Hiệu quả của các mô hình giảm nghèo ở Yên Lập
(LĐXH) - Những năm qua, huyện Yên Lập (Phú Thọ) đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật sản xuất, xây dựng mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp, mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập.
Huyện Yên Lập có trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Những năm qua, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, huyện đã triển khai, thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo phù hợp, tạo động lực giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo.
Thời gian qua, chương trình giảm nghèo bền vững ở Yên Lập cũng đã huy động được sự tham gia tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện và các đoàn thể chính trị xã hội, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”; hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo giống cây trồng, vật nuôi, vay vốn tiết kiệm để phát triển kinh tế. Trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, việc triển khai chương trình giảm nghèo bền vững của huyện sẽ thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tác động theo nhóm đối tượng và nguyên nhân nghèo; đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hôi hóa theo phương chậm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp, cộng đồng giúp đỡ”. Bên cạnh đó, giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp, tăng các chính sách hỗ trợ có điều kiện tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, khuyến khích người nghèo vươn lên thoát nghèo; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho chương trình giảm nghèo bền vững.
Để tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, huyện Yên Lập đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật sản xuất theo thời vụ, xây dựng mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp, mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Theo thống kê, huyện Yên Lập hiện có hơn 8.500 con trâu, đàn bò có 8.000 con, đàn lợn có gần 65.000 con và trên 1 triệu con gia cầm.
Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Yên Lập đã giảm dần qua các năm. Đời sống người dân từng bước được nâng lên, an ninh trật tự được bảo đảm. Một trong các tấm gương vươn lên làm giàu, thoát nghèo là hộ gia đình chị Định Thị Nhàn, xã Xuân Thủy với mô hình nuôi cá Koi.
Đây là loại cá cảnh được thị trường ưa chuộng. Nhờ áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, chọn con giống khỏe, thường xuyên cải tạo ao, nguồn nước hợp vệ sinh, khẩu phần ăn hợp lý và chủ động thị trường nên đàn cá tăng trưởng nhanh, hạn chế dịch bệnh, sản lượng đạt cao. Qua đó mô hình nuôi cá Koi của gia đình chị mang lại hiệu quả cao. Kinh tế gia đình chị ngày càng khấm khá, có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm thiết bị hiện đại như điều hòa, tủ lạnh, bếp từ.... Từ thành công bước đầu, vợ chồng chị Nhàn đầu tư chuồng trại nuôi lợn theo hướng hữu cơ. Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, chị còn gương mẫu chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước, xây dựng gia đình văn hóa tiêu biểu, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.
Hay như mô hình vườn ươm quế giống của gia đình bà Triệu Thị Vân (trú tại khu Dân Chủ, xã Thượng Long, huyện Yên Lập) mang lại hiệu quả cao, giúp tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Năm 1994, khi phong trào trồng quế - loài cây có thể thu hoạch được cả lá, vỏ, thân - được người dân ở Yên Lập phát triển một cách mạnh mẽ, gia đình bà Vân cũng chuyển sang trồng loại cây này. Ngoài việc trồng quế, nhận thấy nhu cầu về cây giống, bà đã chuyển sang ươm cây giống để bán cho bà con xung quanh, đồng thời thu mua, chế biến các sản phẩm từ quế. Dù là vùng đồi dốc, nhưng thời tiết và thổ nhưỡng ở Yên Lập lại giúp cây quế phát triển rất tốt. Khi mới bắt tay vào ươm cây quế, gia đình bà Vân cũng gặp nhiều khó khăn như tỉ lệ mọc của hạt thấp, cây phát triển không đều… Tuy nhiên, sau vài lần ươm giống, cộng với học hỏi kinh nghiệm từ sách báo, cuối cùng gia đình bà cũng thành công, ươm ra những cây giống chất lượng. Gia đình bà Vân được Nhà nước hỗ trợ vốn để xây dựng mô hình vườn ươm cây giống, đến nay gia đình bà đang có 7 vườn ươm quế giống với tổng diện tích trên 1ha. Đặc biệt, tiếng lành đồn xa, cây quế giống trong vườn nhà bà được nhiều người ưa chuộng, có bao nhiêu cũng được người dân thu mua hết. Từ việc ươm giống, chế biến các sản phẩm từ quế, gia đình Vân đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 15-30 lao động trong xã, với thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Có thể thấy, việc triển khai các mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp, mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người nghèo trên địa bàn huyện Yên Lập phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Thời gian tới, huyện Yên Lập sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng. Khơi dậy ý chí tự lực, tự thân vận động, có ý thức vươn lên thoát nghèo…/.
Minh Hưng
TAG: