Triển khai chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Tây Ninh đã phê duyệt 77 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp cho 614 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người khuyết tật không có sinh kế ổn định, với kinh phí hỗ trợ trên 13,18 tỷ đồng để mua sắm cây con giống, trang thiết bị phục vụ sản xuất cho các đối tượng. Đồng thời, tổ chức 6 phiên giao dịch việc làm, thu hút 37 doanh nghiệp và 2.016 lượt người tham dự; tổ chức 11 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Triển khai thu thập, cập nhật, tổng hợp thông tin về người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hỗ trợ việc làm bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2024 -2025.
Các chương trình tín dụng ưu đãi cũng đã được thực hiện mạnh mẽ nhằm giúp các hộ nghèo và hộ cận nghèo tiếp cận được nguồn vốn để phát triển kinh tế. Chính sách ưu đãi không hỗ trợ chỉ vốn cho các hộ gia đình trong công việc sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần giảm nguy cơ tái nghèo và tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế cá nhân.
Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ theo quy định của Trung ương, UBND tỉnh đã chủ động tham mưu HĐND Tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ hộ nghèo không khả năng thoát nghèo. Chính sách này, được phát triển khai từ đầu năm 2020 và kéo dài đến nay, đã hỗ trợ 2.404 lượt hộ với 2.978 lượt đối tượng, tổng kinh phí hơn 42.339 triệu đồng. Sự hỗ trợ này không chỉ đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo an sinh xã hội, giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình gặp khó khăn mà góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội.
Nhờ thực hiện tốt các chính sách "xoá đói, giảm nghèo", Tây Ninh đã trở thành địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp, đứng thứ 5 trên 63 tỉnh, thành phố. Việc triển khai các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội của tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn 2021-2024 không chỉ đáp ứng nhu cầu của các đối tượng yếu thế mà còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo sự phát triển bền vững. Địa phương đặt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; hạn chế và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Để triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, thời gian tới, Tây Ninh đề ra một số giải pháp trọng tâm như tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, toàn diện, phối hợp giữa các cấp ủy Đảng đối với công tác giảm nghèo; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của HĐND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội đối với các chính sách, dự án về thực hiện công tác giảm nghèo.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục chủ động, phối hợp các sở, ngành liên quan và các địa phương kịp thời hỗ trợ các chính sách của Trung ương và các chính sách đặc thù của tỉnh dành cho hộ nghèo, người nghèo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc thực hiện chủ trương giảm nghèo nhanh và bền vững.
Tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát toàn bộ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được phê duyệt và hỗ trợ, kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm nếu có theo quy định;
Tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024, đảm bảo tính chính xác theo nguyên tắc công khai, công bằng, dân chủ; kết quả rà soát phải phản ánh đúng thực tế tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đời sống của nhân dân; tránh tình trạng chạy theo chỉ tiêu, thành tích, phản ảnh sai lệch thực tế về tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc thoát nghèo…
Thục Quyên