An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội, hướng tới bảo đảm an sinh xã hội
03:21 PM 27/01/2023
(LĐXH) - Bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Hơn 2 năm đại dịch COVID-19 cũng như trong trạng thái bình thường mới hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu kịp thời với Đảng, Chính phủ ban hành nhiều quyết sách quan trọng, mang tính đột phá, kịp thời góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho hàng chục triệu người dân…
 Chính sách trợ giúp xã hội luôn được bổ sung, đổi mới
Chính sách trợ giúp xã hội tại Việt Nam trong những năm qua không ngừng được bổ sung và sửa đổi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước, từng bước tiếp cận xu hướng phát triển trợ giúp xã hội của thế giới. Hệ thống các chính sách pháp luật cơ bản thể chế hóa được quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về trợ giúp xã hội; tạo môi trường thuận lợi để giải quyết chính sách đối với người dân theo hướng công khai, dân chủ và phân cấp mạnh đối với địa phương, cơ sở; đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc tiếp tục mở rộng đối tượng, nâng cao mức sống, tiến tới bao phủ toàn bộ các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Các chính sách trợ giúp xã hội được thiết kế hướng vào mục tiêu bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng theo vòng đời từ độ tuổi ấu thơ đến người cao tuổi  nhằm phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro của con người trong suốt cuộc đời, từng bước đáp ứng các nhu cầu cơ bản của đối tượng về thu nhập, nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, hướng nghiệp, dạy nghề, đảm bảo tốt hơn các quyền của đối tượng thụ hưởng chính sách. Trong đó, đã chú trọng vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ hộ nghèo về bảo hiểm y tế, sản xuất, tiền điện; hỗ trợ dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số. Hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý trợ giúp xã hội ở Trung ương, địa phương, cơ sở được kiện toàn có sự phân công, phân cấp rõ ràng, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ hơn, cộng đồng trách nhiệm trong ban hành chính sách, hướng dẫn, bố trí nguồn lực, kiểm tra, giám sát.
Thực hiện Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ,  đến nay cả nước đã thành lập được 425 cơ sở trợ giúp xã hội (195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập). Trong đó, có 46 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 73 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, 149 cơ sở chăm sóc trẻ em, 102 cơ sở tổng hợp, 32 cơ sở chăm sóc người tâm thần và 23 trung tâm công tác xã hội. Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã cung cấp dịch vụ cho người lớn và trẻ em khuyết tật và tâm thần chiếm tỷ lệ lớn 46,5%, số đối tượng là trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi chiếm một tỷ lệ tương đối 19,3%, người già cô đơn chiếm tỷ lệ 10,3%, trẻ em và người lớn nhiễm HIV/AIDS chiếm tỷ lệ 1,4%.
Hàng năm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương bảo đảm nguồn lực chủ động cứu trợ kịp thời cho người dân, chủ động rà soát, thống kê tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của mưa, bão, thiên tai... Giai đoạn 2021 - 2022, Chính phủ đã hỗ trợ 182.900 tấn gạo cứu đói cho gần 12,194 triệu lượt nhân khẩu (năm 2021 đã hỗ trợ 158.137 tấn cho 10.542.444 nhân khẩu, trong đó có 141.971,19 tấn gạo hỗ trợ gần 9,5 triệu người thiếu đói do dịch bệnh) và hàng nghìn tỷ đồng cho các địa phương khắc phục hậu quả do thiên tai, dành hàng trăm tỷ đồng chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn vào các dịp lễ, tết.
Hỗ trợ kịp thời người dân trong đại dịch COVID-19
Từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường lan rộng và bùng phát trên thế giới đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách chưa có tiền lệ nhằm hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tính từ năm 2021 đến nay, từ ngân sách Nhà nước và các quỹ bảo hiểm đã chi hơn 101 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho 68 triệu lượt người dân và gần 1,4 triệu lượt người sử dụng lao động chung sức vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
 Bên cạnh đó, Bộ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021, về việc quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội từ ngày 1/7/2021 lên 360.000 đồng/tháng, mở rộng cho một số nhóm đối tượng; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2021/NĐ-CP, ngày 7/12/2021, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng với mức điều chỉnh tăng thêm 7,4% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng cho người hưởng lương hưu thấp, người về hưu trước năm 1995……
Hoàn thiện, thực hiện có hiệu quả các chính sách trợ giúp xã hội
Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác trợ giúp xã hội ở nước ta vẫn còn đối diện với rất nhiều khó khăn và thách thức. Trước tiên, đó là khuôn khổ pháp lý về trợ giúp xã hội chưa hoàn thiện, phương pháp tiếp cận chính sách trợ giúp xã hội chưa theo kịp tình hình thực tiễn và xu hướng phát triển của thế giới trong quá trình hội nhập, mới chỉ tập trung vào khắc phục rủi ro cho nhóm người nghèo, yếu thế và dễ bị tổn thương, chưa chú trọng đến việc tăng cường khả năng phòng ngừa và ứng phó với rủi ro của người dân theo vòng đời. Độ bao phủ của trợ giúp xã hội còn hạn chế, mức trợ giúp xã hội còn thấp, chưa phù hợp với mức sống tối thiểu của người dân.
Việc xã hội hóa trợ giúp xã hội chưa được nhận thức phù hợp, chưa làm rõ vai trò của nhà nước trong quá trình xã hội hóa trợ giúp xã hội, thiếu chính sách, cơ chế khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin pháp luật về trợ giúp xã hội còn hạn chế; chưa vận động thành phong trào toàn dân thường xuyên tham gia hoạt động trợ giúp xã hội nên chưa phát huy được tối đa sức mạnh và huy động nguồn lực xã hội cùng Nhà nước thực hiện mục tiêu trợ giúp xã hội. Đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội còn thiếu về số lượng, nhất là cán bộ, nhân viên làm việc trực tiếp với đối t­ượng...
Để hoàn thiện các chính sách trợ giúp xã hội, tiến tới bảo đảm an sinh toàn dân trong mọi hoàn cảnh, hệ thống bảo trợ xã hội, trợ giúp xã hội trong giai đoạn tới cần tập trung triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách trợ giúp xã hội, nghiên cứu, xây dựng trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi năm 2009 theo hướng phát huy vai trò người cao tuổi là chính, tạo điều kiện để người cao tuổi còn khả năng lao động được tham gia làm việc; hỗ trợ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn và có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, gia đình, cộng đồng tham gia phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; mở rộng đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho người cao tuổi sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, hải đảo và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xây dựng dự án phát triển dịch vụ chăm sóc người cao tuổi chất lượng cao.
Hai, xây dựng quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đủ năng lực, quy mô, đáp ứng nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ về trợ giúp xã hội, chăm sóc, nuôi dưỡng cho đối tượng; điều trị, phục hồi chức năng cho người khuyết tật; nâng cao chất lượng, hiệu quả trợ giúp xã hội góp phần phòng ngừa người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nâng cao mức sống vật chất, tinh thần của đối tượng cần được trợ giúp và nâng cao sức khỏe nhân dân. Có chính sách huy động tổ chức, cá nhân góp vốn hợp tác, liên kết và được ưu tiên vay vốn tại các ngân hàng, quỹ đầu tư phát triển để đầu tư nâng cấp, mở rộng hoặc xây dựng cơ sở trợ giúp xã hội.
Ba, xây dựng trình Chính phủ Nghị định về Công tác xã hội, tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả thúc đẩy phát triển công tác xã hội chuyên nghiệp. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức và người lao động của các cơ sở trợ giúp xã hội đạt cơ cấu, định mức và tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định. Hình thành mô hình tham vấn và phát triển mạng lưới nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội tại các trường học, bệnh viện, hệ thống tư pháp; trong đó, tập trung phát triển các dịch vụ công tác xã hội đối với trẻ em, người khuyết tật, người già, giải quyết vấn đề nghèo đói và những vấn đề xã hội khác.
Bốn, cải cách quản lý nhà nước về trợ giúp xã hội, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách an sinh xã hội, hình thành mã số an sinh xã hội, quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội, số hóa hồ sơ; đảm bảo hạ tầng hệ thống; tập huấn, chuyển giao công nghệ cho người sử dụng các cấp từ trung ương đến địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, bao gồm chính sách trợ cấp xã hội, quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội và các chính sách có liên quan.
Thống kê, hiện nước ta có khoảng hơn 20% dân số cần sự trợ giúp xã hội, trong đó khoảng trên 12 triệu người cao tuổi, gần 7 triệu người khuyết tật, 7-8% dân số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 2 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, 234.000 người nhiễm HIV được phát hiện, khoảng 30.000 nạn nhân bị bạo lực, bạo hành trong gia đình. Ngoài ra, còn các đối tượng là phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị mua bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố cần được sự trợ giúp của nhà nước và xã hội./.

                                    TS. Nguyễn Văn Hồi

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội

 
TAG:
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa