Hỗ trợ mô hình sinh kế cho nạn nhân bom mìn ở Thanh Hóa
(LĐXH) - Nhằm hỗ trợ nạn nhân bom mìn vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống, thời gian qua, thực hiện Quyết định số 504/QĐ-TTg , trong năm 2021, Cục Bảo trợ xã hội đã phối hợp, hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện mô hình sinh kế trợ giúp nạn nhân bom mìn trên địa bàn tỉnh.
Trao hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn chăn nuôi dê
Cùng với đó, Cục đã tổ chức triển khai tập huấn hướng dẫn phần mềm xác định mức độ khuyết tật cho nạn nhân bom mìn, người khuyết tật; kiểm tra, giám sát thực hiện hỗ trợ nạn nhân bom mìn tại một số tỉnh, thành phố.
Thanh Hóa là một trong nhưng tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh. Theo khảo sát tại các địa phương, toàn tỉnh có trên 250 đối tượng bị ảnh hưởng bởi bom mìn. Để hỗ trợ các nạn nhân ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, tỉnh đã triển khai hiệu quả các hoạt động như: Khảo sát, trợ giúp xã hội, tập huấn và nâng cao năng lực nhận thức cộng đồng về phòng, chống tai nạn thương tích và khắc phục hậu quả bôm mìn sau chiến tranh. Qua đó, giúp các đối tượng tiếp cận với điều kiện chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học nghề tạo việc làm, phát triển chăn nuôi gia súc, từng bước phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình. Đồng thời, tổ chức tập huấn kỹ năng mềm cho các đối tượng, hình thành các câu lạc bộ và liên kết hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn; tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống tai nạn thương tích và khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Trong giai đoạn trước, tỉnh đã rà soát 107 đối tượng tại 74 xã, thị trấn thuộc 12 huyện gồm: Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Nông Cống, Cẩm Thủy, Như Thanh, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Nga Sơn, Thọ Xuân, Triệu Sơn và thị xã Bỉm Sơn được thụ hưởng từ mô hình. Hàng năm, các đối tượng nạn nhân bom mìn được đưa đến Khoa Phẫu thuật chỉnh hình và Phục hồi chức năng (Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh) để khám và phục hồi chức năng trong vòng 1 tháng. Quá trình phục hồi chức năng, các đối tượng được hỗ trợ về tiền ăn, tiền đi lại, tiền khám, điều trị, phục hồi chức năng và được bố trí nơi nghỉ. Một số nạn nhân trước khi đến trung tâm sức khỏe yếu, khó khăn về vận động, cầm nắm, lực cơ ở chân, tay yếu... được đội ngũ y, bác sĩ đón tiếp, thăm khám tận tình chu đáo, đưa ra phác đồ điều trị phục hồi chức năng phù hợp cho từng nạn nhân nên đa số đều có sự tiến triển tốt.
Bên cạnh điều trị phục hồi chức năng, Trung tâm Cung cấp cung cấp dịch vụ công tác xã hội đã ký kết với doanh nghiệp tư nhân sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cho người tàn tật Thiên Hằng (TP Thanh Hóa) dạy nghề: Đan bèo tây, bẹ chuối, nuôi ong mật, tạo việc làm cho NNBM. Sau khi được hỗ trợ dạy nghề, các đối tượng đều phát huy tốt nghề mà mình được học, từ đó giúp họ nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, ổn định kinh tế gia đình.
Mặt khác, căn cứ vào điều kiện và nhu cầu, nạn nhân bom mìn còn được lựa chọn để hỗ trợ sinh kế như: Chăn nuôi dê, trâu, bò, lợn, gà... Mức hỗ trợ sinh kế cho mỗi đối tượng là 7 triệu đồng. Hoạt động hỗ trợ này góp phần mang lại hiệu quả thiết thực cho các đối tượng, sản phẩm chăn nuôi đều mang lại lợi tức cho các gia đình. Nhờ đó, đời sống của họ được nâng lên rõ rệt.
Ví như gia đình ông Trần Văn Hưng, ở xã Yên Mỹ (Nông Cống) được hỗ trợ chăn nuôi lợn nái và nuôi gà. Với mức hỗ trợ trực tiếp 7 triệu đồng, cộng với số tiền dành dụm được, gia đình ông Hưng đã mua 1 lợn nái mẹ và 60 gà con. Mỗi năm gia đình ông xuất bán được từ 3-4 lứa lợn con, thu về trung bình 5 - 6 triệu đồng/lứa; số tiền từ bán trứng gà và bán gà thịt bình quân hàng tháng thu được từ 1,5 - 2 triệu đồng. Hay như gia đình anh Hà Văn Phương, ở xã Thanh Tân (Như Thanh) được hỗ trợ chăn nuôi dê. Ngoài việc dạy nghề và hỗ trợ sinh kế, Trung tâm đã trợ giúp, tư vấn kết nối và quản lý trường hợp cho 30 đối tượng là nạn nhân bom mìn trên địa bàn các huyện Tĩnh Gia, Thiệu Hóa, Thọ Xuân và Triệu Sơn. Hầu hết các nạn nhân được tiếp cận dịch vụ hỗ trợ tư vấn về chính sách bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe, tư vấn làm chân tay giả, học nghề, sinh kế... và gần 20 nạn nhân được tiếp cận với các nguồn lực hỗ trợ như được hỗ trợ sinh kế, phục hồi chức năng và học nghề, tạo việc làm.
Tuy nhiên, do đa số đối tượng nạn nhân bom mìn là người khuyết tật, độ tuổi cao và ở vùng nông thôn nên việc đánh giá nhu cầu, lựa chọn để hỗ trợ học nghề cho đối tượng hết sức khó khăn. Nhiều đối tượng sau khi kết nối để học nghề nhưng không đi được với lý do bệnh tật, điều kiện gia đình. Đối với các đối tượng được phục hồi chức năng đa phần là bị cụt tay, khoèo tay, các vết thương mảnh, co cứng khớp, chấn thương cột sống, mù mắt... do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhiều đối tượng không được thường xuyên chăm sóc sức khỏe nên khi đến trung tâm sức khỏe rất yếu, các vết thương bị co cứng nặng dẫn đến thực hiện phục hồi chức năng rất khó, cần một thời gian dài...
Để góp phần giúp đỡ nạn nhân bom mìn khắc phục khó khăn trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần có cuộc tổng điều tra rà soát nạn nhân bom mìn trên địa bàn toàn quốc để có kế hoạch, giải pháp thiết thực và dài hơi hơn trong việc hỗ trợ chế độ, chính sách cho các đối tượng, tránh trường hợp các đối tượng bị bỏ sót; tiếp tục hỗ trợ nhân rộng thí điểm mô hình. Đồng thời, tăng thêm các đối tượng, mức hỗ trợ kinh phí trong việc hỗ trợ các hoạt động thí điểm mô hình; tăng cường tập huấn kiến thức, kỹ năng công tác xã hội cho hội viên các tổ chức xã hội, hội đoàn thể liên quan để trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong công tác hỗ trợ và khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trên địa bàn toàn tỉnh./.
Hồng Phượng
TAG: