Là huyện miền núi, biên giới, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, những năm qua, huyện Bình Liêu đã nỗ lực triển khai hiệu quả nhiều chương trình, giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, từng bước nâng cao và cải thiện đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đồng thời góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội nơi cửa ngõ biên giới. Huyện đã tập trung ưu tiên dành các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông và các công trình thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh. Hàng loạt các dự án trọng điểm được triển khai xây dựng như cặp Cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc) và hạ tầng Khu kinh tế Cửa khẩu Hoành Mô; nâng cấp cải tạo đường từ Trung tâm y tế huyện đấu nối với quốc lộ 18C; cải tạo, nâng cấp nút giao thông đường nội thị thị trấn giao với cầu Nà Cắp và tuyến đường từ Trạm y tế Đồng Văn đến UBND xã Đồng Văn. Cùng với đó, huyện từng bước đồng bộ kết cấu hạ tầng tại các xã nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình 135.
Thực hiện các chính sách giảm nghèo, huyện đã triển khai đồng bộ những chương trình, chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện, tập trung nguồn lực của địa phương để tổ chức thực hiện các mô hình giảm nghèo, như: Cho vay vốn chăn nuôi, trồng rừng, phát triển sản phẩm có lợi thế, hỗ trợ xây, sửa nhà... Những mô hình này đã được triển khai nhân rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Tính riêng năm 2020, trên địa bàn huyện số hộ thoát nghèo tuyệt đối là 208/471 hộ bằng 114,9% kế hoạch; số hộ thoát cận nghèo tuyệt đối là 323/826 hộ, bằng 84,3% kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 3,06%, giảm 3,24% so với năm 2019.
Không chỉ riêng huyện Bình Liêu, trong thời gian qua, công tác giảm nghèo bền vững đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện đồng bộ tại 13/13 địa phương thông qua triển khai xây dựng các dự án, chương trình hạ tầng, đầu tư phát triển kinh tế ở 13/13 địa phương. Riêng trong năm 2020, Ban Dân tộc đã thực hiện giải ngân 318.500 tỷ đồng để đầu tư, hỗ trợ 295 danh mục công trình, trong đó hỗ trợ 187 công trình chuyển tiếp năm 2019 và 108 công trình mới bao gồm các hạng mục như: Công trình đường liên thôn, xóm, đường ra khu sản xuất tập trung; nhà văn hóa; đập, công trình nước sinh hoạt tập trung; trường học, hội trường, nhà thi đấu, trạm y tế..., phân bổ tại các khu vực miền núi, hải đảo. Thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho hai địa phương là Hạ Long, Bình Liêu với số vốn hỗ trợ là trên 2.700 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 100%. Cũng trong năm 2020 mặc dù chịu nhiều tác động của dịch COVID-19, nhưng Quảng Ninh đã hoàn thành việc cấp điện lưới ra đảo Trần (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô), hoàn thành tiêu chí cấp điện lưới 100% đến các hộ dân trên đất liền và hải đảo trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội cho người dân. Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm cũng đã và đang được gấp rút hoàn thành, như: đường Trần Quốc Nghiễn; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; đường nối Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến Khu phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp...
Cùng với đó, công tác phối hợp quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được tỉnh vận động, triển khai mạnh mẽ với 33 chương trình, dự án thực hiện từ nguồn vốn hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài với tổng kinh phí trên 2.400 tỷ đồng, vốn đối ứng gần 373 tỷ đồng, để đầu tư phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo trên địa bàn tỉnh.
Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ về hạ tầng, vay vốn, phát triển kinh tế, vệ sinh môi trường đã góp phần lớn tạo nên hiệu quả giảm nghèo cho nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Trần Huyền