Hiệu quả “Mô hình cơ sở phòng và trị liệu Rối nhiễu Tâm trí tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vân Đồn”
(LĐXH)- Tháng 7/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Đề án “Thí điểm mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại huyện Vân Đồn”.
Đề án 1215 có mục tiêu đưa công tác phòng chống rối nhiễu tâm trí và phục hồi chức năng bệnh nhân tâm thần ngay ở tuyến chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Một trong những hoạt động trọng tâm của đề án trong giai đoạn 2011-2015 là xây dựng mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí. Bệnh viện Đa khoa Vân Đồn, Quảng Ninh được chọn là nơi đầu tiên trong toàn quốc thực hiện hoạt động chiến lược này.
Bệnh viện Đa khoa Vân Đồn là bệnh viện hạng 3 trong hệ thống tổ chức bệnh viện Việt Nam, thực hiện chức năng khám, chữa bệnh cho nhân dân trong địa bàn. Bệnh viện có trụ sở chính với 14 khoa chuyên môn và 4 phòng chức năng, 1 phân viện đặt tại đảo Quan Lạn, và 2 phòng khám ngoại trú dành cho bệnh nhân nhiễm HIV và điều trị cai nghiện bằng methadol.
Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện huyện Vân Đồn
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, năm 2009, dịch vụ phòng chống rối nhiễu tâm trí cho người nhiễm HIV được thiết lập và đưa vào hoạt động tại phòng khám ngoại trú ở huyện Vân Đồn. Đây là thử nghiệm đầu tiên trong cả nước tại một phòng khám ngoại trú thuộc bệnh viện tuyến huyện, nơi không có bác sĩ tâm thần.
Tuy nhiên, quá trình thử nghiệm đã mang lại những kết quả tích cực. Nhờ đó, Bệnh viện Đa khoa Vân Đồn tiếp tục được chọn làm nơi thí điểm đầu tiên trong cả nước xây dựng điểm phòng chống rối nhiễu tâm trí cho tuyến chăm sóc sức khoẻ ban đầu, đặt tích hợp vào hoạt động của bệnh viện huyện và công tác xã hội.
Mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí gồm 8 phòng nhằm phục vụ cho các hoạt động chuyên môn, mỗi phòng có chức năng, nhiệm vụ hoạt động cụ thể: Phòng điều trị nội trú; Phòng khám ngoại trú; Phòng giao ban chuyên môn y tế - công tác xã hội; Phòng quản lý bệnh nhân, chỉ đạo tuyến, quan hệ quốc tế; Phòng tư vấn tâm lý, trị liệu không dùng thuốc; Phòng công tác xã hội; Phòng thư giãn/đào tạo/trị liệu nhóm; Phòng dành cho lãnh đạo.
Các dịch vụ chính của mô hình là: Khám sàng lọc sử dụng các công cụ sàng lọc và các phương pháp đánh giá phù hợp nhằm phát hiện các vấn đề về rối nhiễu tâm trí, bệnh tâm thần; thực hiện chẩn đoán xác định rối nhiễu tâm trí/bệnh tâm thần; tiếp nhận cấp cứu tâm thần 24/24 giờ; thực hiện điều trị nội trú (không quá 5 ngày) các trường hợp nặng có chỉ định theo dõi chuyên môn thường xuyên bởi nhân viên y tế; thực hiện chuyển tuyến lên bệnh viện chuyên khoa các trường hợp nặng. Dịch vụ dự phòng: Trợ giúp tuyến cơ sở dự phòng các rối nhiễu tâm trí, tăng chất lượng sống cho bệnh nhân, đào tạo cộng đồng, tuyên truyền giáo dục sức khỏe tâm trí.
Sau 3 năm thực hiện, đề án đã từng bước hình thành và đưa vào hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm trí vào hoạt động tại bệnh viện Vân Đồn, đề án đã đạt được một số mục tiêu cơ bản, đó là hoàn thành thiết kế mô hình chuyên môn và thuyết minh mô hình; tạo lập được môi trường pháp lý đưa mô hình vào thực tế, tuy nhiên hoạt động học tập mô hình triển khai đã thành công chưa thực hiện được; cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động chuyên môn đã được thực hiện nhưng còn chậm so với kế hoạch.
Bên cạnh đó, dự án đã xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện được công tác khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị người rối nhiễu tâm trí nhóm bệnh phổ biến và bệnh nhân tâm thần nhóm tâm thần phân liệt theo đúng quy trình thực hành lâm sàng chuẩn xây dựng theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới dành cho bệnh viện đa khoa và tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu. Các trường hợp rối nhiễu tâm trí và bệnh tâm thần trong huyện tiếp cận và sử dụng dịch vụ tại bệnh viện.
Tuy nhiên, là một mô hình mới chưa có tiền lệ trong quá trình thực hiện còn có nhiều khó khăn như cơ chế tài chính, thiết lập mặt bằng chuyên môn, thực hiện vận hành các hoạt động của mô hình… Hoạt động của để án cũng đã từng bước xây dựng và hình thành dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm trí tại tuyến huyện, đáp ứng được nhu cầu của người dân ở cộng đồng góp phần cụ thể hoá nội dung của Đề án 1215 (trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng).
Theo đánh giá, đề án được xem là thành công và có tính bền vững khi Khoa chăm sóc sức khoẻ tâm trí tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đồn đi vào hoạt động và tạo ra các dịch vụ phòng ngừa, chẩn đoán, trị liệu rối nhiễu tâm trí và phục hồi chức năng bệnh nhân tâm thần, tích hợp vào hoạt động thường xuyên của bệnh viện. Từ đó, mô hình sẽ được mở rộng phạm vi ở tỉnh và toàn quốc./.
Dương Thìn
TAG: