Hòa Bình: Thực hiện hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, góp phần giảm nghèo bền vững
(LĐXH)- Coi công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là một trong ba trụ cột để giảm nghèo bền vững, thời gian qua, tỉnh Hoà Bình đã triển khai thực hiện tốt các CTMTQG về lĩnh vực GDNN, giúp người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kỹ năng để có việc làm hoặc tự tạo việc làm ổn định, chủ động vươn lên thoát nghèo.
Công tác này phát triển cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ người nghèo, người dân sinh sống ở huyện, xã nghèo gắn kết chặt chẽ giữa học nghề với tạo việc làm, sinh kế bền vững nhằm tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Đới Văn Chinh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Hoà Bình cho biết: Giai đoạn 2021- 2025, CTMTQG giảm nghèo bền vững của tỉnh đã triển khai các dự án phát triển GDNN ở vùng khó khăn với đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người lao động trong độ tuổi có nhu cầu học nghề. Giai đoạn 2021 – 2023, tỉnh đã hỗ trợ về cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho 2 cơ sở GDNN với tổng kinh phí trên 32,4 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển 23 chương trình, học liệu với tổng kinh phí gần 620 triệu đồng. Mặt khác, tỉnh đã hỗ trợ phát triển mô hình gắn kết GDNN với doanh nghiệp, hợp tác xã thông qua tổ chức tham quan, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở GDNN; hỗ trợ đào tạo nghề cho 6.112 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo với tổng kinh phí trên 16,6 tỷ đồng. Hiện nay các cơ sở GDNN của tỉnh đã được đầu tư, nâng cấp về trang thiết bị, tăng cường đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo, các cơ chế, chính sách cho người học mở ra cơ hội học nghề, tạo việc làm cho nhiều đối tượng khác nhau. Tính đến tháng 6/2024, tỉnh đã giải ngân hơn 105,4 tỷ đồng để thực hiện Dự án Phát triển GDNN, việc làm bền vững.
Một buổi thực hành nghề hàn của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình
Cùng với đó, CTMTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng một số hạng mục công trình nhà xưởng, phòng học, ký túc xá và công trình phục vụ sinh hoạt, tập luyện cho người học; mua máy móc, trang thiết bị phục vụ đào tạo cho 11 đơn vị với tổng kinh phí gần 72,5 tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo nghề cho 13.865 người với kinh phí trên 38 tỷ đồng; tổ chức 106 cuộc tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề với kinh phí 1,7 tỷ đồng. CTMTQG xây dựng nông thôn mới hỗ trợ 10 cuộc điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo, việc làm với kinh phí 200 triệu đồng; hỗ trợ đào tạo cho 546 người với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững, huyện Lạc Sơn rất chú trọng công tác đào tạo nghề nông nghiệp (chăn nuôi gia súc, gia cầm, bảo vệ thực vật) và các nghề phục vụ chuyển đổi cơ cấu lao động như may công nghiệp, hướng dẫn du lịch, kỹ thuật nấu ăn.... Bên cạnh nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án của Nhà nước, huyện dành khoảng 400 triệu đồng từ nguồn ngân sách địa phương để mở các lớp dạy nghề cho người lao động (NLĐ) trên địa bàn huyện. Đồng chí Vũ Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Lạc Sơn cho biết: Tính riêng từ nguồn vốn CTMTQG giảm nghèo bền vững, Trung tâm đã mở 13 lớp dạy nghề, hoàn thành việc đào tạo và cấp chứng chỉ nghề ngắn hạn cho 425 học viên. Hầu hết NLĐ từng tham gia học nghề đã phát huy được nghề đã học và ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn sản xuất. Nhiều người sau khi học nghề đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất và từng bước vươn lên làm giàu.
Các chính sách hỗ trợ GDNN của Trung ương và địa phương được triển khai thực hiện song song trên địa bàn tỉnh đã đem lại hiệu quả tốt. Nhờ đó, NLĐ nói chung, con em người DTTS nói riêng ở Hoà Bình có điều kiện tham gia các lớp đào tạo nghề, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Nguồn vốn được cấp cho Dự án Phát triển GDNN, việc làm bền vững giai đoạn 2022- 2024 ở tỉnh là 172,1 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương phân bổ 164,6 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 7,5 tỷ đồng), dự kiến đến hết năm 2024, tỉnh sẽ hỗ trợ cho 165 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và tập huấn nâng cao năng lực cho 1.100 người là cán bộ, tuyên truyền viên cơ sở với kinh phí gần 1,7 tỷ đồng.
Theo Sở LĐ-TBXH Hòa Bình, hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 61%, tăng 0,4% so với kế hoạch được giao, trong đó, lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%, tăng 0,5% so với kế hoạch. NLĐ có việc làm sau đào tạo nghề đạt trên 80%, góp phần nâng cao thu nhập cho Nhân dân, giảm nghèo bền vững.
Hải Uyên
TAG: