An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hậu Giang: Vốn tín dụng chính sách xã hội giúp giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội
10:30 AM 14/10/2022
(LĐXH) - Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tỉnh Hậu Giang đã triển khai nhiều giải pháp để kịp thời đưa nguồn vốn tín dụng đến với người dân trên địa bàn. Trong 20 năm qua, tín dụng chính sách đã giúp hàng chục ngàn gia đình chính sách, hộ nghèo có điều kiện để phát triển kinh tế, tạo việc làm thu nhập ổn định, góp phần đảm bảo an sinh trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Triều, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Hậu Giang, phương thức cho vay của chi nhánh chủ yếu là cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác, thể hiện tính ưu việt riêng có của NHCSXH, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị chung tay giúp chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy được hiệu quả đồng vốn. Đồng thời, NHCSXH lồng ghép các chương trình tín dụng với các chương trình, dự án, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách.
Từ hai chương trình tín dụng ban đầu, đến nay chi nhánh đã triển khai cho vay 22 chương trình tín dụng chính sách với tổng nguồn vốn hoạt động tại chi nhánh đạt tổng dư nợ gần 3.300 tỷ đồng, tăng gấp 75,1 lần so với nguồn vốn nhận bàn giao khi mới thành lập (năm 2004). Về Chất lượng tín dụng của Chi nhánh được xếp loại tốt; có 8/8 đơn vị phòng giao dịch cấp huyện xếp loại tốt. Về chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, có 2.100/2.164 tổ xếp loại tốt, khá (chiếm tỷ lệ 97%), không có tổ xếp loại yếu.
Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang là hơn 205 tỉ đồng, chiếm 6,2% tổng nguồn vốn, đạt 150% chỉ tiêu kế hoạch giao năm 2022. Dư nợ đến nay, đạt hơn 178 tỉ đồng với hơn 4.500 khách hàng còn dư nợ, trong đó nợ quá hạn là 97 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,05% trên dư nợ.
20 năm qua, tỉnh Hậu Giang đã có trên 85 nghìn lượt hộ nghèo vươn lên thoát nghèo
nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội 
Thông qua 3 chương trình tín dụng chính sách (Chương trình cho vay hộ nghèo, Chương trình cho vay hộ cận nghèo, Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo), Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang phục vụ nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh nhằm mục tiêu giảm nghèo bền vững, đã giúp cho gần 330 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tiếp cận vốn vay, trong đó giúp cho trên 85 nghìn lượt hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, trên 40 nghìn hộ thoát cận nghèo, giảm tỷ lệ hộ tái nghèo, tái cận nghèo.
Các chương trình cho vay đối với đồng bào dân tộc thiểu số mà Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang thực hiện thời gian qua với tổng doanh số cho vay gần 5,8 tỉ đồng với 750 lượt hộ vay vốn; tổng dư nợ hơn 530 triệu đồng, với 81 hộ có dư nợ. Nguồn vốn của chương trình này đã giúp cho 670 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong vùng kinh tế đặc biệt khó khăn vươn lên vượt qua ngưỡng nghèo, từng bước cải thiện cuộc sống.
Chương trình tín dụng đối với các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, đến nay Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang đã giúp cho trên 41 nghìn lượt khách hàng được tiếp cận vốn vay, doanh số cho vay đạt gần 1.000 tỉ đồng, hiện nay dư nợ là hơn 232 tỉ đồng, với hơn 7.000 khách hàng còn dư nợ.
Cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg và Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã hỗ trợ các hộ nghèo ở nông thôn có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững theo phương châm "Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng được một căn nhà có diện tích sử dụng tối thiểu 24 m2; tuổi thọ căn nhà từ 10 năm trở lên”.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang đã cho vay hộ nghèo về nhà ở đạt doanh số cho vay 86 tỉ đồng, với gần 8.272 khách hàng được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 42 tỉ đồng; dư nợ đến nay đạt 40 tỉ đồng, với gần 2.600 hộ còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách này đã giúp xây dựng 8.272 căn nhà cho hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.
Việc hỗ trợ nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới.
Gia đình ông Nguyễn Văn Nhiều ở ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy thuộc diện hộ nghèo, sống chủ yếu dựa vào nghề nuôi lươn với diện tích đất ít ỏi quanh nhà. Năm 2020, chính quyền địa phương giới thiệu ông vào Tổ hợp tác nuôi lươn của ấp và được xét cho vay 40 triệu đồng vốn từ NHCSXH. Với số vốn trên, ông Nhiều thả nuôi 10.000 con lươn giống, sau một năm thu hoạch được hơn tấn lươn thịt. Nhờ vào Tổ hợp tác, tuân thủ quy trình sản xuất sạch, nên sản phẩm thu hoạch được công ty bao tiêu với giá 160 nghìn đồng/kg, lợi nhuận thu về hơn 90 triệu đồng. Ông Nhiều bộc bạch: “Cũng nhờ chính quyền địa phương, các hội đoàn thể, đặc biệt là nguồn vốn của NHCSXH đã đem đến cho những người nghèo như chúng tôi “chiếc phao” là điểm tựa vững chắc để bà con vươn lên. Cuối năm 2021, tôi đã tình nguyện trả lại sổ hộ nghèo”.
Có thể nói, NHCSXH đã trở thành người bạn đồng hành của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong hành trình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Để tiếp tục phát huy vai trò tín dụng chính sách trong phát triển kinh tế-xã hội, trong thời gian tới, NHCSXH các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, tranh thủ các nguồn vốn ủy thác, chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả; nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị-xã hội; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ, nhằm mang lại lợi ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, các ngành, nhất là sự giám sát của cấp ủy chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác vốn vay, đảm bảo mục tiêu tăng cường dư nợ đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng chính sách. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, thiết thực, hiệu quả về tín dụng chính sách xã hội và các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội./.
Minh Cảnh
TAG:
Tin khác
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công
Thái Nguyên: Phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa
Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần, phân biệt đối xử với trẻ em và trẻ em khuyết tật
Vĩnh Long: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo