An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hiệu quả từ mô hình trồng cây dược liệu hữu cơ ở miền núi xứ Thanh
02:33 PM 27/08/2024
(LĐXH)- Tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, mô hình trồng cây dược liệu hữu cơ được đầu tư, đã cho thu hoạch với kết quả khả quan. Mô hình được Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo chủ trì, đặt hàng và giao Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (thuộc Liên minh HTX Việt Nam) phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa lựa chọn các xã trồng thí điểm.
Thời gian qua, hàng chục hộ dân nghèo, cận nghèo của 2 xã Thiết Ống và Lũng Cao (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) được hỗ trợ cây giống và vật tư sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học để trồng cây dược liệu.
Đây là những hộ dân tham gia dự án “Mô hình phát triển cây dược liệu hữu cơ trên địa bàn xã Thiết Ống và Lũng Cao huyện Bá Thước” do Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐTBXH) chủ trì, đặt hàng và giao Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (thuộc Liên minh HTX Việt Nam) phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa tổ chức thực hiện từ năm 2023.
Đề án kỳ vọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Đại diện Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, HTX dược liệu Pù Luông và người dân tại lễ bàn giao cây giống cho người dân xã Thiết Ống và Lũng Cao - huyện Bá Thước
Xã Thiết Ống – huyện Bá Thước có 4/19 thôn, phố thuộc thôn đặc biệt khó khăn, bằng 21,05% tổng số thôn, phố toàn xã. Đến thời điểm cuối năm 2023, các thôn đặc biệt khó khăn là thôn Sặng, Thành Công, thôn Cốc, Thiết Giang đã được cấp trên quan tâm đầu tư một số hạng mục như đường nông thôn, mương nước phục vụ tưới tiêu, cũng như một số hạng mục khác.
Mục tiêu giai đoạn 2023 – 2025, xã đề ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 5%/năm; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 8%/năm. Xã phấn đấu đến năm 2025 không còn thôn đặc biệt khó khăn, đạt 100% kế hoạch.
Ông Phạm Văn Mão - Chủ tịch UBND xã Thiết Ống nhấn mạnh: Để công tác giảm nghèo ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, thời gian tới xã tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng - chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ xã đến thôn, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban chỉ đạo giảm nghèo xã đến tận thôn, từ đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo đúng chỉ tiêu đã đặt ra; tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân nhận thức đúng về vai trò, trách nhiệm của công tác giảm nghèo để tạo ra sức mạnh tổng hợp cho công tác giảm nghèo.
Tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo như chính sách tín dụng cho hộ nghèo, mua bảo hiểm y tế, chính sách dạy nghề, chính sách hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, chính sách miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên... Cùng với đó, đẩy mạnh công tác quản lý và chỉ đạo lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư đúng đối tượng, đa dạng hoá việc huy động nguồn lực cho việc thực hiện mục tiêu của chương trình giảm nghèo; nhất là chủ động khai thác và sử dụng nguồn lực tại chỗ kết hợp với sự hỗ trợ của nhà nước, của các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội cá nhân và cộng đồng.
Đặc biệt, chủ trương phát triển cây dược liệu đã từng bước góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tăng giá trị sản xuất nông nghiệp tại Thiết Ống và nhiều xã khác của huyện Bá Thước. Nhờ đó, đồng bào vùng cao đã chuyển từ tập quán canh tác nhỏ lẻ, tự phát sang mô hình liên kết hợp tác sản xuất hàng hóa hiện đại, từ đó tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và có sức lan tỏa trong toàn xã, cũng như toàn huyện.
Ông Phạm Văn Mão chia sẻ, được thụ hưởng mô hình “Phát triển cây dược liệu hữu cơ trên địa bàn xã Thiết Ống và Lũng Cao, huyện Bá Thước”, những hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số ở hai xã được hỗ trợ phân bón, giống cây trồng, tập huấn kỹ thuật sản xuất để trồng các giống cây dược liệu, như: cà gai leo, xạ đen, ngải cứu, mật gấu...
Đây là động lực để giúp bà con chuyển đổi mô hình trồng trọt từ những cây truyền thống cho năng suất thấp, sang trồng cây có năng suất cao hơn, có sự gắn kết với thị trường tiêu thụ bền vững.
So với những cây trồng truyền thống, mô hình trồng cây dược liệu khá phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và trình độ sản xuất của người dân. Do đó, mô hình không chỉ bổ sung nguồn dược liệu cho y học, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn mở ra hướng sản xuất hàng hóa cho đồng bào các dân tộc địa phương. Điểm ưu việt của mô hình chính là những giống cây này được HTX dược liệu Pù Luông phát triển, cung cấp và hướng dẫn người dân địa phương trồng, chăm sóc cũng như bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch./.
Hồng Anh
TAG: trồng cây dược liệu
Tin khác
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật
Nữ doanh nhân Phượng Hồng Kông: Hỗ trợ người nghèo bằng trái tim nhân ái