Văn hóa
Trang chủ / Văn hóa - Thể thao / Văn hóa
Họa sĩ Thế Hùng: “Học vẽ - Đam mê quan trọng hơn năng khiếu"
12:57 PM 07/02/2021
(LĐXH) - Là người đa tài, học sâu, hiểu rộng, TS Mỹ học Thế Hùng không chỉ là nhà giáo, một họa sĩ được nhiều người sưu tập tranh, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà bình luận nghệ thuật. Ở ông luôn hội tụ lòng đam mê và tâm huyết với bất cứ công việc gì mà mình yêu thích. Nhân dịp đầu Xuân Tân Sửu, Phóng viên Tạp chí Lao động và Xã hội đã có buổi trò chuyện với TS Mỹ học Thế Hùng xung quanh những đam mê của ông, đặc biệt là việc truyền cảm hứng và dạy vẽ cho người yêu hội họa ở mọi lứa tuổi.
TS Mỹ học Thế Hùng trong triển lãm tranh của mình
- Xin chào TS Mỹ học Thế Hùng! Từng dạy ở 11 trường Đại học với tư cách là TS Mỹ học, dạy môn mỹ học cho các sinh viên, ông có thể nói về ý nghĩa của môn học cho những người còn chưa biết?
TS Mỹ học Thế Hùng: Môn Mỹ học giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống của con người. Nhà xã hội học Maslow (Người Mỹ) đã tạo ra một tháp Maslow hình tam giác đều, có 7 tầng, tầng đáy là tầng tồn tại (tầng sinh học). Tầng thứ 7 cao nhất là tầng thẩm mỹ (cái đẹp). Vậy thì đỉnh cao nhất là cái đẹp.
Giờ dạy của thầy Thế Hùng
Mỹ học là môn học nghiên cứu về cái đẹp hay còn gọi là “thẩm mỹ học”. Tại các trường đại học, hai môn Mỹ học và Nghệ thuật học nhằm giúp các em sinh viên hiểu thế nào là cái đẹp, đẹp trong cuộc sống, đẹp trong tự nhiên và đẹp trong nghệ thuật. Môn nghệ thuật học dạy các em biết 7 loại hình nghệ thuật: hội họa, âm nhạc, văn học, kiến trúc, điêu khắc, điện ảnh, sân khấu. Hơn 20 năm, tôi đã trang bị cho hàng vạn sinh viên về cái đẹp và giúp các em hiểu về nghệ thuật. Trong tháp Maslow thì đó là đỉnh cao nhất, tầng thứ 7, giúp cho các em hiểu được cái đẹp của thế giới. Đủ ăn rồi, cao nhất vẫn là thưởng thức cái đẹp nghệ thuật, thì đó là môn Mỹ học.
Nhà văn – Trung tướng Hữu Ước chia sẻ cách vẽ tranh với các học trò của thầy Thế Hùng
Bí quyết dạy vẽ
- Sau khi nghỉ hưu, ngoài những đam mê sáng tạo hội họa, làm thơ, viết sách, làm diễn giả, ông dồn hết “vốn liếng” sư phạm và hội họa vào việc dạy vẽ cho người yêu thích hội họa. Hầu hết học sinh đến học ông đều chưa biết chút gì về hội họa, độ tuổi dao động từ 4 -90 tuổi. Vậy ông gặp những khó khăn gì trong quá trình dạy vẽ?
TS Mỹ học Thế Hùng: 4 tuổi dạy vẽ kiểu 4 tuổi, 8 tuổi dạy khác với 15 tuổi, 30 tuổi dạy khác ngoài 80 tuổi… Tuổi nào tôi cũng dạy được, vấn đề là ở phương pháp dạy thế nào.
- Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về phương pháp dạy không?
TS Mỹ học Thế Hùng: Ví dụ: em chưa biết gì, vẽ tĩnh vật, lấy que đo phác hình, dạy đúng như bài bản của trường đại học mỹ thuật. Dạy kỹ năng vẽ cơ bản nhất để bạn ấy có thể áp dụng kiến thức được học để dạy lại bạn mình. Sau khi học cơ bản rồi thì các em vẽ theo bài giảng của ông. Vẽ chì tốt rồi thì chuyển sang màu. Nếu em nào vẽ tương đối tốt thì cho em thực hành vẽ sơn dầu trên toan. Đề tài có thể là vẽ tĩnh vật, phong cảnh hoặc chép tranh. Chép tranh là một cách tốt nhất. Các em được chép những bức tranh nổi tiếng thế giới hàng triệu đô của các danh họa. Khi các em được chép các tác phẩm hội họa đỉnh cao của thế giới, ví dụ như bức “Hoa Diên Vĩ” của Van Gogh thì các em tiến bộ rất nhanh. Đi tắt, học những người đỉnh cao thế giới; “Phải biết đi trên vai của những người khổng lồ”.
Các họa sĩ nhí bên tác phẩm của mình
Với các em nhỏ 4 tuổi chưa biết gì thì tôi phác hình cho các cháu tô màu. Ví dụ, lọ hoa thực tế màu đỏ thì tô màu đỏ để các cháu tập tô màu. Sau này, khi các cháu say mê, vẽ quen tay rồi thì mới tự phác và vẽ sau. 8 tuổi thì chỉ sau chục buổi các cháu vẽ ào ào, rất tốt.
Còn đối với cụ cao tuổi nhất – 90 tuổi ở lớp dạy vẽ của tôi – Nhà soạn nhạc Tạ Tường, chưa học vẽ bao giờ thì tôi lại có cách dạy hoàn toàn khác. Tôi phác cho cụ, sau đó cụ tô màu. Ví dụ: Cụ muốn vẽ bức tranh từ cảm hứng bài “Con thuyền không bến” của nhạc sĩ Đặng Thế Phong. Tôi phác giúp cụ con sông Thương, hai bên bờ là núi như thế nào, con thuyền không bến ở chỗ nào? Phác cho cụ vài đường cơ bản để cụ tô màu theo ý cụ, giúp cụ phấn khởi. Tuổi cụ rất cao, để cụ tự nghĩ, tự vẽ thì rất khó. Sau đó dạy cụ cách pha màu và cách tô. Cụ hoàn thành bức tranh thì rất phấn khởi, tôi tặng luôn cụ khung lắp đẹp thêm 50%, giúp cụ thêm phong phú đời sống tinh thần và vui vẻ. Đó là ý nghĩa lớn nhất của việc học vẽ.
Tóm lại, với phương pháp tốt, cứ sau 4 buổi, mỗi buổi 90 phút là người học vẽ có tranh mang về nhà. Khung có sẵn, tranh đẹp là các em được lồng tranh vào khung, thầy còn chuẩn bị sẵn dây thép để về nhà các em chỉ việc treo lên tường.
“Cụ trò”, Nhà soạn nhạc Tạ Tường – 90 tuổi bên tác phẩm “Con thuyền không bến” tưởng nhớ nhạc sĩ Đặng Thế Phong
Người truyền cảm hứng hội họa
- Đối tượng học trò rất đông, ở mọi lứa tuổi, giới tính, phải chăng ngoài việc truyền đạt phương pháp dạy vẽ, ông còn truyền đam mê, cảm hứng hội họa đến người học, cho dù họ không biết chút gì về hội họa nhưng vẫn khát khao được cầm cọ vẽ tranh để được ký tên mình vào tranh và treo tranh của chính mình?
TS Mỹ học Thế Hùng: Đúng như bạn nói. Điều quan trọng là phải tạo đam mê. Nếu học sinh đến lớp mà thầy chỉ dạy thôi, không có tranh, không tạo ra không gian nghệ thuật thì các em sẽ nhanh chán. Thực tế ở xưởng họa của tôi là một không gian đầy ắp nghệ thuật hội họa, tranh vẽ đa dạng về đề tài, chỗ nào cũng có tranh, mà là tranh chất lượng nghệ thuật cao. Trong lúc trò vẽ tranh cũng được nhìn thầy trực tiếp sáng tạo tranh, các em sẽ biết các kỹ thuật vẽ của thầy, cách thầy đưa nét cọ hoặc dùng dao “cutô”, các loại bút đặc dụng để tạo hiệu ứng trong tranh, điều này ảnh hưởng tích cực đến sự sáng tạo của các em.
PGS. TS Trịnh Hòa Bình bên tác phẩm của mình
Tôi nhớ hồi bé khi đi học vẽ, được trực tiếp nhìn thầy vẽ thì sướng lắm. Mình vẽ cho học sinh xem, cho học sinh được dùng những bút vẽ đặc biệt như con lăn, bút đuôi công, dao “cutô” để vẽ, bút vẽ tốt nhất hiện nay của Nhật, Mỹ… để các em vẽ Acrylic tốt nhất. Các em cũng không phải rửa bút, thầy có nhân viên rửa bút và lau nhà giúp các con. Em nào vẽ đẹp, thầy thưởng bằng cách dạy và cho chơi đàn Piano (vì thầy là nhạc sĩ sáng tác). Vào nhà thầy là các em được vào lâu đài nghệ thuật ngập tràn tranh, ảnh, đàn Piano. Các em được trực tiếp cảm nhận thầy lao động nghệ thuật nghiêm túc thì tự nhiên kích thích các em say mê vẽ.
“Cụ trò” Trần Văn Xuyên - 78 tuổi bên tác phẩm
- Cách truyền đạt của ông với học sinh có năng khiếu và không có năng khiếu thì phải có sự khác nhau?
TS Mỹ học Thế Hùng: Học sinh đến học thầy Hùng không cần năng khiếu, chỉ cần đam mê, thích vẽ là xong. Dù có năng khiếu nhưng không thích vẽ thì thầy cũng không nhận. Nếu trò kém thì tôi có rất nhiều phương pháp để truyền đạt, còn nếu trò không đam mê thì tôi dạy làm gì?
Học vẽ, năng khiếu (philo genetíc-gen nhân văn) rất cần nhưng đam mê, cần cù mới thành công. Thầy dạy bài bản từng bước, từ dễ đến khó, khó đến khó nữa.
Tác phẩm của họa sĩ nhí Hương Thảo đã có người trả tới 200 triệu mà không bán
- Xin cảm ơn ông! Chúc ông năm mới luôn mạnh khỏe và dồi dào bút lực sáng tạo!
* Từ một phóng viên nhiếp ảnh và viết bình luận nghệ thuật Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ Mỹ học, Họa sĩ Thế Hùng đã theo học và tốt nghiệp các Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Báo chí, Triết học, các khóa sáng tác của Hội Nhạc sĩ Việt Nam… Ông là Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam. Ông từng là giảng viên môn Mỹ học của 11 trường Đại học hàng đầu cả nước.
* Ông là diễn giả Mỹ học ứng dụng rất được hâm mộ với hơn 1.500 cuộc nói chuyện về cái đẹp và kỹ năng sống tại nhiều ban ngành, nhiều địa phương, nhiều đơn vị kinh tế.
* Ông đã thuyết trình 12 chuyên đề cho 1.500 đơn vị trên cả nước.
* TS Thế Hùng đã cho xuất bản hơn 22 cuốn sách về Mỹ học, Nghệ thuật học, Văn hóa học và kỹ năng sống cùng nhiều tập Thơ, Nhạc.
* 2 bài thơ của ông được in trong Hợp tuyển “Thơ tình bốn phương” của 562 tác giả với 829 bài được chọn lọc hơn 1000 năm toàn thế giới (NXB Trẻ).
* Tranh của ông được in trong “Tuyển tập Mỹ thuật Thủ đô Hà Nội Thế kỷ XX”.
* Hiện ông đang dạy vẽ cho người yêu thích hội họa ở mọi lứa tuổi tại nhà riêng (T9 – Tầng 7 – Phòng 6 – Times City)
* Ông dự định ra mắt Tuyển tập Thế Hùng 2 gồm 4 phần. Phần Nhạc: 60 ca khúc gồm các ca khúc của Thế Hùng và một số ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng phổ thơ Thế Hùng (chọn trong 150 bài); Phần 2: 100 bài thơ đã in trên các báo, tạp chí (chọn trong 500 bài). Phần 3: 45 bài bình luận nghệ thut đã đăng trên báo chí; Phần 4: 50 bức tranh.

Minh Anh (thực hiện)       
TAG:
Tin khác
NSND Việt Anh chính thức thừa nhận đang yêu bạn gái 9X
Vợ cũ lên tiếng lý do Hoài Lâm ngoại tình dẫn đến đổ vỡ hôn nhân
Diệp Lâm Anh: 'Đừng dùng bạo lực với ‘tiểu tam’'
‘Ngược dòng cuộc đời’ - Phim về shipper gây xôn xao
VTV Awards 2024: 'Độc đạo' thắng lớn
Ảnh hậu trường đẹp tựa ảnh cưới của Đen Vâu - Hoàng Thùy Linh
Vợ NSND Công Lý và những chuyện chưa kể khi chăm chồng bệnh
Triệu Lộ Tư lần đầu lên tiếng vì tin đồn trầm cảm, suy nhược cơ thể
Nhạc Việt 2024: Nở rộ loạt concert trăm tỉ và văn hóa thần tượng nghệ sĩ Việt