Hòa Bình: Nỗ lực thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo
(LĐXH) - Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,5%-3% giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hòa Bình đã chú trọng thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản.
Báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hòa Bình về kết quả hực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 6,30% (tương đương 13.817 hộ), giảm vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 6,60%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025 là 33.036 hộ (tương đương 15,06%)... tính theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020,
Đặc biệt, đối với chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm xuất khẩu lao động, tỉnh đã hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường hoạt động tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. Kết quả trong năm 2021, các cơ sở trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyển sinh, đào tạo cho 15.000 người, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 57,5%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 23,1%. Toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 16.120 người lao động, đạt 101% kế hoạch năm, trong đó xuất khẩu lao động là 170 người. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm dưới 2,9%; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp giảm xuống 57%... Tiếp đó, thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, với các nguồn vận động tài trợ và Quỹ "Ngày vì người nghèo" năm 2021, tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ 341 hộ nghèo làm nhà mới và sửa chữa nhà với tổng kinh phí trên 11,7 tỷ đồng.
Mục tiêu hết năm 2022, Hòa Bình sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,5 – 3%, cụ thể, sẽ giảm từ 15,49% cuối năm 2021 xuống còn 12,99 - 12,49% cuối năm 2022… Trong đó, tập trung vào 6 dự án gồm: hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.
Những kết quả cho thấy, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh đã tích cực chỉ đạo công tác giảm nghèo, chú trọng lồng ghép các nguồn lực của các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và chính sách an sinh xã hội. Đặc biệt, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ và các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững đề ra. Trong đó, để phấn đấu không còn hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, có chính sách hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo tăng chất lượng cuộc sống.
trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong công tác giảm nghèo. Tiếp tục vận động các nguồn lực từ xã hội để thực hiện công tác giảm nghèo như các hình thức hỗ trợ từ Quỹ "Ngày vì người nghèo" và công tác an sinh xã hội. Ngoài ra, chủ động rà soát nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và triển khai cho vay kịp thời các nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến các đối tượng thụ hưởng theo quy định. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên nhất là sinh viên nghèo, sinh viên thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đảm bảo thành viên của hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu đi xuất khẩu lao động đều được vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội./.
Lưu Trí Phong
TIN LIÊN QUAN