An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hiệu quả công tác chăm sóc người khuyết tật ở Phú Thọ
04:08 PM 12/12/2023
(LĐXH)- Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có khoảng 230.000 người mang các loại khuyết tật về tai nghe, chân, mắt, trí nhớ, trong đó có nhiều người mang cả hai, ba loại khuyết tật và trên 2.100 trẻ khuyết tật nặng.
Phát huy truyền thống “tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc, các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác chăm sóc người khuyết tật. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người khuyết tật trong tỉnh được cải thiện rõ rệt…
Đến nay, nhiều rào cản về môi trường cũng như xã hội đối với người khuyết tật ở Phú Thọ đang từng bước được dỡ bỏ, đặc biệt là đã tạo cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; kịp thời động viên, phát huy khả năng của người khuyết tật, giúp họ tự tin, nỗ lực trong cuộc sống, vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật cũng được Phú Thọ thực hiện đảm bảo theo hướng dẫn, đúng quy trình, đúng đối tượng, thời gian quy định đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đảm bảo ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Trao đổi về công tác chăm sóc người khuyết tật trên địa bàn, ông Hoàng Xuân Đoài, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ, cho biết: Những năm qua, công tác ban hành, phổ biến, triển khai văn bản thực hiện Luật người khuyết tật, các chính sách liên quan đến người khuyết tật được UBND tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo các cấp, ngành, các địa phương triển khai kịp thời, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh; được cụ thể hóa vào các chương trình, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
“Nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh về chính sách người khuyết tật được nâng lên. Vai trò của mỗi cấp, mỗi ngành được cụ thể hóa bằng các văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước. Cán bộ chuyên trách làm việc có trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác trợ giúp, hướng dẫn, giải quyết thực hiện các chính sách đối với người khuyết tật” - Phó Giám đốc Hoàng Xuân Đoài, chia sẻ.

Công tác chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật ở Phú Thọ ngày càng được thực hiện hiệu quả

Đến nay, 100% các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh; UBND các huyện, thành, thị đã có trang thông tin điện tử cơ bản áp dụng tiêu chuẩn, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông như tăng giảm cỡ chữ, giao diện thân thiện, đơn giản.
Trong đó, Cổng thông tin điện tử tỉnh đã áp dụng tiêu chuẩn, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông theo phiên bản WCAG 1.0 như: đảm bảo màu sắc và độ tương phản hợp lý; kết hợp giữa màu nền và màu chữ có độ tương phản rõ ràng để hỗ trợ người khiếm thị dễ dàng nhận biết; không sử dụng chữ nhấp nháy, chữ tự động chuyển động để bảo đảm có thể sử dụng được chương trình đọc màn hình khi cần thiết...
Để thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc người khuyết tật, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ cũng đã phối hợp với các cấp, các ngành tập trung tuyên truyền sâu rộng về các chính sách hỗ trợ người khuyết tật với nhiều hình thức như: tuyên dương các gương điển hình về người khuyết tật tiêu biểu; tổ chức thăm, tặng quà người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn nhân các ngày lễ, tết; tuyên truyền về kết quả thực hiện, công tác chăm lo, trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật trên địa bàn tỉnh…
Tính đến thời điểm hiện tại, 100% Trạm Y tế xã/phường/thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh đều lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người khuyết tật và định kỳ khám sức khỏe cho người khuyết tật mỗi năm 01 lần. Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nơi cư trú cho người khuyết tật; tổ chức khám, chữa bệnh định kỳ và cấp phát thuốc miễn phí cho người khuyết tật.
Người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng được cấp thẻ BHYT với mức hỗ trợ 100%; trẻ khuyết tật được phát hiện sớm và can thiệp sớm; công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng từng bước được quan tâm. 100% người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đều được ưu tiên khám chữa bệnh theo quy định tại Luật Người khuyết tật và Luật Khám chữa bệnh; các cơ sở Khám chữa bệnh có chính sách ưu tiên cho người khuyết tật đi khám và điều trị; miễn, giảm viện phí; chi phí điều trị...
Tiếp đến, công tác phục hồi chức năng cho người khuyết tật cũng được tỉnh Phú Thọ quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ phục hồi chức năng cho các cơ sở y tế liên quan đến người khuyết tật. Bảo đảm đầu tư đủ các trang thiết bị phục hồi chức năng theo phân tuyến kỹ thuật, từng bước hiện đại hóa các trang thiết bị phục hồi chức năng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và phục hồi chức năng.
Các cơ quan chuyên môn trong tỉnh cũng đã triển khai thực hiện chương trình can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp người khuyết tật, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Tư vấn biện pháp phòng ngừa và phát hiện sớm khuyết tật; xác định khuyết tật bẩm sinh đối với trẻ em sơ sinh để kịp thời có biện pháp điều trị và chỉnh hình, phục hồi chức năng phù hợp.
Các hoạt động dạy nghề cho người khuyết tật được tỉnh Phú Thọ quan tâm thực hiện. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã dạy nghề cho 214 người khuyết tật có nhu cầu học nghề. Trong đó, 70% người khuyết tật sau khi học nghề đã tự làm việc hoặc được giới thiệu làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn với thu nhập ổn định.
Ngoài ra, các Trung tâm, cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật, Hội người mù trong tỉnh Phú Thọ còn tổ chức dạy nghề cho 237 người khuyết tật; sau học nghề, người khuyết tật được các cơ sở dạy nghề, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tạo điều kiện giúp người khuyết tật tiếp cận được các doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật tạo cơ hội cho người khuyết tật bước vào cuộc sống, vượt qua khó khăn, sử dụng sức lao động để nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội...
Phát huy những kết quả trong công tác hỗ trợ người khuyết tật, thời gian tới tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp, hỗ trợ người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt là quan tâm củng cố hệ thống dạy nghề và nâng cao khả năng đáp ứng công tác dạy nghề cho đối tượng là người khuyết tật; cải tiến nội dung chương trình, ngành nghề và hình thức đào tạo phù hợp cho người khuyết tật; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức kỹ năng và nhận thức về các lĩnh vực kỹ thuật, sư phạm đội ngũ giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật…

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa