An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hiệu quả sử dụng vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Hội Người mù thành phố Hà Nội
04:47 PM 30/10/2019
Theo thống kê khi mới thành lập, Hội Người mù thành phố Hà Nội có nhiều hội viên thuộc diện đói nghèo. Tuy nhiên, nhờ được vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của hội viên đã giảm xuống đáng kể, nhiều người đã có thu nhập, cuộc sống ổn định.
Ông Bùi Trọng Minh, Phó Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội cho biết: Hội người mù thành phố được thành lập năm 1972, hội luôn xác định phương hướng hoạt động chính là “Lấy lao động sản xuất làm nhiệm vụ trọng tâm”. Ngay từ bước đầu, Hội đã làm các nghề thủ công như tăm, chổi. Càng ngày, hội càng phát triển theo nhu cầu xã hội, ngoài làm các mặt hàng đan lát, thủ công như tăm chổi, hiện nay hội đang dạy những nghề cho hội viên như xoa bóp, bấm huyệt, không những phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của người mù Việt Nam mà còn phù hợp với khu vực Châu Á, Thái Bình Dương. Hội được công nhận là Trung tâm công lập đào tạo 3 nghề chính theo cấp phép của Tổng là xoa bóp bấm huyện, tin học văn phòng và công tác xã hội.
Ngoài việc dạy nghề, hội còn tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình. Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần và các chính sách xóa đói giảm nghèo, trong giai đoạn 1987-1992, Trung ương Hội Người mù Việt Nam đã đề xuất với Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho người mù nghèo được vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để phát triển kinh tế gia đình. Từ nhiều năm qua, các cấp hội đã đại diện đứng ra tín chấp các nguồn vốn vay ưu đãi, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế thoát khỏi đói nghèo. Đây là phương thực giúp đỡ hội viên người khiếm thị hiệu quả, phù hợp với người hỏng mắt sinh sống ở cả nội và ngoài thành. Theo đó, từ năm 1992, những người khiếm thính đã được vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm theo kênh Trung ương Hội và sau đó là kênh UBND thành phố và bằng những đồng vốn tình nghĩa này, nhiều hội viên đã có điều kiện phát triển kinh tế, thoát khỏi cảnh cơ hàn.
Nhờ thực hiện hiệu quả vốn vay, nhiều hội viên người mù thành phố đã có việc làm ổn định cuộc sống
Tới thăm Cơ sở Tẩm quất thật của gia đình anh Tạ Đình Hán, ở phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, một hội viên Hội Người mù quận Hoàn Kiếm, chúng tôi thấy hiệu quả của việc vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của gia đình anh.
Anh Hán tâm sự: Học đến lớp 5, anh đành phải nghỉ học vì không nhìn thấy ánh sáng. Tuổi thơ quanh quẩn với bốn bức tường trong nhà khiến anh bi quan, chán nản. Nhưng rồi cuộc đời anh đã có ý nghĩa hơn khi anh tham gia sinh hoạt ở Hội Người mù quận Hoàn Kiếm. Tại đây, anh được học chữ nổi, học nghề tẩm quất, được giao lưu với những người cùng cảnh. Sau khi có tay nghề, năm 2006, anh đã đứng ra thành lập cơ sở tẩm quất ở 17 ngõ Gạch, phường Hàng Buồm. Ba năm sau, anh mở thêm cơ sở nữa ở 150 phố Vọng Hà, quận Hai Bà Trưng. Năm 2010, anh tiếp tục mở cơ sở tẩm quất thứ 3. Hiện tại, anh đang là ông chủ của 3 cơ sở tẩm quất, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động, trong đó có 27 lao động khiếm thị, 2 lao động dạng tật khác và 01 người bình thường với mức thu nhập bình quân từ 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng. Với mức lương như vậy, một số lao động khiếm thị không chỉ phụ giúp nuôi sống bản thân, gia đình mà còn mua sắm được vật dụng sinh hoạt tiện nghi trong gia đình. Cơ sở tẩm quất của anh là một trong những cơ sở đầu tiên có mức lương, thu nhập ổn định và cao so với mặt bằng chung của nghề tẩm quất do người mù mở ra. Tính từ khi thành lập cơ sở đầu tiên năm 2006 đến nay, anh được vay vốn qua kênh của Hội Người mù quận 4 kỳ, với mức vay tối đa mỗi kỳ là 50 triệu đồng, thời hạn vay là 2 năm/kỳ. Nguồn vốn vay đã đáp ứng được một phần nhu cầu vốn của anh trong việc đầu tư, sửa chữa phòng ốc, mua sắm thiết bị.
