Hiệu quả giảm nghèo ở Na Rì
Thời gian qua, công tác giảm nghèo của huyện Na Rì đã thu được những kết quả tích cực. Các chính sách, chương trình, dự án được triển khai kịp thời, đúng quy định, góp phần nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân.
Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, cùng với việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, UBND huyện Na Rì đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã, thị trấn thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo trong cán bộ, Nhân dân. Chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức rà soát, phân tích nguyên nhân dẫn đến nghèo để tham mưu biện pháp hỗ trợ phù hợp; xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo hằng năm; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nhân dân tiếp cận các chính sách giảm nghèo của Nhà nước về hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm… Đồng thời, tăng cường tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo, tạo điều kiện để triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án liên quan.
Từ năm 2016 đến nay, Na Rì đã chuyển đổi trên 1.000ha đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng cây giá trị kinh tế cao như: Đỗ tương, dong riềng, cây ăn quả các loại... Việc trồng cây ăn quả được người dân chú trọng phát triển cả về diện tích và năng suất, chất lượng với tổng diện tích toàn huyện hiện có trên 700ha. Thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, các cấp, ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân xây dựng sản phẩm OCOP để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập. Năm đầu tiên thực hiện (2018), toàn huyện có 06 sản phẩm đạt tiêu chuẩn (01 sản phẩm đạt 4 sao và 5 sản phẩm đạt 3 sao) thì đến hết năm 2019, toàn huyện có 19 sản phẩm OCOP. Từ đầu năm đến nay, huyện có 01 sản phẩm nâng hạng sao từ 4 sao lên 5 sao, 02 sản phẩm nâng hạng sao từ 3 sao lên 4 sao và 10 sản phẩm đăng ký mới.
Việc triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án hỗ trợ sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Vì thế, đã giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 40,89% (năm 2016) xuống còn 24,85% tính đến hết năm 2019. Toàn huyện đang phấn đấu giảm 3,42% tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2020.
Thực tế cho thấy, do nguồn lực đầu tư chủ yếu từ ngân sách Trung ương và từ chương trình mục tiêu quốc gia; vốn ngân sách Trung ương để thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2016 - 2020 còn thấp và không ổn định. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo chưa tập trung, còn nhiều chính sách hỗ trợ "cho không" dẫn đến một bộ phận người dân có tư tưởng ỷ lại, không muốn thoát nghèo. Nhiều hộ không có khả năng thoát nghèo do có người mắc bệnh hiểm nghèo, hộ thuộc diện bảo trợ xã hội hoặc không có đất sản xuất… nên dù đã có nhiều chuyển biến, nhưng kết quả giảm nghèo của huyện chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo, phát sinh hộ nghèo mới còn cao.
Để đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Quang Kế, cùng với tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, cần triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn được phân bổ, lồng ghép với nguồn lực các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác để thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các chính sách, chương trình dự án về giảm nghèo, bảo đảm đánh giá chính xác hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Khuyến khích các địa phương lựa chọn thực hiện các nội dung hỗ trợ mang tính bền vững và xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả cao. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ tập trung cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; tăng cường huy động các nguồn vốn, công nghệ chế biến để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của địa phương./.
Hoàng Vũ
TAG: