Văn hóa
Trang chủ / Văn hóa - Thể thao / Văn hóa
Hòa nhạc ‘Là con gái để tỏa sáng” vì mục đích bình đẳng giới
09:29 AM 18/11/2020
(LĐXH) Sáng ngày 17/11, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã phối hợp với Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam tổ chức họp báo công bố về chương trình hòa nhạc “Là con gái để tỏa sáng”. Đây là sáng kiến giữa Chính phủ Việt Nam và UNFPA để cùng chung tay chấm dứt phân biệt đối xử do định kiến giới; phòng, chống bạo lực gia đình; và bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam.
Tham dự buổi họp báo gồm có bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam; ông Honda Tetsuji, Nhạc trưởng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam cùng các phóng viên, biên tập viên tới từ nhiều đơn vị báo chí, truyền thông.
Từ trái sang: Ông Honna Tetsuji - Nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam; bà Naomi Kitahara -
Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam và bà Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam đã được cải thiện trong những thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên, bạo lực gia đình và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới những hành vị gây tổn hại đến phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang tiếp diễn tại Việt Nam.
Tình trạng lựa chọn giới tính dựa trên cơ sở định kiến giới có thể nhìn nhận trực tiếp qua “tỷ số giới tính khi sinh”. Tỷ số này của Việt Nam hiện cao thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tình trạng này được phát hiện lần đầu tại Việt Nam vào năm 2004, và từ năm 2005, tỷ số giới tính khi sinh đã gia tăng nhanh chóng. Đến năm 2019, theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ số này ở ngưỡng 111,5 bé trai được sinh ra so với 100 bé gái, trong khi tỷ số “tự nhiên” hoặc “bình thường” dao động khoảng 105-106 bé trai trên 100 bé gái.
Thông điệp chống bạo lực giới từ buổi hòa nhạc ‘Là con gái để tỏa sáng’ - Ảnh 2.
Bà Naomi Kitahara chia sẻ về việc xóa bỏ định kiến giới và lựa chọn giới tính khi sinh
Các bằng chứng cho thấy, nguyên nhân dẫn tới mất cân bằng nhân khẩu học là do tình trạng lựa chọn giới tính trước khi sinh. Báo cáo Tình trạng Dân số thế giới năm 2020 ước tính, mỗi năm Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái, tức 40.800 bé gái tại Việt Nam mỗi năm sẽ không có cơ hội chào đời chỉ vì mình là con gái. Thực trạng này cần phải được thay đổi, đó cũng là một trong những thông điệp chính của buổi hòa nhạc sắp tới.
Phát biểu tại buổi họp báo, bà Naomi Kitahara nhấn mạnh, "Buổi hoà nhạc hướng tới mục tiêu kết nối tất cả mọi người, kết nối phụ nữ và nam giới, kết nối các trẻ em gái và trẻ em trai và kết nối những người có hoàn cảnh văn hoá - xã hội khác nhau đến từ những vùng, miền ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Tư tưởng "trọng nam khinh nữ" cần phải thay đổi, và chúng ta cần nhấn mạnh việc đem lại giá trị bình đẳng cho các bé gái trong mọi hoàn cảnh. Vì mục đích này, buổi hoà nhạc sẽ có sự tham gia của giới trẻ Việt Nam, được trình chiếu và phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội để có thể tiếp cận tới mọi vùng miền ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.”
Thông điệp chống bạo lực giới từ buổi hòa nhạc ‘Là con gái để tỏa sáng’ - Ảnh 1.
Bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ về ý nghĩa của buổi Hòa nhạc trong việc thúc đẩy bình đẳng giới
Chia sẻ thêm về buổi hòa nhạc, bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, “Là con gái để tỏa sáng" là thông điệp chúng tôi muốn chuyển đến mọi người. Bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra nhiều ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa; không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới. Đại dịch Covid-19 diễn ra càng làm cho nạn bạo lực giới gia tăng, phần đông nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Mục đích của buổi hòa nhạc là nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, của các thành viên trong gia đình và toàn xã hội về vai trò, vị trí của người phụ nữ; xóa bỏ định kiến giới, bạo lực giới". Bà cũng cho biết trong tương lai, Bộ Thể thao, Văn hóa và Du lịch sẽ cùng tổ chức UNFPA tổ chức nhiều hơn nữa các sự kiện hòa nhạc, ca nhạc có tính chất phổ thông và gần gũi hơn nữa với các tầng lớp nhân dân khác nhau, giúp lan tỏa tốt hơn thông điệp về gỡ bỏ định kiến giới và đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn dành cho phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam.
Các đại biểu tham dự họp báo với slogan "Là con gái để tỏa sáng"
Tại buổi họp báo, Nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam Honna Tetsuji, cho biết, buổi hòa nhạc sẽ có sự góp mặt của ba nữ nghệ sĩ độc tấu trẻ xuất sắc và đầy triển vọng, cùng các tác phẩm nhạc kịch thể hiện sự bình đẳng nam nữ như "Romeo và Juliet" để hướng tới mục tiêu kết nối tất cả mọi người, kết nối phụ nữ và nam giới, kết nối các trẻ em gái và trẻ em trai, và kết nối những người có hoàn cảnh văn hóa - xã hội khác nhau đến từ nhiều vùng, miền khác nhau ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.
Hòa nhạc “Là con gái để tỏa sáng” diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 27-11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, với sự trình diễn của các nữ nghệ sĩ trẻ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.
Chương trình cũng sẽ phát sóng trực tiếp trên fanpage: https://www.facebook.com/unfpa.vietnam và kênh Youtube của UNFPA Việt Nam.
Minh Ngọc
TAG:
Tin khác
'Shogun' vượt 'Squid Game', giành 4 giải Quả Cầu Vàng 2024
FIFA đăng bài chúc mừng đội tuyển Việt Nam bằng tiếng Việt
Sao Việt vỡ òa khi Việt Nam vô địch AFF Cup 2024
Thiều Bảo Trâm chia tay bạn trai kém 10 tuổi
Sao Việt hậu 'dao kéo': Người thăng hạng, người gây tiếc nuối
NSND Việt Anh chính thức thừa nhận đang yêu bạn gái 9X
Vợ cũ lên tiếng lý do Hoài Lâm ngoại tình dẫn đến đổ vỡ hôn nhân
Diệp Lâm Anh: 'Đừng dùng bạo lực với ‘tiểu tam’'
‘Ngược dòng cuộc đời’ - Phim về shipper gây xôn xao