hè cháy, đất cháy, người cháy… Hơn 80% chiến sĩ của ta đã ngã xuống do sức ép của bom đạn quân thù.
Các anh nằm xuống, máu xương hòa lẫn vào nhau, thấm lên từng nắm đất. Bởi vậy, các công trình của Thành cổ không thể phục dựng lại được. Nơi đây được xây thành một khu di tích tưởng niệm và tri ân. Đài tưởng niệm trung tâm Thành cổ được mô hình hoá thành nấm mộ chung cho các anh…
Khi Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ Bộ Tư pháp Nguyễn Kim Tinh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cơ quan Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Bốn dẫn đầu Đoàn công tác vào dâng nén tâm hương trên Đài tưởng niệm, kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các anh hùng liệt sỹ. Giọng đọc trầm vọng của hướng dẫn viên vang lên từ phía sau 2 câu thơ của nhà thơ, nhà báo Lê Bá Dương - cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại Quảng Trị khi mới 15 tuổi 49 ngày:
"Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm"
Thành cổ bây giờ là một nghĩa trang đặc biệt, chỉ có một nấm mồ chung. Và nơi đây, được xem là cội nguồn của những bước chân hành hương, ngược dòng lịch sử.
Rời Thành cổ vào buổi xế trưa, Đoàn công tác tri ân của Hội Cựu chiến binh cơ quan Bộ Tư pháp lại xuôi ra Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia (NTLSQG) Đường 9. Nghĩa trang này nằm trên dải đất cao nơi phía Tây TP Đông Hà. Đây là một trong 2 nghĩa trang lớn nhất cả nước, là nơi yên nghỉ của hơn 10.800 liệt sỹ, các anh các chị hy sinh chủ yếu trên các chiến trường Tây Trường Sơn Quảng Trị và Đường 9 – Nam Lào.
Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ Bộ Tư pháp Nguyễn Kim Tinh và Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cơ quan Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Bốn thỉnh chuông Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9 
Tiếp theo, Đoàn công tác hành trình đến NTLSQG Trường Sơn tọa lạc trên vùng một đồi núi đẹp ở xã Linh Trường, huyện Gio Linh.
Đoàn công tác dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia đường 9
Đây là chốn yên nghỉ của 10.333 anh hùng liệt sỹ trong 10 khu vực chính với tổng diện tích mộ rộng 23.000m2. Hầu hết trong số họ là những chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng và ngã xuống trên tuyến đường huyền thoại Trường Sơn Đông - đường chiến lược huyết mạch giải phóng miền Nam.
Đoàn công tác dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn.
Không riêng tháng 7 tri ân, mà thời gian nào cũng thế, NTLSQG Trường Sơn luôn có đông người đến thăm viếng. 
Sau khi dâng hương, dâng hoa tại Tượng đài trung tâm, Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ Bộ Tư pháp Nguyễn Kim Tinh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cơ quan Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Bốn và các thành viên trong đoàn đã tỏa đi dâng lên những nén hương thơm tận các mộ phần.
Đoàn công tác dâng hương và thắp hương tại các mộ phần tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn
Hải Việt
TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương