An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổng kết hoạt động năm 2019
04:33 PM 06/12/2019
(LĐXH) - Ngày 6/12/2019, tại Hà Nội, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động Hội năm 2019, đánh giá 7 năm công tác dạy nghề cho người khuyết tật và kết quả thực hiện Đề án 1019.
Ông Lương Phan Cừ, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam báo cáo tại tại ội nghị
Tham dự Hội nghị, có Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Lương Phan Cừ, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam; đại diện các bộ, ngành liên quan, các Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi một số tỉnh, thành phố.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Lương Phan Cừ, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết: Thực hiện nhiệm vụ năm 2019 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, song được sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương, Trung ương Hội cũng như các Hội thành viên ở địa phương đã chủ động khắc phục khó khăn, tận dụng các điều kiện thuận lợi, tích cực đổi mới hoạt động kết nối, vận động để tổ chức trợ giúp đối tượng. Năm 2019, tổng nguồn lực cả nước do Hội chủ trì, vận động (bằng tiền và hiện vật quy tiền) đạt hơn 624 tỷ đồng (năm 2018 là 591 tỷ đồng). Trong đó, vận động nguồn trong nước chiếm 80%, vận động nguồn nước ngoài chiếm 20%. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với các đơn vị khác thực hiện các hoạt động trợ giúp đối tượng với tổng trị giá hơn 40 tỷ đồng. Cũng trong năm 2019, ngân sách Nhà nước chi hỗ trợ cho Trung ương Hội và các tổ chức thành viên là 42 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,7% so với tổng quỹ Hội vận động được, trong đó hỗ trợ chi quản lý hành chính là 30 tỷ đồng, thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao là 8 tỷ đồng, hoạt động khác là 4 tỷ đồng.

Các đại biểu tham dự hội nghị
Với nguồn quỹ vận động được, Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã tiếp tục triển khai thực hiện 6 chương trình trọng tâm của Hội và tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp khác cho hơn 3,8 triệu lượt NKT, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo và các đối tượng khó khăn, yếu thế khác với giá trị là 570 tỷ đồng, bao gồm các hoạt động trợ giúp về y tế cho hơn 258.000 lượt người với tổng số tiền trị giá tỷ 88 đồng như: Phẫu thuật mắt thay thủy tinh thể; Phẫu thuật chỉnh hình PHCN; Mổ tim; Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; Hỗ trợ mua thẻ BHYT. Trợ giúp về phương tiện đi lại như duy trì chương trình xe lăn kịp thời giúp đối tượng cải thiện “đôi chân”, có điều kiện sinh hoạt tốt hơn. Trợ giúp cải thiện sinh hoạt khác thông qua việc xây mới, sửa chữa 1.100 nhà tình thương, nhà đại đoàn kết với số tiền 45 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 1200 đường tiếp cận tại nhà ở của NKT và tại trụ sở UBND, trạm xá, nhà văn hóa,... thôn, xã; hỗ trợ xây dựng 152 công trình vệ sinh; hỗ trợ cải thiện 94 hệ thống nước sinh hoạt; trợ cấp thường xuyên cho 25.300 người với tổng số tiền 15,6 tỷ đồng (ngoài trợ cấp của Nhà nước)...; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 408.000 lượt người, với tổng số tiền chi là 129 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ sinh kế, góp phần giúp đối tượng nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững. Theo đó, năm 2019, Hội đã hỗ trợ cho 2.200 lượt người hưởng lợi với tổng số tiền 18 tỷ đồng, trong đó tổ chức đào tạo nghề cho 1.200 NKT, khoảng 70% được tạo việc làm, có thu nhập sau học nghề, với tổng kinh phí 8,6 tỷ đồng; hỗ trợ vốn để làm kinh tế cho 700 người, trị giá 4,7 tỷ đồng; hỗ trợ vật nuôi cho 378 hộ gia đình, trị giá 5,1 tỷ đồng.

Hội luôn tập trung thực hiện 6 chương trình trọng tâm, góp phần trợ giúp các đối tượng vươn lên
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV (nhiệm kỳ 2012 - 2017) và Nghị quyết Đại hội lần thứ V (nhiệm kỳ 2017 - 2022), Trung ương Hội và các tổ chức hội thành viên luôn xác định dạy nghề, tạo việc làm cho NKT là một trong 06 chương trình trọng tâm của Hội. Sau 7 năm triển khai thực hiện, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Các cấp Hội đã tập trung rà soát nắm bắt lại toàn bộ các cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT, các cở sở dạy nghề, tạo việc làm cho NKT, các Hội NKT, các câu lạc bộ và các mô hình sinh hoạt của NKT tại địa phương; trực tiếp thăm, làm việc, trao đổi với họ, thông qua đó tổ chức phổ biến chính sách của Nhà nước về dạy nghề nói chung, dạy nghề cho người khuyết tật nói riêng, vận động họ tham gia chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Nắm bắt nhu cầu, khả năng thực hiện của các cơ sở để xác định kế hoạch phấn đấu trợ giúp của Hội. Phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức cho người khuyết tật đăng ký nhu cầu, xây dựng kế hoạch mở lớp, xây dựng đơn giá chi phí đào tạo cho từng nghề, từng lớp học trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo chính sách của nhà nước; tổ chức cho người khuyết tật tham gia các hội chợ việc làm, sàn giao dịch việc làm, nhiều nơi đã tổ chức được các gian trưng bày sản phẩm và giao dịch dành riêng cho người khuyết tật.

Đại diện Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng chia sẻ tại hội nghị

Hàng năm, Trung ương Hội đã phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương tổ chức từ 2 - 3 lớp tập huấn cho khoảng từ 200 - 300 cán bộ Hội, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật và cho hàng trăm người khuyết tật về chính sách, chế độ, các phương thức dạy nghề đang được thực hiện ở địa phương nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Hội, khả năng tiếp cận chính sách của các cơ sở và cung cấp thông tin, tư vấn cho người khuyết tật.
Giai đoạn 2012 - 2015, Trung ương Hội được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ và kinh phí triển khai thí điểm xây dựng, hoàn thiện và mở rộng mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho NKT tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Chương trình mục tiêu Quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2010 - 2015. Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội đã thực hiện hàng chục mô hình thí điểm đặt hàng dạy nghề cho NKT khá hiệu quả, gắn với thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020; Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2020 để tận dụng và phát huy nguồn lực từ ngân sách Nhà nước. Từ năm 2013 - 2019, các cấp Hội đã tổ chức dạy nghề cho 15.545 người khuyết tật, kinh phí 65.7 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 52.56 tỷ đồng (80%); nguồn ủng hộ, giúp đỡ trực tiếp của tổ chức, cá nhân 13.14 tỷ đồng (20%). Bình quân chung, tỷ lệ có việc làm sau học nghề của người khuyết tật đạt khoảng 70 - 80%. Riêng năm 2015, năm cuối cùng TƯ Hội được hỗ trợ kinh phí từ chương trình, với 4,8 tỷ đồng hỗ trợ từ ngân sách cùng với 411 triệu đồng vận động được, Trung ương Hội đã tổ chức 51 lớp dạy nghề cho 931 người khuyết tật, sau khi học xong, 843/931 người có việc làm ngay đạt trên 90%.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, kết quả công tác dạy nghề, tạo việc làm chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Hội, tỷ lệ người khuyết tật được học nghề, có việc làm mới chỉ đạt khoảng 40% so với số người khuyết tật có nhu cầu học nghề và việc làm. Tính ổn định, bền vững của việc làm thấp do phụ thuộc nhiều yếu tố thị trường bởi phần lớn là các nghề thủ công; gia công; thu nhập thấp, chỉ giao động từ 1 - 3 triệu đồng/tháng. Năm 2020 và những năm tiếp theo dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động bảo trợ của Hội đối với người khuyết tật vì dạy nghề, việc làm đối với người khuyết tật là giải pháp cơ bản nhất, bền vững nhất và quyết định nhất giúp người khuyết tật thực hiện được quyền bình đẳng của mình, sống độc lập và hòa nhập cộng đồng.
Trong thời gian tới, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như: Triển khai tổ chức chương trình “Một trái tim - một thế giới” ở Trung ương Hội và các hoạt động tương tự ở địa phương nhằm tuyên truyền, vận động ủng hộ, xây dựng quỹ Hội để tổ chức trợ giúp cho NKT, trẻ mồ vôi và người yếu thế khác; Tập trung sức huy động, vận động nguồn lực để triển khai 6 chương trình trợ giúp trọng tâm, đảm bảo bằng hoặc cao hơn năm 2019; Tập huấn nâng cao năng lực, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT, xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp dạy nghề, tạo việc làm tại cộng đồng cho NKT.

Hồng Phượng
TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà Tết Ất Tỵ đối tượng chính sách khó khăn huyện Lý Nhân
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Dành những điều tốt nhất đối với người có công bằng trách nhiệm tri ân
Hoa quả Phương Toản tặng bánh chưng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2025
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người