Có hoàn cảnh khác anh Đán, bác Nguyễn Thị Hằng, 62 tuổi, trú phường Hàng Đào hiện đang sống một mình trong con hẻm nhỏ trên đường Hàng Ngang. Mặc dù có một người con trai nhưng từ lâu bác đã sống một mình cho thoải mái trong căn nhà chỉ rộng vẻn vẹn 6 m2. Do cuộc sống còn nhiều khó khăn ngoài khoản tiền trợ cấp xã hội đối với người mù, để có thể tăng thêm nhu nhập, tháng 4/2016, bác đã được Hội Người mù quận Hoàn Kiếm tạo điều kiện cho vay vốn 20 triệu đồng để cùng với người cháu họ kinh doanh áo phông. Bác tâm sự: “Mình có vốn, người cháu có tí công, dựa vào nhau mà sống, mình không phải thuê địa điểm, tận dụng con ngõ nhỏ, nên việc kinh doanh buôn bán nhỏ cũng tiềm tiệm đủ tiêu, không phải dựa vào con cháu”.
Anh Nguyễn Châu Sơn, Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm cho biết, hiện nay, Hội Người mù quận có 100 hội viên, trong đó có 30 người vay vốn đề mở cơ sở tẩm quất, bán quần áo, làm dịch vụ tăm chổi. Hoạt động cho vay vốn không chỉ giúp hội viên xóa đói giảm nghèo mà còn phấn đấu làm kinh tế. Việc vay vốn phát triển kinh tế đã giúp người mù chủ động, không phụ thuộc vào gia đình, tự chủ trong vấn đề chi tiêu, thậm chí có những người làm chủ gia đình, nuôi con cái ăn học trưởng thành. Các hội viên là những người có lòng tự trọng, đến kỳ thanh toán đều hoàn trả vốn vay và lãi đúng hạn, không có trường hợp chậm chễ về trả vốn vay. Tỷ lệ hội viên nghèo giảm từ 25% (năm 2006) xuống còn 15% (năm 2017). Trong tổng số 100 hội viên, chỉ còn 02 hộ thuộc diện hộ nghèo.
Nói về việc sử dụng vốn vay và tác dụng thiết thực với đời sống hội  viên, Anh Bùi Trọng Minh, Phó Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội cho biết thêm: Nhờ được tiếp cận các nguồn vốn nên hội viên có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, đẩy lùi đói nghèo, chất lượng cuộc sống được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh chóng. Hiện nay, Thành hội Hà Nội đang quản lý số vốn 32,1 tỷ đồng (trong đó có 2,9 tỷ đồng là từ kênh Trung ương Hội, còn lại là nguồn của thành phố Hà Nội), với 153 dự án cho 2.844 hội viên vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người mù, nhất là ở những vùng ngoại thành như Chương Mỹ, Ba Vì, với mức lãi suất cho vay ưu đãi là 0,275%/tháng, bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo.
Đối với những hộ ở vùng nội thành, việc vay vốn chủ yếu tập trung vào buôn bán dịch vụ nhỏ, trồng hoa, cây cảnh như các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm. Còn đối với những hộ người mù ở ngoại thành, nguồn vốn vay được sử dụng để chăn nuôi lợn, mô hình trang trại nuôi bò sỡ, nhím... Tùy theo dự án, mỗi hộ được vay từ 20 triệu đồng - 50 triệu đồng. Số vốn này đã đáp ứng được phần nào nhu cầu của hội viên. Thông qua chương trình vay vốn giải quyết việc làm đã xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế giỏi như hội viên Nguyễn Văn Chiến, Lê Văn Bình ở Ba Vì với mô hình chăn nuôi lợn mang hiệu quả kinh tế cao; các hội viên Tạ Đình Hán ở Hoàn Kiếm, Lương Thị Hải Yến ở Long Biên, Nguyễn Văn Thực ở Mê Linh với việc tự mở các cơ sở dịch vụ tẩm quất, giúp giải quyết việc làm cho bản thân, gia đình, người đồng tật Ngoài ra, thông qua nguồn vốn cũng tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất thủ công, dịch vụ xoa bóp thuộc Hội nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. Hiện nay, Hội Người mù thành phố Hà Nội có hơn 3.000 hội viên trong độ tuổi lao động, trong đó có 829 hội viên có việc làm ổn định, chiếm tỷ lệ 63,3%, còn lại 36,7% hội viên trong độ tuổi lao động chưa có việc làm ổn định. Nhìn chung, những hội viên khi được vay vốn đều có ý thức sử dụng hiệu quả, bảo toàn được vốn vay, hoàn trả gốc và lãi đúng hạn nên đã tạo được tín nhiệm với những nơi cung cấp nguồn vốn vay, góp phần cùng các cấp chính quyền địa phương, gia đình giảm tỷ lệ hộ nghèo. Hội Người mù thành phố Hà Nội là đơn vị đi đầu trong hệ thống tổ chức hội người mù toàn quốc về công tác quản lý vốn vay và cũng là một trong những tổ chức của người khuyết tật thành phố quản lý, sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. “Trải qua 25 năm, hội được Ngân hàng chính sách và UBND thành phố đánh giá rất cao về hoạt động của người mù, chưa phải gia hạn khoản nợ nào, chưa làm thất thoát đồng vốn nào, hàng năm được thành phố đánh giá cao và năm 2017 được bổ sung thêm nguồn vốn 5 tỷ đồng, nâng số nguồn vốn lên 32 tỷ. Tạo việc làm cho hội viên hội người mù, nhất là ở các vùng Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ,  Mỹ Đức, rất cần vốn, đầu tư nguồn vốn đúng mục đích và hiệu quả. Một trong những tổ chức hội đảm bảo nguồn vốn tốt nhất toàn thành phố” - anh Bùi Trọng Minh chia sẻ.
Tuy nhiên, hiện nay, Hội Người mù thành phố đang gặp một số vấn đề khó khăn trong việc giải ngân cho hội viên vay vốn do từ tháng 8/2017, thực hiện Thông tư 11 của Bộ Tài chính và Quyết định số 26/2017-QĐ-TTg của UBND thành phố Hà Nội về ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố uỷ thác qua Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thì nguồn vốn không cấp cho Hội Người mù thành phố nữa mà giao cho tổ tín dụng xã, phường thực hiện cho người mù vay vốn. Do vậy, hội viên người mù rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Để tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, Hội Người mù thành phố cũng đề nghị các Bộ, ngành trung ương, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục ủy thác nguồn vốn vay qua kênh của Hội để cho hội viên vay vốn.
Minh Anh
 
TAG:
Tin khác
Hà Nội: Tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả công tác uỷ thác cho vay tín dụng chính sách xã hội
Thành phố Hồ Chí Minh số lao động rút BHXH một lần giảm mạnh
Huyện Phú Bình: Tích cực, chủ động thực hiện chính sách ưu đãi người có công
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
BHXH TP.HCM không tổ chức làm việc ngoài giời vào sáng 11/1/2024
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà Tết Ất Tỵ đối tượng chính sách khó khăn huyện Lý Nhân
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Dành những điều tốt nhất đối với người có công bằng trách nhiệm tri ân
Hoa quả Phương Toản tặng bánh chưng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2025
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo