An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hiệu quả từ chính sách giảm nghèo ở huyện Kim Bôi (Hòa Bình)
04:14 PM 02/12/2022
(LĐXH)- Thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống và tăng thu nhập cho người dân; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản – là phương châm trong công tác giảm nghèo ở Kim Bôi.
Trồng cây có múi là ưu tiên trong phát triển kinh tế ở Kim Bôi
Năm 2022, các chính sách giảm nghèo được huyện Kim Bôi triển khai đồng bộ. Thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, huyện đề nghị hỗ trợ mua, cấp mới, gia hạn thẻ cho 85.427 đối tượng, trong đó có 74.408 hộ dân tộc thiểu số, 1.724 hộ nghèo, 3.415 hộ cận nghèo.
Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết vốn vay ưu đãi cho 813 hộ nghèo, 487 hộ cận nghèo; 703 hộ vay nước sạch và vệ sinh môi trường; 374 hộ vay giải quyết việc làm; 4 hộ vay xuất khẩu lao động; 645 hộ vay sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn…
Trong năm đã hỗ trợ tiền điện cho 6.720 hộ nghèo và hộ chính sách xã hội. Phòng GD&ĐT hỗ trợ chi phí học tập cho 26.485 học sinh; Phòng LĐ-TB&XH chi trả chế độ cho 213 sinh viên học trung cấp, cao đẳng các trường ngoài công lập hưởng chính sách miễn, giảm học phí. 6.720 hộ nghèo được hỗ trợ ăn Tết theo chính sách giảm nghèo đặc thù…
Bên cạnh đó, các dự án, chương trình MTQG triển khai, thực hiện có hiệu quả. Thông qua dự án đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo từ nguồn vốn năm 2021 đã thực hiện dự án nuôi bò lai sinh sản tại xã Mỵ Hoà, giao 11 con bò cái cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; vốn năm 2022 được giao kinh phí gần 2,1 tỷ đồng, thực hiện dự án nuôi bò sinh sản tại 4 xã: Vĩnh Tiến, Hợp Tiến, Đông Bắc, Xuân Thuỷ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Trong khuôn khổ dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên mở lớp học nghề tại các xã: Kim Bôi, Hùng Sơn, Mỵ Hoà, Vĩnh Đồng, Xuân Thuỷ, Bình Sơn, Đú Sáng.
Đến nay đã mở 11 lớp đào tạo nghề đan lát thủ công, mây giang đan, kỹ thuật nuôi gà hữu cơ, kỹ thuật trồng và chăm sóc bí xanh cho học viên là người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số sống tại vùng đặc biệt khó khăn. Trong tháng 10, huyện đồng loạt tổ chức 7 sàn giao dịch việc làm lưu động tại các cụm xã nhằm tuyên truyền, phổ biến, thông tin thị trường lao động, thu hút người lao động và người sử dụng lao động tham gia.
Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin, nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình cũng được triển khai tích cực, đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác văn hoá cơ sở tại xã, thôn đặc biệt khó khăn; 5 hội nghị nói chuyện chuyên đề và đối thoại chính sách giảm nghèo tại các xã: Mỵ Hoà, Xuân Thuỷ, Hợp Tiến, Vĩnh Tiến, Đông Bắc; 6 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo cho cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp huyện, xã, thôn, xóm, khu phố.
Vơi nhiều nỗ lực của các cấp, ngành trong triển khai, thực hiện công tác giảm nghèo, giảm nghèo bền vững, huyện Kim Bôi đã hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2022. Toàn huyện có tổng số 28.020 hộ, hộ nghèo còn 5.137 hộ, chiếm 18,33%, giảm 1.583 hộ, tương đương 5,7% so với năm 2021, đạt 143,9% kế hoạch; hộ cận nghèo giảm 623 hộ, tương đương 1,98%, hiện còn 3.555 hộ, chiếm 12,69%.
Thời gian tới, huyện tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, gồm hỗ trợ đầu tư phát triển KT-XH huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; phát triển sản xuất; giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; nhà ở; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.
Thực hiện rà soát, phân loại hộ nghèo, cận nghèo đảm bảo chính xác, công bằng, không bỏ sót đối tượng. Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, ngành, tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi, chuyển biến nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của hộ nghèo, vận động nhân dân góp sức, tiếp nhận, sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng để thoát nghèo.
Tiếp tục vận động các nguồn lực từ xã hội để thực hiện giảm nghèo, an sinh xã hội. Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện tại địa phương, cơ sở, phát hiện, xử lý nghiêm các biểu hiện, vụ việc vi phạm, lợi dụng chính sách, nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo.
Thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo chung về tín dụng ưu đãi, miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo quy định, BHYT, nhà ở, nước sạch, thông tin, đào tạo nghề, giải quyết việc làm./.
Hồng Hà
TAG:
Tin khác
Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng vận động mọi nguồn lực hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi bão số 3
 Đắk Nông: Cải thiện dinh dưỡng, giúp người dân thoát nghèo
Hơn 8 tỷ đồng học bổng Đinh Thiện Lý được trao tặng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Bắc Giang: Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội ở huyện nghèo
Sở LĐ-TB&XH TPHCM chuyển hơn 1,1 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
Trường Cao đẳng Quảng Nam: Phát động đóng góp ủng hộ nhân dân các tỉnh thành phía Bắc khắc phục hậu quả thiên tai
150 xe đạp được trao tặng cho trẻ em ở An Giang
Huyện Đông Giang (Quảng Nam): Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình giảm nghèo
Huyện Bắc Bình (Bình Thuận): Tập trung nguồn lực hỗ trợ người dân giảm nghèo, ổn định cuộc sống