Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Hiệu quả từ hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới trong đồng bào người Dao ở Lào Cai
12:22 PM 30/07/2019
(LĐXH) Câu chuyện bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc Dao ở xã Dần Thàng (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) với tư tưởng tiến bộ và cách làm hay trong tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, ổn định dân số… của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của xã là điển hình đáng để các địa phương học tập.
Nằm cách trung tâm huyện hơn 20 km, xã Dần Thàng có 90% đồng bào dân tộc Dao sinh sống tại 6 thôn, bản. Tới thăm gia đình anh Triệu Ồng Ton và chị Đặng Thị Sính, thôn Đoàn Kết. Đây là 1 trong 133 hộ sinh con một bề của xã. Gia đình anh Ton hiện có 2 cậu con trai, mặc dù cũng mong có cả trai và gái nhưng vợ chồng anh Ton vẫn quyết định không sinh thêm con nữa.
Anh Triệu Ồng Ton cho rằng: “Vợ chồng tôi không quan niệm là phải sinh con trai hay con gái. Chúng tôi cũng sinh đẻ hoàn toàn ngẫu nhiên”. Còn vợ anh, chị Đặng Thị Sính thì chia sẻ: “Thời buổi bây giờ, trai hay gái thì cũng chỉ đẻ 2 thôi nên tôi không đẻ nữa, vợ chồng tôi bảo nhau cố gắng làm để nuôi con ăn học thành tài”.
Cũng là hộ sinh con một bề, nhưng khác với gia đình anh Ton, gia đình anh Đặng Ồng Phấy, sinh năm 1992, ở cùng thôn lại có 2 cô con gái, đang ở độ tuổi mầm non. Gia đình anh Phấy thuộc diện hộ nghèo của xã với 5 người sống trong ngôi nhà gỗ tềnh toàng, tài sản lớn nhất là gần 100 bao thóc vừa gặt (khoảng 45 - 50 kg/bao), cũng là nguồn sống của gia đình trong cả năm.
Những bữa ăn cơm nguội với canh măng đã trở nên quen thuộc với bà cụ và con nhà anh Phấy. Dù cuộc sống khó khăn nhưng việc có một đứa cháu trai để sau này phụng dưỡng, chăm sóc lúc tuổi già là điều mà mẹ anh vẫn luôn mong muốn. Vì vậy, vợ anh đang mang thai đứa thứ 3. Anh Phấy tâm sự: “Theo phong tục, mình không có con trai thì sau này không có người thờ cúng. Với lại, nhiều người bảo toàn con gái tìm rể khó...”.
Cán bộ phụ nữ xã tuyên truyền về bình đẳng giới tại 
xã Dần Thàng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.
Gánh trên vai trách nhiệm chăm sóc mẹ già, vợ mang thai và 2 con nhỏ khiến người đàn ông này trông già hơn so với tuổi 26. Ngoài diện tích ruộng gieo được 25 kg lúa giống thì thu nhập của gia đình chỉ dựa vào ngày đi làm thuê “nay có, mai không” của hai vợ chồng.
Hiểu hơn ai hết vất vả của gia đình nghèo lại đông con, nên khi được cán bộ hội phụ nữ xã tuyên truyền, vận động, anh Phấy quyết định dù lần mang thai này, vợ anh sinh con trai hay con gái thì vợ chồng anh cũng sẽ không sinh thêm con nữa.
May mắn hơn gia đình anh Ton và anh Phấy, gia đình anh Triệu Tiến Hồng, thôn Đoàn Kết có 2 con (1 trai, 1 gái). Gia đình gồm 7 người với 4 thế hệ cùng sinh sống, nhưng nhờ có tư tưởng tiến bộ, tích lũy kiến thức, sau khi học hết phổ thông, anh Hồng đã quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Năm 2012, từ 60 triệu đồng vay Ngân hàng Chính sách xã hội và anh em, bạn bè, anh Hồng đã khởi nghiệp chăn nuôi gia súc, thủy sản, lợn bản địa, trồng rừng... trừ chi phí, mỗi năm đem về nguồn thu 80 triệu đồng. Anh Triệu Tiến Hồng cho biết: Theo truyền thống dân tộc Dao, người lập gia đình rồi nhất thiết phải có con trai để sống bên cạnh bố mẹ. Sau này bố mẹ già sẽ dựa vào con, nhưng tôi thì không như vậy. Con gái hay con trai đều là con. Tôi chỉ đẻ hai đứa để tập trung cho con ăn học, sao cho các con có tương lai tốt.
Đó là kết quả của việc được tuyên truyền, vận động của chính quyền xã, các ban ngành, đoàn thể trong việc quan tâm, tạo điều kiện để các gia đình đầu tư phát triển kinh tế, đồng thời thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, xây dựng gia đình văn hóa, kiểu mẫu.
Chị Triệu Thị Mủi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Dần Thàng cho biết: Mỗi kỳ tuyên truyền vận động chị em sinh đẻ có kế hoạch chúng tôi đều thành lập các câu lạc bộ tránh mất cân bằng giới tính khi sinh. Mỗi thôn thành lập một câu lạc bộ và có quy ước cho từng thôn.
Toàn xã Dần Thàng hiện có 385 hộ với 1.953 nhân khẩu. Mặc dù tư tưởng “phải có con trai” vẫn ăn sâu vào tiềm thức người lớn tuổi, nhưng trong số 61 hộ sinh con 1 bề của xã, chỉ có 2 gia đình sinh con thứ 3, không có hiện tượng tảo hôn. Con số này thể hiện sự cố gắng lớn của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền về bình đẳng giới và thực hiện kế hoạch hóa gia đình trong đồng bào dân tộc Dao.
“Hằng năm, ngay từ đầu năm chúng tôi đã có kế hoạch để triển khai thực hiện cho các ban, ngành tập trung vào cuộc trong công tác tuyên truyền không để mất cân bằng giới tính, những hộ sinh con một bề không để tình trạng “trọng nam khinh nữ”. Mặt trận Tổ quốc làm đơn vị đầu mối trong công tác này, và các đoàn thể như: Phụ nữ, thanh niên, hội nông dân làm công tác tuyên truyền”, ông Triệu Văn Hoa - Chủ tịch UBND xã Dần Thàng cho biết.
Hoàng Thương
TAG:
Tin khác
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
Nam Định: Đổi mới công tác bảo hiểm xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động
Kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Long An
Hiệu quả mô hình “Tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng” ở Đồng Nai
Herbalife Việt Nam đồng hành cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức Cuộc Thi Lan Tỏa Năng Lượng Tích Cực lần thứ năm liên tiếp
Chương trình Đi bộ từ thiện Đinh Thiện Lý: 20 năm những bước chân chia sẻ
TP.HCM: Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH được nhận gộp lương 2 tháng trước Tết
Quảng Ngãi nâng cao năng lực cho tình nguyện viên phòng, chống mua bán người
'Tháp Eiffel bốc cháy': Cách phân biệt tin giả thời AI