Hỗ trợ sinh kế và tặng quà cho gần 5.500 lượt nạn nhân bom mìn
(LĐXH)- Trong 5 năm trở lại đây, tổng số nạn nhân bom mìn đã được hỗ trợ sinh kế và tặng quà là gần 5.500 người trên địa bàn 19 lượt tỉnh, thành phố, trong đó có 240 gia đình nạn nhân được hỗ trợ 1 con bò giống sinh sản…
Theo báo cáo của Trung ương Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, trong 5 năm qua, từ nguồn quỹ Hội và tài trợ của Quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong cả nước và đồng hành của Quỹ Hòa bình Mỹ Lai, nhóm từ thiện thành phố Hồ Chí Minh, Hội đã tiến hành 26 đợt hoạt động hỗ trợ sinh kế nạn nhân trên địa bàn 19 lượt tỉnh, thành phố, tập trung vào các tỉnh trọng điểm, ô nhiễm nặng bom mìn. Tổng số người đã được hỗ trợ sinh kế và tặng quà là gần 5.500 người, trong đó có 240 gia đình nạn nhân được hỗ trợ 1 con bò giống sinh sản; rriêng nạn nhân tỉnh Hà Giang được trao 93 con, Quảng Nam 80 con, Quảng Bình 35 con, Đà Nẵng 16 con... đến nay đàn bò tại các tỉnh đã phát triển thêm hàng chục bò con. Gần 5.000 người được hỗ trợ sinh kế và nhận quà tặng với các mức khác nhau tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể như: tặng nhà tình nghĩa (35 triệu đồng/nhà), hỗ trợ vốn kinh doanh, mua sắm công cụ sản xuất, sửa chữa nhà ở (mức hỗ trợ từ 5 - 12 triệu đồng/người).
Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Trung ương Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đánh giá: Trong những năm qua, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn được cộng đồng chung sức tạo thành những phong trào thiết thực, đó là tiền đề thuận lợi để Hội hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, do số lượng nạn nhân bị tai nạn bom mìn tại các địa phương rất lớn mà nguồn lực tài chính còn hạn chế, nên để bảo đảm việc sử dụng nguồn tài chính đạt hiệu quả cao, Hội luôn đề cao và thực hiện đúng nguyên tắc, đúng đối tượng, đúng nhu cầu và bền vững.
"Khi xác định danh sách nạn nhân cần hỗ trợ sau khi nhận được danh sách phối kiểm từ Sở Lao động - TBXH, Bộ Chỉ huy Quân sự tại địa phương, Trung ương Hội phối hợp chặt chẽ với các Chi hội cử cán bộ gặp trực tiếp đối tượng nhận hỗ trợ để khảo sát và điều tra về nhu cầu hỗ trợ sinh kế của nạn nhân. Nguyên tắc phải bảo đảm những nạn nhân được hỗ trợ là những người có hoàn cảnh khó khăn nhất tại địa phương và việc hỗ trợ sinh kế từ cây giống, con giống, nông cụ hay các công cụ sản xuất được hỗ trợ phải phự hợp nhất với hoàn cảnh, điều kiện của họ. Sau khi trao hỗ trợ sinh kế, Hội đã chỉ đạo các chi hội cử cán bộ có trình độ chuyên môn tương ứng và phối hợp với địa phương hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, sử dụng công cụ cho nạn nhân, hoặc vận hành các công cụ được hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả" - Chủ tịch Trung ương Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Nguyễn Đức Soát, thông tin.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội Hỗ trợ nạn nhân bom mìn Việt Nam, cho biết thêm: Mặc dù những năm gần đây, tai nạn do bom mìn có giảm nhờ diện tích ô nhiễm bom mìn được mở rộng cũng như công tác giáo dục, tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức phòng tránh. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm trên một diện tích lớn, địa hình phức tạp nên phải mất một thời gian dài cùng một lượng kinh phí lớn mới có thể khắc phục được hoàn toàn. Vì vậy, chúng ta rất cần những tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước tiếp tục cùng chung tay, góp sức khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam, trong đó có hoạt động trợ giúp nạn nhân bom mìn…
Chí Tâm
TAG: