An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hiệu quả từ phát triển dịch vụ công tác xã hội ở thành phố Đà Nẵng
09:26 AM 16/11/2020
(LĐXH)- Hơn 10 năm qua kể từ khi thành lập, những cán bộ của Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động hiệu quả, triển khai nhiều mô hình giúp cho hàng trăm trẻ khuyết tật, nạn nhân bom mìn, trẻ bị xâm hại... được hỗ trợ.
CTXH là hoạt động mang tính chuyên nghiệp nhằm huy động mọi nguồn lực của người dân, của cả cộng đồng để giải quyết các vấn đề phát sinh, các mâu thuẫn, bất bình đẳng, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi và hạnh phúc của con người, vì tiến bộ, công bằng và phồn vinh của xã hội. Với điều kiện ở Việt Nam, CTXH càng có ý nghĩa to lớn, là một trong những nhân tố quyết định sự thành công trong việc bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững.
Hình ảnh tại điểm CTXH huyện Hòa Vang
Bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố Đà Nẵng cho rằng, CTXH không chỉ đơn thuần là việc huy động sự giúp đỡ vật chất, mà là sự chia sẻ và trao niềm tin; đồng thời, kết nối với chính sách an sinh của thành phố.
TP Đà Nẵng được cộng đồng các tổ chức quốc tế công nhận về sự cởi mở, chân thành, nhiệt huyết trong CTXH, chịu khó học hỏi kinh nghiệm quốc tế, những mô hình hay, những cách làm hiệu quả, góp phần mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân và nhất là các đối tượng yếu thế.
Hơn 200.000 người dân trong thành phố cần sử dụng các dịch vụ CTXH, đòi hỏi cần quan tâm đầu tư nhiều hơn từ việc xây dựng hành lang pháp lý, các chính sách trong công tác đào tạo, đầu tư nguồn nhân lực đến việc đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về nghề CTXH.
Gần đây, trên địa bàn thành phố nổi lên rất nhiều hoạt động từ thiện của những người có tấm lòng nhân ái biết yêu thương và sẻ chia... Tuy nhiên, hầu hết những hoạt động đó đều nhỏ lẻ, pha đợt và cần phải được hỗ trợ về phương pháp và cách thức để mang lại hiệu quả nhiều hơn... Bởi CTXH không chỉ đơn thuần là việc huy động sự giúp đỡ vật chất, mà là sự chia sẻ và trao niềm tin vào giá trị bản thân để tự lực vượt qua; đồng thời, kết nối với chính sách an sinh của thành phố.
Bà Trương Thị Như Hoa cho biết thêm: Là một đơn vị sự nghiệp công, Trung tâm vừa có vai trò là cơ quan tham mưu giúp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phát triển nghề CTXH, vừa là đơn vị cung cấp các dịch vụ CTXH cho trẻ em và người khuyết tật trên địa bàn. Trung tâm đã nỗ lực tham mưu Sở LĐTB&XH trong việc hình thành mạng lưới cộng tác viên là cán bộ trẻ em tại địa phương cùng tham gia, huy động sự vào cuộc của các cơ sở cung cấp dịch vụ, vận động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, phi chính phủ trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên trung tâm và mạng lưới; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, cũng như ý thức được trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ trẻ em và trợ giúp người khuyết tật.
Trung tâm là nơi được Bộ LĐTB&XH và tổ chức UNICEF đầu tư để nghiên cứu, ứng dụng và đề xuất các mô hình dịch vụ CTXH phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Điểm nhấn trong hoạt động là mô hình phường làm tốt CTXH với trẻ em được Trung tâm xây dựng và đề xuất UNICEF tài trợ thực hiện từ 2013 đến nay. Ngoài ra, mô hình Cơ sở phòng trị rối nhiễu tâm trí, hỗ trợ người bệnh tâm thần hòa nhập cộng đồng cũng đạt thành công bước đầu, được Cục Bảo trợ xã hội chọn làm thí điểm theo định hướng đề án 1215 của Chính phủ.
Với 2 mô hình “Sống độc lập cho trẻ chậm phát triển trí tuệ” và “3 trong 1 trong can thiệp phục hồi trẻ khuyết tật”, Trung tâm giúp cho trẻ em được cải thiện nhiều mặt, góp phần hòa nhập cộng đồng. Cuối cùng, kết quả của hành trình phát triển 10 năm qua là sự ra đời của Hội quán hạnh phúc.
Đến nay, vào mỗi thứ bảy hằng tuần, Hội quán hạnh phúc được tổ chức tại Trung tâm dành cho học sinh và phụ huynh. Đây là nơi kết nối yêu thương; nơi nhận chân giá trị gia đình và xã hội; nơi đánh thức những giá trị sống tốt đẹp tự thân; là cầu nối giữa người cho và người nhận; là cơ hội để lan tỏa tài năng và chia sẻ các giá trị sống hạnh phúc... Với mục tiêu cùng hành động vì chất lượng cuộc sống, Hội quán góp phần thực hiện sứ mệnh cao quý của CTXH - vì hạnh phúc cộng đồng.
Tuy nhiên, theo bà Trương Thị Như Hoa, khó khăn lớn nhất hiện nay của Trung tâm là nguồn nhân lực và hành lang pháp lý cho nghề CTXH đang phát triển ở Việt Nam. Hiện nay, đội ngũ nhân viên hợp đồng từ các chương trình, đề án... chưa thật sự ổn định. Đội ngũ cán bộ trẻ em, cán bộ của ngành lao động tại phường, xã cũng ngày càng tinh giảm và biến động thường xuyên nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng dịch vụ cung ứng. Về hành lang pháp lý, có thể thấy rõ hiện nay là chưa đủ căn cứ pháp lý cho nghề CTXH hoạt động.
Do đó, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng mong muốn được bố trí thêm nguồn nhân lực ổn định để hoạt động hiệu quả hơn. Thành phố cần đầu tư nâng cao năng lực, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng CTXH cho nhân viên của các tổ chức xã hội - họ chính là nhân viên CTXH bán chuyên nghiệp tại cộng đồng - là cầu nối để người dân được tiếp cận chính sách an sinh xã hội.
Chính phủ và Quốc hội cần sớm ban hành các văn bản pháp lý có hiệu lực cao tạo cơ hội cho nghề CTXH phát triển mạnh, đồng bộ và đều khắp ở tất cả các lĩnh vực liên quan, các ngành, chính quyền địa phương và dịch vụ cộng đồng phục vụ cho gia đình và người yếu thế trong xã hội./.
PV
TAG:
Tin khác
An Giang: Không còn hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng thuộc quy định giải quyết
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
An Giang chú trọng tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
Đẩy mạnh trợ giúp, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật